Thể hiện bản lĩnh qua rượu bia: Tiêu cực và lệch chuẩn

Có thể dễ dàng nhận thấy, xung quanh các khu trường học, đại học, các quán nhậu, quán bia hơi được mở ra một cách ồ ạt, không có kiểm soát. Nhiều con phố biến thành 'phố nhậu' gắn với tên trường học ở khu vực đó và khách đến nhậu đa số là sinh viên. Điều đáng buồn là không phải ai cũng thích uống mà chỉ là cách thể hiện bản thân qua cuộc nhậu.

Việc chứng tỏ tửu lượng của mình sẽ làm cho mình “có giá” hơn trong mắt các bạn bè đồng trang lứa. Từ đó, họ lấy việc “chứng tỏ bản thân” để ép bia, ép rượu chính mình và những người bạn nhậu. Nhiều người trẻ còn cho rằng, nếu không uống thì không có bản lĩnh, “nam vô tửu như cờ vô phong”.

Trần Ngọc Hà, nam sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học tại Hà Nội cho biết, bản thân từ bé đến lúc học đại học không dám uống rượu vì chỉ nhấp một chén là say. Lúc vào học được các anh khóa trên rủ ra quán nhậu cũng chỉ ngồi ăn chứ không uống. Sau đó Hà bị ép uống rượu, không uống còn bị nghe kích bác không phải đàn ông. Dù uống vào là say nhưng để thể hiện bản lĩnh, Hà cố gắng uống.

Ảnh minh họa: Đ.L

Ảnh minh họa: Đ.L

Tuy nhiên, một số thanh niên khác lại có cách suy nghĩ ngược lại. Bạn Ngô Hoàng Hải, sinh viên Đại học Mở Hà Nội cho biết bản thân là người Lào Cai, uống rượu rất tốt nhưng không bao giờ tham gia vào những cuộc nhậu vô bổ. Nếu bị ép rượu Hải nhất định sẽ từ chối nếu cảm thấy mình đã uống đủ. “Khái niệm về bản lĩnh của một bộ phận thanh niên gắn với rượu bia thật đáng lo ngại! Riêng mình, người từ chối được rượu bia mới là bản lĩnh”, Hải khẳng định.

Một số thanh thiếu niên khác thì lại cho rằng không biết uống rượu bia sẽ ảnh hưởng không tốt đến các mối quan hệ xã giao sau này, bởi nhiều minh chứng cho thấy các mối quan hệ làm ăn đã xuất phát từ mâm rượu. Quan điểm này mang nặng tính chất tiêu cực và lệch chuẩn.

Trên thực tế, văn hóa nhậu của nước ta là một hủ tục thu hút không ít sự chú ý từ truyền thông quốc tế. Với thứ văn hóa dị dạng mang tên “ép rượu”, giới trẻ đang góp phần làm cho Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiêu thụ rượu bia lớn nhất thế giới.

Thạc sỹ Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp năm lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống, đó là khả năng nghiện rượu cao gấp bốn lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất cao gấp sáu lần sau khi uống; khả năng gây tai nạn xe cộ cao gấp hơn sáu lần do uống rượu bia; khả năng bị chấn thương gấp gần năm lần sau uống.

Đối với giới trẻ, não bộ con người chỉ hoàn toàn phát triển ở tuổi 25, vì vậy việc sử dụng rượu bia ở trước lứa tuổi này gây tổn hại nghiêm trọng tới quá trình hình thành và sự phát triển của não.

Việc sử dụng rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân giới trẻ, mà mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của những người xung quanh, gia đình và cộng đồng. Khi uống rượu bia, do không làm chủ được hành vi bản thân có thể dẫn đến tình trạng đánh đập người trong và ngoài gia đình, gây tổn thương cho những người xung quanh, gây rối trật tự trị an trong xã hội. Người uống rượu bia nguy hại lâu dài sẽ giảm sút sức khỏe nên họ có thể không muốn hoặc không thể làm việc, không có thu nhập và là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn gia đình cũng như nạn trộm cắp, cướp giật… và kéo theo sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức và chất lượng giống nòi.

Hải Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/the-hien-ban-linh-qua-ruou-bia-tieu-cuc-va-lech-chuan-94803.html