Thế giới Di động (MWG): Phấn đấu hòa vốn mảng bách hóa vào cuối năm nay, ngưng mở mới cửa hàng thuốc
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi từ quý IV/2023; trong đó, mảng điện thoại và điện máy có thể phục hồi trong nửa cuối năm, mảng bách hóa phấn đấu hòa vốn vào cuối năm nay và ngưng mở mới cửa hàng thuốc.
Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG - sàn: HoSE) gần đây đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu là 135.000 tỷ đồng (tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế là 4.200 tỷ đồng (tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái). Ngoài ra, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua mức cổ tức 5% bằng tiền mặt cho năm tài chính 2022 và kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ tùy thuộc vào dòng tiền của công ty và giá thị trường.
Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, do các chỉ số kinh tế vĩ mô kém hơn kỳ vọng trong quý 1/2023 và doanh thu của mảng điện thoại và điện máy ở mức thấp trong 2 tháng đầu năm 2023, Chứng khoán SSI điều chỉnh giảm 11% ước tính lợi nhuận ròng năm 2023 của Thế giới Di Động xuống 4.000 tỷ đồng (giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái) và kỳ vọng lợi nhuận của công ty sẽ phục hồi từ quý IV/2023.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 19/4, cổ phiếu MWG của Thế giới Di Động có giá tham chiếu tại 39.950 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên gần nhất của cổ phiếu MWG đạt 2,57 triệu đơn vị.
Kỳ vọng mảng điện thoại, điện máy phục hồi vào cuối năm nay
Chứng khoán SSI nhận định doanh thu mảng điện thoại di động và điện máy của Thế giới Di Động dự kiến sẽ bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2023 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều thách thức và việc thắt chặt tín dụng của các công ty tài chính tiêu dùng.
Thực tế, kết quả kinh doanh hai tháng đầu năm 2023 của chuỗi Thế giới Di Động và chuỗi Điện Máy Xanh kém hơn dự kiến, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, khiến công ty phải điều chỉnh kế hoạch doanh thu cả năm 2023 từ 4.200 – 4.700 tỷ đồng xuống còn 4.200 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Thế giới Di Động dự kiến mảng kinh doanh này sẽ phục hồi trở lại từ quý III/2023 hoặc quý IV/2023 cùng với sự phục hồi của kênh xuất khẩu, lãi suất hạ nhiệt và nhà nước đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Điểm sáng của mảng này là chuỗi cửa hàng Erablue của Thế giới Di Động tại Indonesia có kết quả khả quan và sẽ được mở rộng từ giữa quý 2/2023. Cụ thể, sau 3 tháng đi vào hoạt động, một cửa hàng Erablue với 400 m2 diện tích sàn tạo ra doanh thu bình quân tháng là 4 tỷ đồng, tương đương với một cửa hàng Điện Máy Xanh ở Việt Nam với cùng quy mô. Với mức doanh thu này, các cửa hàng Erablue (5 cửa hàng tính ở thời điểm hiện tại) có thể tự trang trải chi phí, nhưng công ty vẫn ghi nhận khoản lỗ cho chuỗi cửa hàng này, do chi phí ban đầu khá lớn.
Hiện tại, có 2 chuỗi cửa hàng điện tử tiêu dùng lớn nhất (Electricity và Hartono) ở Indonesia, với 100-200 cửa hàng đặt ở các trung tâm thương mại. Tuy nhiên, vị trí của các cửa hàng này có thể không thuận tiện cho việc mua sắm của người tiêu dùng, do người tiêu dùng sử dụng xe máy nhiều hơn ô tô, tương tự như ở Việt Nam.
Trong khi đó, các cửa hàng Erablue lại nằm độc lập trên trục đường chính, điều này có thể giúp tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng ghé mua sắm tại cửa hàng. Ban lãnh đạo Thế giới Di Động cho biết sẽ mở rộng mô hình này từ quý II/2023 tùy vào dòng tiền. Công ty kỳ vọng sẽ mở được 500 cửa hàng Erablue tại Indonesia trong vòng 5 năm.
