Thế giới tuần qua: EU tăng viện trợ cho Ukraine, tiếp tục trừng phạt Nga; Fed đưa ra đỉnh lãi suất

Nổi bật nhất tuần qua là hai sự kiện EU nhất trí gói viện trợ hơn 19 tỷ USD cho Ukraine trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế nước này bị chiến tranh tàn phá và FED tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp để chống lạm phát.

Một tòa nhà bị phá hủy trong xung đột ở thành phố cảng Mariupol, miền Đông Nam Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Một tòa nhà bị phá hủy trong xung đột ở thành phố cảng Mariupol, miền Đông Nam Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

EU nhất trí viện trợ 19 tỷ USD cho Ukraine

Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/12 đã đạt được thỏa thuận cung cấp 19 tỷ USD cho Ukraine năm 2023, sau khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban rút lại lời đe dọa ngăn chặn gói viện trợ này.
Theo tờ Wall Street Journal, thỏa thuận mới nhất của EU này sẽ cung cấp khoản viện trợ trị giá 19,2 tỷ USD cho Kiev, trong bối cảnh chính phủ nước này đang phải vật lộn để duy trì các dịch vụ cơ bản do ảnh hưởng từ cuộc xung đột với Nga.

Nhiều tháng qua, EU đã phải đối mặt với sức ép từ Kiev và Washington để tăng cường tài trợ cho Ukraine. Mỹ đã viện trợ gần 32 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 24/2/2022. Năm nay, EU đã giải ngân thiếu 3 tỷ euro trong số tiền 10,2 tỷ euro dưới dạng các khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại mà họ cam kết gửi cho Kiev. Liên minh này cũng đã cung cấp ít vũ khí sát thương cho các lực lượng ở Ukraine hơn so với cam kết từ trước.

Những bất đồng trong nội bộ đã cản trở EU đến thỏa thuận về khoản vay cho năm tới, đe dọa danh tiếng của khối 27 nước thành viên này như một nhà hỗ trợ đáng tin cậy. Theo thỏa thuận có hiệu lực từ cuối ngày 15/12, EU sẽ cấp cho Ukraine các khoản tín dụng mà cơ quan điều hành là Ủy ban châu Âu (EC) huy động trên thị trường nợ, sử dụng các quỹ khác của EU làm tài sản thế chấp.

Bên cạnh việc củng cố nguồn lực tài chính cho Ukraine, thỏa thuận này còn giúp EU tạo ra bước đột phá mới trong việc tập trung hóa các vấn đề tài chính thông qua EC, thay vì xử lý thông qua các quốc gia thành viên riêng lẻ. Trường hợp này từng xảy ra với một số khoản vay trong nội bộ khối trước đây, song nguồn vốn chung của EU chưa từng được sử dụng để hỗ trợ một nước không phải là thành viên của khối.

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí về gói trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm lệnh cấm đầu tư khai thác ở Nga, cấm xuất khẩu động cơ máy bay không người lái sang Nga và đưa vào danh sách đen khoảng 180 cá nhân và tổ chức mới của Nga.

Công nhân sửa chữa đường dây điện tại Vuhlehirsk, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Công nhân sửa chữa đường dây điện tại Vuhlehirsk, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến ngày 14/12, cuộc giao tranh giữa Moskva và Kiev đã diễn ra gần 10 tháng mà chưa có dấu hiệu chấm dứt. Kể từ tháng 10 vừa qua, quân đội Nga đã tăng cường sử dụng tên lửa và máy bay không người lái tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng trọng yếu của Ukraine. Những vụ không kích dữ dội của Nga gần đây đã gây tình trạng mất điện diện rộng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và làm gián đoạt đến hoạt động của nền kinh tế của quốc gia láng giềng.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết nước này cần hỗ trợ khẩn cấp tổng số tiền 1 tỷ USD để đưa lưới điện và hệ thống sưởi ấm trung tâm hoạt động bình thường trở lại. Hiện hàng triệu người ở Ukraine không có điện, nước sạch và không được sưởi ấm khi nhiệt độ giảm mạnh.

Ngày 16/12, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cho biết các cơ sở năng lượng ở phía Đông và Nam Ukraine đã bị hư hỏng sau các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga. Ông viết trên Telegram: “Một làn sóng pháo kích quy mô lớn khác của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Cuộc pháo kích đang tiếp tục”. Ông nói thêm rằng sẽ có sự cố mất điện khẩn cấp ở một số vùng của Ukraine. Các khu vực khác bị ảnh hưởng gồm Đông Bắc Kharkiv và trung tâm Kirovohrad. Các chuyến tàu ở khu vực phía đông Donetsk và trung tâm Dnipropetrovsk cũng bị ảnh hưởng. Giới chức Ukraine cho biết các đoàn tàu sẽ tiếp tục chạy bằng đầu máy chạy dầu diesel dự phòng.

