Thế nào là tốt hơn?
Chúng ta nên ngưỡng mộ ai hơn: một đầu bếp nổi tiếng toàn cầu được trao sao Michelin với đội ngũ giúp việc hùng hậu và phong cách hào hoa, hơn là một nghệ nhân đứng bếp tài ba vô song, nhưng khắc kỷ, thầm lặng và cô đơn?
Nhà hàng 10 chỗ ngồi
Cuối năm ngoái, một trong những nhà hàng khó đặt bàn nhất trên thế giới là Sukiyabashi Jiro tại Tokyo (Nhật Bản) bị tước một lúc cả ba sao Michelin. Không phải vì sushi ở đây, được chế biến bởi một nghệ nhân gần trăm tuổi đã dành ba phần tư cuộc đời cho món ăn này, không còn ngon, mà vì nhà hàng không còn nhận đặt bàn từ công chúng nữa. Ai muốn đến ăn tại đây giờ phải được giới thiệu từ khách quen lâu năm, hoặc các quản lý khách sạn uy tín.
Trên trang web của mình, nhà hàng giải thích rằng họ sẽ luôn duy trì việc chỉ phục vụ tối đa 10 người một lúc, trong khi có quá nhiều người đặt chỗ, kể từ khi bộ phim “Giấc mơ Sushi” của Jiro, nói về cuộc đời ông chủ nhà hàng, được phát sóng và gây tiếng vang toàn cầu vào năm 2011. Vì sự quá tải này, họ buộc phải áp dụng cơ chế đặt bàn qua giới thiệu.
Quán ăn chỉ có 10 chỗ ngồi này đã trở thành một huyền thoại ẩm thực 10 năm qua. Chủ của nó là ông Jiro Ono, người đã bắt đầu làm sushi cách đây… 80 năm. Cho đến giờ, ở tuổi 95, ông vẫn đi làm bằng tàu điện hàng ngày, được xem như một bảo vật quốc gia, là tiêu biểu cho khái niệm shokunin, những người đã phát triển đến trình độ nghệ nhân nhờ theo đuổi sự hoàn hảo trong lĩnh vực của mình.
Cho đến giờ, ông Ono vừa là một nghệ nhân đầu bếp khắc kỷ, vừa là một người nổi tiếng. Nhưng cho đến trước thời điểm bộ phim về ông lên sóng, đầu bếp sushi kỳ cựu này đã trải qua 60-70 năm làm việc thuần túy thầm lặng với một mục tiêu duy nhất: làm ra những miếng sushi ngon hơn mỗi ngày. Nổi tiếng chỉ là kết quả của sự chăm chú này.
Nhưng dường như danh tiếng vẫn là một thước đo đầy ma lực. Năm 2003, Joyce Meng, khi ấy là một cô bé 16 tuổi đến từ Virginia, thi đấu trận chung kết một cuộc thi có tên “Tranh luận triết học trẻ em”. Cô bé lập luận: "Nổi tiếng là yếu tố cần thiết cho sự hoàn thiện bản thân, là con đường dẫn đến ý nghĩa của cuộc sống".
Với tư duy kiểu không ai nhớ kẻ về nhì như thế, có lẽ ai cũng hiểu cảm giác của Meng sau đó: cô bé kết thúc cuộc thi chỉ với vị trí á quân. Có lẽ bất kỳ ai được cho là có suy nghĩ cũng sẽ phủ nhận quan điểm của Meng, nhưng trong thực tế, có lẽ đa số chúng ta lại đồng tình với cô bé. Những lời khuyên về cuộc sống, khởi nghiệp… luôn được lắng nghe kỹ hơn, nếu người phát ngôn ra chúng nổi tiếng và thành đạt. Và thành thực mà nói, tất cả chúng ta đều có khao khát được công nhận, tin rằng điều đó chứng thực thành công cho những nỗ lực của chúng ta.
Nhưng các triết gia vĩ đại sẽ không than thở về điều này. Những người theo chủ nghĩa khắc kỷ hoàn toàn bác bỏ việc theo đuổi danh vọng, thứ họ cho rằng liên quan đến mong muốn làm hài lòng người khác quá mức. Ví dụ, triết gia cổ đại Epictetus có đặt ra câu hỏi rằng tại sao chúng ta lại cảm thấy khó chịu khi "không được mời đến dự sự kiện của ai đó", với tư cách diễn giả trung tâm hoặc khách mời của một buổi trò chuyện.
