Thế giới trong tuần: Cuộc gặp ghi dấu ấn trong quan hệ Mỹ - Triều

Cuộc gặp bất ngờ Trump - Kim và tàu ngầm tối mật của Nga gặp nạn tại Bắc Cực là hai trong số những sự kiện nổi bật trong tuần.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại DMZ

Ngày 30/6, tại Khu phi quân sự (DMZ), sau khi từ phần lãnh thổ Hàn Quốc bước chân qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp đã có cuộc gặp kéo dài gần 1 giờ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hai bên nhất trí tái khởi động cuộc đàm phán hạt nhân vốn rơi vào bế tắc hồi đầu năm nay.

Các bên đã dùng những mỹ từ để miêu tả cuộc gặp được xem là biểu tượng cho sự hàn gắn quan hệ song phương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại lằn ranh giới chia đôi khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại lằn ranh giới chia đôi khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định đây là "ngày tuyệt vời đối với thế giới", đồng thời nhấn mạnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên về tình cảm quý mến lẫn nhau giữa hai bên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Nhà Trắng.

Về phần mình, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng ca ngợi mối quan hệ "tuyệt vời" với Tổng thống Trump, cho rằng chính mối quan hệ này giúp 2 nước vượt qua các rào cản. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định việc Tổng thống Donald Trump bước qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại Khu phi quân sự, sang lãnh thổ Triều Tiên, thể hiện quyết tâm của ông chủ Nhà Trắng trong việc đảo ngược những gì diễn ra trong quá khứ, mở ra tương lai mới. Ông Kim Jong-un tuyên bố "sẽ là một vinh dự lớn" nếu Tổng thống Mỹ thăm Bình Nhưỡng trong thời gian tới.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng qua cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại DMZ, là "kết quả của trí tưởng tượng tuyệt vời vượt lên trên khuôn phép thông thường", cho thấy trên thực tế hai bên đã chấm dứt quan hệ thù địch và bắt đầu kỷ nguyên hòa bình.

Tai nạn tàu ngầm thảm khốc tại Nga

Bộ Quốc phòng Nga cho biết vụ tai nạn xảy ra trên lãnh hải Nga và hỏa hoạn trên tàu lặn đã được dập hoàn toàn nhờ hành động hy sinh của các thành viên có mặt. Hiện tại, tàu lặn được đặt ở căn cứ hải quân Severomorsk.

Theo TASS, tàu lặn này khi gặp tai nạn đang thực hiện phương pháp đo độ sâu dưới đáy biển, thu thập thông tin về dòng chảy, kích thước. Kết quả của nghiên cứu này rất quan trọng để đảm bảo định vị dưới nước và trên mặt nước biển và chủ yếu dành cho mục đích nghiên cứu khoa học.

Hạm đội Biển Bắc của Nga.

Hạm đội Biển Bắc của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tàu lặn bị cháy ngày 1/7 là tàu năng lượng hạt nhân. Phát biểu của Tổng thống Putin được đưa ra trong trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Kênh CNN cho biết Bộ trưởng Shoigu đánh giá vụ tai nạn bắt nguồn từ hỏa hoạn tại khoang ắc quy. Bộ trưởng Shoigu cũng khẳng định với Tổng thống Putin rằng lò phản ứng hạt nhân trên tàu đã được cách ly, đội ngũ thủy thủ đã thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ thiết bị này.

Ngày 3/7, ông Shoigu cho biết 14 thành viên trên tàu đã hy sinh, trong đó có 7 sĩ quan cấp đại tá và 2 Anh hùng Nga.

Bộ trưởng Shoigu cho biết thủy thủ trên tàu lặn đã sơ tán các đại diện dân sự khỏi khu vực hỏa hoạn sau đó khóa cửa để ngăn ngọn lửa lan ra đồng thời họ đã chiến đấu đến cùng để bảo vệ tàu lặn.

