Thấy gì từ vụ giáo viên dạy lái xe đi xe hai biển số ở Bình Thuận?

Luật sư phân tích vụ giáo viên dạy lái xe đi ô tô có hai biển số sẽ bị phạt như thế nào?

Chiều 2-1, tin từ Đội CSGT Công an TP Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết, đang làm rõ vụ va quẹt giao thông giữa xe ô tô 86A-10029 do một người được cho là giáo viên dạy lái xe với một phụ nữ đi xe máy. Điều đáng nói là chiếc xe ô tô trên gắn biển số ở đầu xe là 36A - 10029 nhưng phía sau xe lại gắn biển số 86A- 10029. Vụ va chạm khiến hai mẹ con trên xe máy bị thương.

Chiếc xe có hai biển số gây tai nạn tại Bình Thuận. Ảnh: PLO

Chiếc xe có hai biển số gây tai nạn tại Bình Thuận. Ảnh: PLO

Thông tin này đã khiến nhiều người thắc mắc tại sao chiếc ô tô do người giáo viên dạy lái xe lại có hai biển số?

Trao đổi với PLO, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định hành vi sử dụng biển số xe giả có mức xử phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Đồng thời, biển số xe giả không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị tịch thu và có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Luật sư Tuấn phân tích, người điều khiển xe gắn biển số không đúng biển số đăng ký trong giấy đăng ký xe; còn bị áp dụng hình phạt bổ sung đó là bị tịch thu giấy đăng ký xe và biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Căn cứ Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), việc làm giả hoặc sử dụng biển số xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 (Tội làm giả con dấu; tài liệu của cơ quan; tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức). Cụ thể, theo quy định tại Điều 341: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan; tổ chức hoặc sử dụng con dấu; tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật; thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm

Bên cạnh đó, theo Khoản 3 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Thông tư 58/2020 của Bộ Công an (sửa đổ, bổ sung bởi Thông tư 15/2022) chỉ rõ, chỉ các cơ quan sau mới được cấp biển số xe: Cục Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công an cấp huyện.

“Trường hợp sử dụng biển số xe giả, cả người điều khiển phương tiện và chủ xe đều sẽ bị lực lượng CSGT xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019 “lỗi điều khiển xe gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp”- luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Quy định về xe tập lái

Theo quy định tại Nghị định 138/2018, xe tập lái dùng để đào tạo lái xe ô tô, được gắn 2 biển “TẬP LÁI” trước và sau xe theo mẫu quy định, có thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên, có hệ thống phanh phụ được lắp đặt bảo đảm hiệu quả phanh, được bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe, xe tập lái loại tải thùng có mui che mưa, che nắng, ghế ngồi cho học viên, có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực.

Bên cạnh đó, Nghị định 70/2022 (sửa đổi Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ), điều kiện về xe tập lái từ ngày 1-11-2022 như sau:

- Có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái;

Trường hợp cơ sở đào tạo có dịch vụ sát hạch lái xe, căn cứ thời gian sử dụng xe sát hạch vào mục đích sát hạch, được phép sử dụng xe sát hạch để đào tạo lái xe nhưng không quá 50% số xe sát hạch sử dụng để dạy lái;

- Ô tô tải sử dụng để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải có trọng tải từ 1.000 kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, so với hiện hành thì Nghị định 70/2020 cũng đã bỏ điều kiện về xe tập lái tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016: “Thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe. Có thể sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ 01 năm trở lên với số lượng không vượt quá 50% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo đối với xe tập lái các hạng B1, B2, C, D, E; xe tập lái hạng FC có thể sử dụng xe hợp đồng với thời hạn và số lượng phù hợp với nhu cầu đào tạo. Riêng xe hạng B1, B2 có số tự động được sử dụng xe hợp đồng”.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thay-gi-tu-vu-giao-vien-day-lai-xe-di-xe-hai-bien-so-o-binh-thuan-post714901.html