Nhằm cản bước tấn công của Nga, các nước thuộc khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ Ukraine bằng cách lên kế hoạch gửi hàng loạt vũ khí phòng không tối tân cho Kiev. Nổi bật trong số vũ khí phòng không hiện đại mà Ukraine sắp sửa tiếp nhận từ phương Tây phải kể đến hệ thống tên lửa tầm trung Hawk, hệ thống tên lửa đất đối không Patriot và thiết bị điện tử tiên tiến JDAM có thể chuyển đổi rocket thành bom thông minh. Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố quân đội Nga chắc chắn sẽ nhắm mục tiêu vào các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ, nếu loại vũ khí này được triển khai tại Ukraine.

Theo BBC, xét về tổng chi tiêu cho hỗ trợ quân sự trực tiếp kể từ khi cuộc xung đột nổ ra hồi cuối tháng 2, Mỹ đã cam kết gửi số vũ khí trị giá 18,5 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào khác. Đức, Anh và Ba Lan lần lượt xếp sau. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết chi phí quốc phòng hàng tháng của quốc gia này là khoảng 5 tỷ USD và liên tục kêu gọi phương Tây tài trợ nhiều hơn.

FED và ECB đồng loạt tăng lãi suất

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ngày 15/12, hai ngân hàng trung ương lớn nhất của Mỹ và châu Âu đã đưa ra động thái điều chỉnh biên độ lãi suất. Theo đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong 15 năm, cho thấy cuộc chiến chống lạm phát tại nước này vẫn chưa kết thúc mặc dù gần đây đã xuất hiện một số dấu hiệu lạc quan trên thị trường. Kênh CNBC đưa tin đúng như kỳ vọng của các nhà quan sát, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) đã bỏ phiếu nhất trí tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, đưa lãi suất lên mức từ 4,25% đến 4,5%. Mức tăng này đã kết thúc chuỗi bốn lần tăng lãi suất liên tiếp với mức 0,75% trong năm nay của Fed.

Động thái điều chỉnh lần này còn là dấu hiệu cho thấy các quan chức sẽ duy trì lãi suất cao hơn trong năm tới và không giảm cho đến năm 2024 hoặc cho đến khi nào đạt được mục tiêu giảm lạm phát. Mức đỉnh lãi suất cuối cùng được dự kiến là 5,1%, theo FOMC. Tại thời điểm đó, các quan chức có thể sẽ tạm dừng để cho phép tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ đi qua nền kinh tế.

Các nhà đầu tư bước đầu đã phản ứng tiêu cực với thông tin cho rằng lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài sắp tới. Trả lời họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ưu tiên của cơ quan quản lý tài chính này là phải duy trì cuộc chiến chống lạm phát và hạ nhiệt giá cả trong nước.

“Dữ liệu lạm phát tháng 10 và tháng 11 cho thấy tốc độ tăng giá hàng tháng đã giảm đáng hoan nghênh. Nhưng sẽ cần nhiều bằng chứng hơn để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững”, ông Powell cho biết. Lần tăng 0,5% này đã đưa tỷ lệ lãi suất ở Mỹ lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2007, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp, song mức tăng lần này thấp hơn hai lần trước. ECB cho biết tăng lãi suất cơ bản trong khu vực đồng euro được tăng 0,5 điểm phần trăm lên 2,5%. Tuy nhiên, mức tăng này đánh dấu sự giảm đà đáng kể so với 0,75 điểm phần trăm trong hai lần tăng trước. Sự giảm đà tăng lãi suất là do lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh và nguy cơ suy thoái đang xuất hiện.

Sau 6 năm áp dụng chính sách lãi suất bằng 0, ECB đã khởi xướng cuộc thay đổi về chính sách lãi suất. Do hậu quả liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng tăng cao và lạm phát hai con số, ECB lần đầu tiên tăng lãi suất cơ bản lên 0,5% vào ngày 27/7. Trong các bước tăng lãi suất tiếp theo, lãi suất được điều chỉnh tăng lên 1,25% vào ngày 14/9 và lên 2% vào ngày 2/11. Mức tăng mới nhất được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở châu Âu vẫn ở mức cao, tới 10% trong tháng 11 vừa qua, trong khi ở Mỹ, tỷ lệ này đã giảm xuống 7,1%. Thông báo của ECB nêu rõ: "Hội đồng điều hành cho rằng lãi suất vẫn phải tăng với tốc độ bền vững tới mức đủ để đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu trong trung hạn là 2% đúng lúc".

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi-tuan-qua-eu-tang-vien-tro-cho-ukraine-tiep-tuc-trung-phat-nga-fed-dua-ra-dinh-lai-suat-20221217191427544.htm