Đây là một trong những sự cố gây nhiều thương vong nhất trong Hải quân Nga những năm gần đây. TASS cho biết, 20 người đã thiệt mạng trên một tàu ngầm hạt nhân Nga trong năm 2008. Trước đó, vào năm 2000, ít nhất 100 thủy thủ đã hy sinh trên tàu ngầm năng lượng hạt nhân Kursk tại Biển Barents.

Anh bắt tàu chở dầu Iran

Ngày 5/7, Iran đã yêu cầu Anh ngay lập tức thả tàu chở dầu của nước này bị bắt giữ ở vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh, cho rằng London đã hành động theo yêu cầu của Mỹ.

Iran đã yêu cầu Anh ngay lập tức thả tàu chở dầu của nước này bị bắt giữ ở vùng lãnh thổ Gibraltar.

Iran đã yêu cầu Anh ngay lập tức thả tàu chở dầu của nước này bị bắt giữ ở vùng lãnh thổ Gibraltar.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran cho biết nước này đã triệu Đại sứ Anh tại Tehran nhằm phản đối việc tàu chở dầu Grace 1 của Iran bị phía Anh bắt giữ tại vùng lãnh thổ Gibraltar.

Một quan chức cấp cao của bộ này cho rằng hành động của Anh là "không thể chấp nhật được." Quan chức này cũng yêu cầu Anh thả ngay lập tức tài chở dầu trên và cho rằng việc bắt giữ là trái phép và được thực hiện theo yêu cầu của Mỹ.

Trước đó một ngày, cảnh sát và lực lượng bảo vệ bờ biển Gibraltar với sự hỗ trợ của Lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh đã bắt giữ tàu Grace 1 vào sáng sớm 4/7 do nghi ngờ tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) khi chở dầu đến Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn dự luật đình chỉ INF

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn dự luật đình chỉ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Thông tin này được đăng trên trang web chính thức của Chính phủ Nga ngày 3/7.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước đó, dự luật đình chỉ thực thi INF của Nga được Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga phê chuẩn ngày 18/6 và sau đó tiếp tục được đưa lên Hội đồng liên bang (Thượng viện) để thông qua. Tổng thống Putin đã gửi dự luật cho Hạ viện từ cuối tháng Năm.

INF được Mỹ - Nga ký năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500km. Mỹ rút khỏi hiệp ước với cáo buộc tên lửa mới của Nga Novator 9M729 vi phạm INF vì có tầm bay hơn 5.000km. Washington tuyên bố rút khỏi INF trong 6 tháng trừ khi Moskva phá hủy tên lửa vi phạm cùng bệ phóng và thiết bị.

Trong khi đó, Nga đã công khai mẫu tên lửa trên, cho biết tầm bắn của tên lửa là 480km và khẳng định không vi phạm hiệp ước. Moskva từ chối yêu cầu của Mỹ là phá hủy tên lửa. Các quan chức Nga cáo buộc Mỹ cố kiếm cớ để rút khỏi hiệp ước nhằm phát triển tên lửa mới.

Mỹ thông báo nối lại đàm phán thương mại với Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/7 cho biết, các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang bắt đầu được nối lại, trong bối cảnh Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh, để có thể đi tới một thỏa thuận điều quan trọng là Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các mức thuế quan hiện nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán thương mại và đình chỉ thuế quan mới, song không đưa ra khung thời gian cho các cuộc đàm phán tiếp theo hoặc thời hạn để đạt được thỏa thuận.

Từ trái sang: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer. Ảnh: BBC

Từ trái sang: Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer. Ảnh: BBC

Theo Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đang có các cuộc thảo luận qua điện thoại với Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc, phó Thủ tướng Lưu Hạc. Một cuộc họp trực tiếp cũng đã được lên kế hoạch và sẽ diễn ra trong tương lai gần.

Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã sụp đổ hồi tháng 5 vừa qua sau khi các quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc phá vỡ các cam kết đạt được trước đó và trong bối cảnh Trung Quốc hối thúc Mỹ dỡ bỏ tất cả các mức thuế trừng phạt được đưa ra kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu gần 1 năm trước.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/the-gioi-trong-tuan-cuoc-gap-ghi-dau-an-trong-quan-he-my-trieu-347269.html