Thấy gì từ những biến động nhân sự cấp cao gần đây tại Eximbank?
Trong Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và bộ máy lãnh đạo cao cấp tại Eximbank có nhiều nhân sự từng giữ các vị trí chủ chốt tại Công ty tài chính cổ phần điện lực - EVNFinance (mã: EVF).
Nhiều nhân sự liên quan đến nhóm EVNFinance - Amber Holdings giữ vai trò chủ chốt tại Eximbank
Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hải - quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã: EIB) - đã được tái bổ nhiệm với thời hạn 3 năm, từ ngày 3/10. Theo tìm hiểu, Ông Hải là nhân sự thứ tư từ nhóm EVNFinance - Amber Holdings được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Eximbank.
Trước đó, vào ngày 3/10/2023, ông Nguyễn Hoàng Hải được bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc Eximbank sau thời gian làm ngắn làm Phó Tổng giám đốc Thường trực từ tháng 8/2023.
Đặc biệt, từ hồi tháng 5/2023, ông Hải đã từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc tại EVNFinance do lý do cá nhân, đồng thời từ bỏ các vai trò Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Người đại diện theo pháp luật tại công ty này.
Ông Hải sinh năm 1978, có hơn một thập kỷ kinh nghiệm làm việc tại EVNFinance và từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng như thành viên Hội đồng Đầu tư và Phó Tổng giám đốc tại ABBank Asset Management.
Một thành viên liên quan tiếp theo là ông Nguyễn Cảnh Anh, Thành viên HĐQT của Eximbank được bầu vào từ tháng 9/2023. Đến tháng 4 năm nay, ngân hàng này đã bổ nhiệm ông Cảnh Anh giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) thay cho bà Đỗ Hà Phương.
Từ tháng 8/2021 đến nay, ông Cảnh Anh còn giữ chức Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Amya Holdings - một thành viên của hệ sinh thái Amber Holdings. Trước đó, từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2023, ông là Giám đốc Khối nguồn vốn tại EVNFinance.
Cũng liên quan đến Amber Holdings, một cá nhân khác là ông Trần Anh Thắng được bầu làm Thành viên HĐQT độc lập từ tháng 2/2023, còn bà Doãn Hồ Lan được bầu làm Thành viên Ban Kiểm soát không chuyên trách tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Theo tìm hiểu, ông Trần Anh Thắng còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Amber Capital Holdings, trong khi bà Doãn Hồ Lan giữ cương vị Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Quản lý quỹ Amber. Đây đều là những "mắt xích" thuộc nhóm Amber Holdings.
Mối liên kết giữa EVNFinance và "hệ sinh thái" Amber
Về Amber Holdings, đây là cái tên nhận được sự chú ý trên thị trường khi sở hữu một hệ sinh thái khá lớn cả về chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.
Theo thông tin tự giới thiệu, Tập đoàn Amber (Amber Holdings) thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 200 triệu đồng. Ông Trần Anh Thắng là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT. Tập đoàn này phát triển trên ba trụ cột chính là tài chính - bất động sản - năng lượng. Amber Holdings xây dựng hệ sinh thái với hơn 8 đơn vị thành viên và tổng tài sản 15.000 tỷ đồng, với 3 công ty chủ lực là CTCP Chứng khoán Nhất Việt, CTCP Quản lý quỹ Amber (Amber Capital) và CTCP Đầu tư Amber Fintech.
Chuyển biến quan trọng nhất khi Amber Holdings bước chân vào EVNFinance kể từ khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam thoái vốn giai đoạn 2019 - 2020. EVNFinance có nhiều vị trí quan trọng trong dàn lãnh đạo là các nhân sự chủ chốt của Amber Holdings.
Theo nguồn tin của Dân trí, ông Phạm Trung Kiên - Chủ tịch HĐQT EVNFinance là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần QNK Bắc Giang tại Hà Nội. Thành lập từ năm 2014, QNK Bắc Giang là chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng sân Golf, dịch vụ Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Dự án có tên thương mại Amber Hills Golf & Resort, và được đánh giá là một trong những dự án lớn của Amber Holdings.
Ông Lê Mạnh Linh - Thành viên HĐQT EVNFinance đồng thời là Chủ tịch HĐQT Amber Capital, ông Nguyễn Văn Hải - Thành viên HĐQT EVNFinance đồng thời là Giám đốc pháp chế Amber Capital, ông Nguyễn Trung Thành - Thành viên HĐQT EVNFinance cũng đồng thời là Thành viên HĐQT Amya Holdings. Ngoài ra còn nhiều cá nhân khác của hệ sinh thái Amber nắm giữ vị trí quan trọng tại công ty tài chính này.
Mặc dù có nhiều nhân sự liên quan nhưng trong báo cáo mới đây, nhưng cả Amber EVNFinance đều không phải là những cổ đông lớn của Eximbank.
Theo đó, Eximbank vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, được cập nhật đến ngày 10/10/2024. Đáng chú ý, danh sách lần này có sự xuất hiện của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB), sở hữu hơn 78,79 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 4,51%. Như vậy, Vietcombank trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank, sau cổ đông lớn nhất là CTCP Tập đoàn Gelex với 10% vốn.
Nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 50%
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Eximbank cho thấy ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng đột biến, đạt gần 904 tỷ đồng, tương ứng 194,4%, tức gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Động lực tăng trưởng của ngân hàng đến từ các mảng kinh doanh chính như tín dụng, kinh doanh ngoại hối...
Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận ngân hàng đạt hơn 2.377 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm là 5.180 tỷ đồng nên sau 3 quý, Eximbank mới thực hiện được 45,9% kế hoạch lợi nhuận đặt ra.
Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của Eximbank vào cuối quý III ở mức 4.318 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cuối năm trước, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,65% lên 2,71%.
Trong đó, số dư nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 51% so với cùng kỳ năm trước từ 1.868 tỷ đồng lên 2.825 tỷ đồng.
Dự phòng rủi ro khách hàng cũng tăng lên đáng kể, từ mức 1.535 tỷ đồng đầu năm lên 1.724 tỷ đồng tại cuối tháng 9, tương đương mức tăng 12,3%. Ngoài ra, do chất lượng nợ vay đi xuống, Eximbank đã phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên 704 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các khoản lãi, phí phải thu tăng 32%, từ 805 tỷ đồng lên 1.064 tỷ đồng. Đây là khoản tiền chưa nhận về mà dự kiến thu trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm các sản phẩm cho vay, nhưng vẫn được các ngân hàng hạch toán để tạo nên lợi nhuận.