"Mọi thứ đều có cái giá của nó" - Epictetus lập luận. Cái giá của những lời mời kể trên là bạn buộc phải dành nhiều lời khen ngợi và chú ý cho những ai đã giúp bạn nhận được lời mời ấy. Đúng là một số cá nhân đạt được danh tiếng mà không cần phải truy cầu nó quá mức, nhưng đa số thì vẫn thường phải nỗ lực kết thân với những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực của họ, hòng cầu đến sự ca ngợi. "Những kẻ này là ai mà ngươi lại muốn nhận sự ngưỡng mộ từ họ?" - Epictetus hỏi. "Chẳng phải họ chính là những người mà ta có thói quen mô tả là điên rồ hay sao?".
Hoàng đế - triết gia Marcus Aurelius thừa nhận chút lợi ích của công danh: "Lời khen có ích gì, ngoại trừ việc làm cho cuộc sống của ngươi thoải mái hơn một chút". Nhưng rõ ràng ông không coi đây là lợi ích đáng kể, vì những mất mát đồng thời. Quan điểm của Aristotle ôn hòa hơn: ông tin rằng thật tốt khi có thể đón nhận mức độ công nhận thích hợp với việc làm đã dẫn đến sự thừa nhận đó.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng danh vọng không thể là mục tiêu tối thượng vì điều đó "mang tính phụ thuộc vào những người trao tặng hơn là những người nhận được nó". Tức là trọng tâm của cuộc đời chúng ta nên là trau dồi đức hạnh và sự ưu tú, không phải danh tiếng đi kèm theo nó.
Thông điệp ở đây là rất rõ ràng: bạn nên làm hết khả năng của mình, và việc bạn có được công nhận hay không chỉ là thứ yếu. Đây là Đạo của những shokunin Nhật Bản như Jiro Ono: những bậc thầy này hoàn toàn tận tâm trong việc hoàn thiện tay nghề của họ, cho dù đó là nấu ăn hay thư pháp, làm mộc hay dệt. Trước khi chế biến một con bạch tuộc, Ono sẽ mát-xa cho nó 40 phút, để thịt mềm và ngon nhất có thể. Phần cơm trong sushi được phục vụ ở nhiệt độ cơ thể người, mà theo ông là thời điểm nó đạt độ ngon cực đại, và phải được thực khách dùng ngay. Ông nhìn và xem xét cẩn thận khuôn miệng lẫn đôi bàn tay của từng khách, để nặn ra miếng nigiri phù hợp nhất.
Danh vọng với những người như Ono đơn giản chỉ đến từ công việc, không phải từ sự chú ý mà người khác dành cho ông vì ông đã làm việc đó. Nhưng thường thì điều này cũng thực sự dẫn đến danh tiếng, như trường hợp của Ono và rất nhiều shokunin khác: Tokyo đang là nơi có nhiều nhà hàng được trao sao Michelin hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới. Nhưng sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng việc tập trung vào tay nghề chỉ là phương tiện gián tiếp để theo đuổi mục tiêu nổi tiếng. Trái lại, hoàn thiện tài nghệ là tất cả những gì quan trọng nhất đối với một nghệ nhân. Rồi sự công nhận sẽ đến.
Nhưng sự thầm lặng trong hàng chục năm của Jiro Ono có phải cũng đồng nghĩa với sự thiếu tham vọng hay không? Thực sự thì ngược lại. Chính tham vọng không khoan nhượng của ông trong việc trở thành một đầu bếp giỏi nhất đã ngăn cản ông mở rộng nhà hàng chỉ có 10 chỗ ngồi của mình. Dưới một thước đo sâu xa hơn, những người làm việc gói gọn sự chăm chú của mình trong một gian bếp nhỏ bé như ông là những đầu bếp tham vọng nhất: mối quan tâm duy nhất của họ là nấu ngon hơn mỗi ngày.
Nghe có vẻ đơn giản: tham vọng duy nhất đáng nắm giữ là làm bất cứ điều gì bạn muốn làm tốt nhất có thể, tức là quan niệm rằng thành công thực sự chính là niềm tin nội tâm vào việc hoàn thành mục tiêu này. Tuy nhiên, sự khắc khổ và thuần khiết của tầm nhìn cao quý này lại làm nảy sinh một vấn đề: dường như chúng ta không thể tự đánh giá thành công của chính mình nếu không có thước đo từ bên ngoài.
Thắc mắc này thật sự hợp lý. Có một ranh giới rõ ràng giữa những nghệ nhân xuất chúng nhưng khép kín, khiêm tốn và đáng ngưỡng mộ, những người không tìm kiếm sự đồng tình từ số đông, với những kẻ tự huyễn đáng thương rằng họ đã trở thành người xuất chúng mà không cần bất cứ bằng chứng nào cho thấy họ đã giành được điều đó.