Tiếp tục tối ưu danh mục sản phẩm mảng bách hóa
Tốc độ mở mới các cửa hàng thuộc mảng bách hóa trong năm 2023 của Thế giới Di Động được nhận định sẽ dè dặt hơn do chi phí vốn cao. Thế giới Di Động cho biết mô hình minimart phù hợp với bán lẻ hàng tiêu dùng tại Việt Nam, do thiếu mặt bằng lớn cho thuê ở khu vực thành phố và việc sử dụng xe máy phổ biến ở Việt Nam. Các nhà bán lẻ có thể phải trả phí thuê rất cao cho mặt bằng lớn, do đó gây thêm áp lực tài chính cho những doanh nghiệp tham gia vào thị trường muộn.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ mất nhiều thời gian hơn để di chuyển đến siêu thị/đại siêu thị và mua sắm ở 2 mô hình này, do đó các mô hình này có thể khó tiếp cận với nhóm dân số trẻ có phong cách sống bận rộn.
Do đó, Thế giới Di Động sẽ tập trung mở các cửa hàng có diện tích từ 150-200m2, là mô hình minimart. Gần đây, Thế giới Di Động đã thí điểm mô hình mới tại các khu chung cư. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả của mô hình này.
Thế giới Di Động hiện tập trung tối ưu hóa danh mục sản phẩm để tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng. Hiện tại, các mã sản phẩm lưu kho (SKU) phi thực phẩm không cần thiết được loại bỏ để tiết kiệm không gian cho hàng tươi sống tại các điểm bán.
Với nhận định người tiêu dùng trong nước có nhu cầu cao đối với thực phẩm tươi sống (chiếm 40% doanh thu bách hóa), Thế giới Di Động sẽ tăng số lượng từng SKU hàng tươi sống (cũng như đảm bảo độ tươi của sản phẩm) trong năm nay để thu hút thêm khách hàng đến các cửa hàng.
Thế giới Di Động hiện đặt mục tiêu hòa vốn cho mảng bách hóa vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Chứng khoán SSI nhận định đây là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và chuyển từ mua sắm từ các minimart sang chợ truyền thống trong giai đoạn suy thoái kinh tế. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ban lãnh đạo Thế giới Di động cho biết vẫn đang tìm nhà đầu tư chiến lược phù hợp để tăng vốn cho mảng bách hóa.
Thế giới Di Động đã triển khai ứng dụng tích điểm cho khách hàng thân thiết vào tháng 11/2022. Hiện tại có khoảng 6 triệu thành viên trên ứng dụng này, công ty kỳ vọng sẽ hiểu rõ hơn về hành vi của người tiêu dùng, qua đó đưa ra danh mục sản phẩm phù hợp hơn với mức giá cạnh tranh hơn.
Ngưng mở mới cửa hàng thuốc trong năm nay
Đối với mảng dược phẩm, Thế giới Di Động cho biết sẽ ngừng mở cửa hàng mới thuộc chuỗi cửa hàng thuốc An Khang trong năm 2023 và có thể cần thuê chuyên gia bên ngoài để tham gia tư vấn cho quá trình phát triển trong tương lai.
Doanh thu/tháng/cửa hàng thuộc chuỗi An Khang hiện tại là khoảng 350 triệu đồng. Chuỗi cửa hàng thuốc đang hoạt động khá khác biệt với chuỗi cửa hàng điện thoại & điện máy nên Thế giới Di Động khó tận dụng chuyên môn có sẵn để điều hành chuỗi cửa hàng thuốc.
Ngành dược phẩm ở Việt Nam đang khá phân mảnh với nhiều nhà sản xuất thuốc khác nhau, mỗi nhà sản xuất chỉ cung cấp cho từng khu vực cụ thể. Như vậy, danh mục sản phẩm của cửa hàng trong từng khu vực cũng khác nhau. Điều này gây ra khó khăn cho việc mở rộng chuỗi cửa hàng trên toàn quốc.
Với những khó khăn trong việc dự báo nhu cầu ở từng khu vực, chuỗi cửa hàng An Khang phải đối mặt với tình trạng khan hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng có nhu cầu mua thuốc ngay, nên họ sẽ chọn mua ở các cửa hàng còn thuốc thay vì phải đợi 2-3 ngày sau mới nhận được hàng. Chứng khoán SSI nhận định Thế giới Di Động cần nghiên cứu lại danh mục sản phẩm ở từng khu vực để đáp ứng nhu cầu, từ đó tăng doanh thu để đạt mức hòa vốn.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thế giới Di Động ông Nguyễn Đức Tài cho biết công ty sẽ cần thuê chuyên gia bên ngoài để tham gia tư vấn danh mục sản phẩm phù hợp và chiến lược phát triển dài hạn đối với mảng dược phẩm do Thế giới Di Động vẫn chưa tìm ra được hướng phát triển cho chuỗi này.