Thấy gì trong hang núi đá Phứng Quyền, hang Khoài ở huyện Mai Châu?

Rừng cây nhiệt đới quanh năm đầy hoa trái, cây củ, cũng là nơi sinh sống của nhiều loài chim muông, người nguyên thủy có thể khai thác nguồn lương thực, thực phẩm của thiên nhiên. Chính vì vậy, từ rất sớm, Mai Châu được con người biết tới và khai thác. Trong môi trường thiên nhiên đa dạng, phức tạp, con người đã sinh sống và không ngừng phát triển. Vết tích cuộc sống của họ qua bao đổi thay của môi trường, của xã hội vẫn được giữ gìn nguyên vẹn trong lòng đất. Những người làm công tác khảo cổ với tấm lòng trân trọng quá khứ của dân tộc đã về huyện Mai Châu, làm sống lại thuở ban đầu của con người trên đất Mai Châu.

Tuy công tác khảo cổ nơi đây chưa được khai thác bao nhiêu, chỉ qua 2 mùa điều tra, tìm kiếm và 1 lần khai quật, song dấu tích cuộc sống để lại cho thấy con người đã có mặt trên đất Mai Châu từ hàng vạn năm trước và liên tục cho đến ngày nay.

Đó là di tích núi đá Phứng Quyền, tiếng địa phương gọi là đán Phứng Quyền, thuộc địa phận xã Mai Hịch. Đây là một núi đá rộng, thoáng đãng, dài hơn 20 m, rộng 7 - 8 m, cao hơn mặt ruộng 5 m, đường lên xuống dễ dàng. Trong hang đá có nhiều vỏ ốc suối, ốc núi nằm lẫn lộn trong lớp đất vàng xám chưa khai quật, chỉ nhặt trên mặt hang, các nhà khảo cổ đã thu lượm được 26 hiện vật bằng đá cùng nhiều xương, răng thú rừng như khỉ, lợn rừng, voi cổ và gấu tro… Phần lớn xương, răng thú rừng này đã hóa đá, rắn chắc và nặng hơn xương thú rừng hiện nay. Trong số các xương thú có hàm răng gấu tro là loại thú rừng đã biến mất khỏi nước ta từ khoảng vạn năm trở lại đây. Do đó đây là tư liệu cổ vô cùng quý hiếm để tìm hiểu động vật cổ trên đất nước ta. Những công cụ đá ở đây đều làm từ đá cuội, được ghè đẽo thô sơ thành lưỡi sắc để chặt cây, có chiếc hình núm cuội, có chiếc rìu lưỡi dọc theo viên cuội như hình múi bưởi. Đây là những công cụ thường gặp trên các đồi gò ở vùng trung du Vĩnh Phúc, Phú Thọ và cũng có mặt trên di tích Hang Pòng, Cum Đồn ở Sơn La, được các nhà khảo cổ xếp vào văn hóa Sơn Vi, cách ngày nay khoảng trên 1 vạn năm. Từ những vỏ ốc núi ở núi đá Phứng Quyền, bằng phương pháp phân tích đồng vị phóng xạ C14 thu được kết quả 18.390 năm (sai số 125 năm). Người cổ ở núi đá Phứng Quyền không chỉ là lớp người có mặt sớm nhất ở huyện Mai Châu, mà cũng là sớm nhất ở tỉnh Hòa Bình.

Hang Khoài là di tích khảo cổ quan trọng, có giá trị cao trong công tác nghiên cứu. Hang Khoài đã được công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia từ năm 1997.

Di tích hang Khoài nằm ở quả núi cùng tên là núi Khoài. Đây là một quả núi đứng độc lập, riêng rẽ ở giữa thung lũng hẹp thuộc xóm Sun, xã Xăm Khòe. Quả núi này trông xa tựa như con trâu đang ung dung gặm cỏ, có lẽ vì thế người Thái ở Mai Châu gọi là núi Khoài(núi trâu).

Ở hang Khoài, vượt ra ngoài dự kiến của những người chủ trì khai quật, bên cạnh bộ sưu tập công cụ đá cuội, đã phát hiện được 4 ngôi mộ trong diện tích không quá 25 m2. Có mộ là người đã trưởng thành, có mộ là của những thiếu niên khoảng 13, 14 tuổi, có mộ là của trẻ sơ sinh.

Phần lớn các mộ, chôn trong các huyệt mộ hình chữ nhật đều có chôn theo hiện vật. Những hiện vật tùy táng ở đây khá lý thú. Đó là những vỏ ốc biển mài thủng lỗ để đeo làm đồ trang sức. Những vỏ ốc biển này trước đây đã phát hiện được trong di tích hang Bương thuộc huyện Đà Bắc, hang Nậm Tun (Lai Châu). Ở đây cũng phát hiện được số lượng lớn vòng trang sức nhỏ bằng xương hoặc bằng vỏ ốc mài mỏng, giống loại vòng đã phát hiện ở hang Minh Cầm (Quảng Bình) và hang Bái Tử Long (Quảng Ninh). Riêng ngôi mộ số 4 đã có gần 500 vòng tập trung ở phần ngực và cổ tay. Phải chăng vòng xâu thành chuỗi đeo cổ và đeo tay? Cùng với vòng trang sức bằng xương, vỏ ốc, ở đây còn phát hiện được vòng tay hạt chuỗi bằng đá ngọc mài nhẵn xinh xắn và nồi gốm trang trí hoa văn khắc vạch rất đẹp. Đồ trang sức bằng đá ngọc và nồi gốm này rất giống với di vật trong văn hóa Phùng Nguyên, thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Qua những phát hiện đầu tiên trong khu mộ hang Khoài cho thấy mối quan hệ miền cao này với trung tâm Phong Châu (nhà nước Văn Lang mới lập), cũng như với miền biển đã vô cùng mật thiết. Với mộ địa hang Khoài, lần đầu tiên một khu mộ thời dựng nước được biết đến trên vùng núi nước ta, mối giao lưu qua lại giữa miền núi, trung du và miền biển đã góp phần tạo nên một khối dân tộc thống nhất ngay từ ngày dựng nước đầu tiên.

Lò Cao Nhum (TTV)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/171372/thay-gi-tr111ng-hang-nui-da-phung-quyen,-hang-khoai-o-huyen-mai-chau.htm