Thế giới ghi nhận hơn 32 triệu ca nhiễm, hơn 980.000 ca tử vong

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác dã chiến bên ngoài một bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

* LHQ kêu gọi hành động để đối phó với “đại dịch thông tin sai lệch”

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 24/9 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 32.081.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 981.192 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện là 23.657.000 ca.

Tính đến nay Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, với 7.137.472 ca nhiễm và 206.533 ca tử vong.

Đứng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Á về số ca mắc, với 5.730.184 ca, Ấn Độ tiếp tục là nước số ca nhiễm mới qua cao nhất thế giới trong vòng 24 giờ, với 89.688 ca. Số ca tử vong tại nước này hiện là 91.173.

Brazil đứng thứ ba thế giới và cũng là nước đứng đầu khu vực Nam Mỹ, với 4.627.780 ca mắc, tăng 32.445 ca trong vòng 24 giờ qua và 139.065 ca tử vong.

Tại Canada, dù tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không quá cao, với 147.756 ca, tăng 1.093 ca trong vòng 24 giờ qua, nhưng Thủ tướng nước này Justin Trudeau tuyên bố Canada đang trong làn sóng dịch bệnh thứ hai trên phạm vi cả nước.

Phát biểu ngày 23/9, Thủ tướng Trudeau nói: "Chúng ta đang đứng trên bờ vực của khủng hoảng và dịch bệnh COVID-19 có thể tồi tệ hơn nữa trong mùa Xuân".

Nga đứng thứ tư thế giới và đầu châu Âu về số ca mắc với 1.122.241 ca, trong đó 24.746 người đã tử vong. Riêng Pháp và Tây Ban Nha là hai nước có số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua tăng cao nhất, lần lượt là 13.072 và 11.289.

Tại Đức, ngày 23/9, Bộ Ngoại giao nước này thông báo Ngoại trưởng Heiko Maas đã phải tự cách ly sau khi một trong những nhân viên an ninh của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Về tình hình dịch bệnh ở Đức, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 17 người tử vong vì COVID-19. Ngày 23/9, nước Đức đã ghi nhận thêm trên 2.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 279.000 người kể từ đầu mùa dịch, trong đó 2.029 ca tử vong.

Trước thực trạng số ca nhiễm mới gia tăng mạnh ở nhiều nước châu Âu, Chính phủ Đức đã cập nhật danh sách các khu vực rủi ro cao với dịch bệnh khi bổ sung thêm các khu vực của 11 nước Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, cho đến nay Đức đã đưa các khu vực của hơn một nửa số quốc gia thành viên EU vào danh sách này.

Tại châu Phi, Nam Phi là nước có số ca mắc cao nhất với 665.188, tăng 1.906 ca và tổng cộng có 16.206 ca tử vong. Tuy nhiên, Maroc đang là nước có số ca mắc mới trong ngày cao nhất với 2.397, nâng tổng số ca mắc lên 107.743 ca.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo số phụ nữ mang thai nhiễm virus SARS-Cov-2 tại châu Mỹ đang gia tăng ở mức báo động với tổng số hơn 60.458 người.

Theo PAHO, kể từ những báo cáo đầu tiên về dịch COVID-19 tại lục địa này, đã có tới 458 phụ nữ trong thời kỳ mang thai tử vong do mắc COVID-19. Trong đó, Mexico là quốc gia có số thai phụ tử vong do dịch bệnh cao nhất tính tới ngày 14/9 với 140 trong số 5.574 trường hợp bệnh nhân mang thai và sau sinh, tiếp theo đó là Brazil với 135 người tử vong trong 2.256 phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19.

Trước thực trạng này, PAHO kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường nỗ lực để đảm bảo phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế trước sinh.

Tổ chức y tế khu vực nhấn mạnh, các kết quả công bố gần đây và các nghiên cứu dựa trên dữ liệu giám sát dịch COVID-19 cho thấy phụ nữ mang thai mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ tiến triển bệnh dạng nặng dẫn tới phải nhập viện hoặc phải ở trong khu vực chăm sóc đặc biệt.

Trong diễn biến khác, Liên Hợp Quốc và các tổ chức đối tác ngày 23/9 đã kêu gọi các nước trên toàn thế giới hãy hành động khẩn cấp đối phó với cái mà họ gọi là “đại dịch thông tin sai lệch” (infodemic) nổi lên cùng với đại dịch COVID-19 trên cả mạng trực tuyến cũng như ở ngoài đời sống thực.

Liên Hợp Quốc và các tổ chức đối tác nhấn mạnh rằng thông tin sai lệch có thể khiến người ta phải trả giá bằng mạng sống.

Thông cáo cũng chỉ ra rằng nếu không có thông tin đúng, đáng tin cậy thì các xét nghiệm chẩn đoán không phát huy được tác dụng, các chiến dịch truyền thông quảng bá vắcxin ngừa COVID-19 không đạt được hiệu quả và virus nguy hiểm sẽ tiếp tục hoành hành.

Thông cáo kêu gọi các nước thành viên Liên Hợp Quốc cần phát triển và thực hiện các kế hoạch hành động nhằm kiểm soát thông tin sai lệch và tuyên truyền những thông tin chính xác dựa trên cơ sở kiểm chứng và khoa học tới các cộng đồng, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Các nền tảng truyền thông và mạng xã hội cần phải hợp tác với cơ quan Liên Hợp Quốc và hợp tác với nhau để cùng truyền tải thông tin đúng tới người dân và ngăn chặn các loại thông tin sai lệch.

Thông cáo trên được Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức khác, trong đó có Hội Chữ thập Đỏ và Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) đưa ra tại sự kiện bên lề kỳ họp cấp cao Đại Hội đồng khóa 75.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh trong bài phát biểu trực tuyến của ông rằng đại dịch COVID-19 đồng thời cũng gây ra một cuộc khủng hoảng truyền thông bởi “ngay khi virus SARS-CoV-2 lây lan ra toàn cầu thì đồng thời những thông tin sai lệch đầy nguy hiểm cũng lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội khiến người dân cảm thấy rối trí không biết tin vào đâu”.

Ông khẳng định cần phải đấu tranh chống lại những thông tin y tế không đúng sự thật và những thuyết âm mưu vô lý được thêu dệt xung quanh đại dịch COVID-19.

L.H (tổng hợp từTTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/245935/the-gioi-ghi-nhan-hon-32-trieu-ca-nhiem-hon-980-000-ca-tu-vong.html