Thành công không cần sự công nhận, nhưng tốt hơn hết là vẫn nên có người nghe nhạc của bạn, đọc tác phẩm bạn viết, nếm thức ăn bạn nấu, hơn là không. Hơn thế, dù các nghệ nhân không chú trọng vào ý kiến của người khác, nhưng không phải là thái độ không coi ai ra gì. Sự công nhận rốt cục cũng là một loại thành công, dù không phải thước đo tối thượng.
Chỉ là hãy cảnh giác với sự công nhận được mở rộng quá khủng khiếp, vì nó cũng có thể trở nên rất nông cạn. Quán sushi của Jiro Ono đã bị tước sao Michelin vì lý do này: nó từ chối phục vụ công chúng không được giới thiệu thông qua những khách quen hoặc quản lý đáng tin cậy. Một động thái có vẻ kiêu ngạo, nhưng mang thông điệp rất chín chắn: điều quan trọng nhất là sự đánh giá sâu sắc hơn đến từ những người biết và hiểu công việc của bạn hơn. Đối với người đầu bếp, sự hài lòng lớn nhất phải đến từ sự thích thú của thực khách tại bàn ăn, không phải sự tán thưởng từ những người vãng lai thoáng qua hay những khán giả truyền hình thậm chí còn chưa đụng đũa vào thức ăn.
Khi sự thừa nhận đạt đến ngưỡng để tạo thành danh tiếng, nó thường trở nên quá mong manh vì rốt cục, chỉ còn nó duy trì chính mình. Ono đã nổi tiếng vì thành tựu thực sự là tay nghề được mài giũa kỹ càng hàng chục năm, nhưng khi cả thế giới biết đến tiệm sushi của ông, thì nghệ nhân này, cũng như mọi người nổi tiếng "chân chính" khác, đều phải chịu đựng cảm giác nổi tiếng chủ yếu vì họ đã… nổi tiếng. Kể cả những người chưa từng ăn sushi của ông cũng có thể viết những bài viết cảm thán dài dằng dặc để nói về độ ngon trong những miếng sushi ông làm.
Thước đo giá trị thực sự
Các cuộc khảo sát khoa học tại Mỹ cho thấy trẻ em khao khát được nổi tiếng hơn bất kỳ điều gì khác, một thực tế đáng để lo lắng. Nhưng chúng ta có lẽ nên có thêm niềm tin rằng, khi trưởng thành, chúng sẽ sớm có khả năng nhận ra sự trống trải của danh vọng nông cạn. Cô bé Joyce Meng ở đầu bài viết này là một ví dụ: bây giờ ở tuổi 30, cô làm việc trong lĩnh vực thương mại và phát triển toàn cầu, là nhà sáng lập Givology, một doanh nghiệp xã hội do 100% tình nguyện viên điều hành, kết nối các nhà tài trợ với những dự án giáo dục và học bổng cho sinh viên trên khắp thế giới.
Liệu có phải vì không đủ khả năng để nổi tiếng, Meng đã chấp nhận một cuộc đời thầm lặng hơn? Tôi không biết, nhưng ít ra thì cuộc sống của cô đã dựa trên một hệ giá trị khác, tách biệt giữa danh tiếng và sự công nhận, điều mà chúng ta hay nhầm lẫn với nhau.
Theo đuổi sự xuất sắc, độc đáo và tầm nhìn trong sáng của chính mình mang nhiều tham vọng sâu sắc hơn là doanh số, tiền bạc hay sự nổi tiếng. Trong đa số trường hợp, sự nổi tiếng trở thành thước đo thành công rất nông cạn, vì nó bỏ qua chất lượng cuộc đời và tài năng của chúng ta để đi thẳng vào sự ồn ào mà chúng tạo ra. Thành công của một người, trước hết là sự theo đuổi của chính chúng ta với ý niệm về sự tốt hơn của bản thân, và danh tiếng là thứ ngọt ngào đi kèm, không phải thước đo giá trị.
Ví dụ rõ ràng nhất có thể là thế này: nếu bạn tự dưng từ tay trắng sở hữu một chiếc Ferrari chỉ sau một đêm, tôi không dám chắc là bạn đã tốt hơn (thậm chí nhiều khả năng bạn đã tệ đi). Nhưng nếu bạn tập được xong một bản nhạc khó chơi, thì cả tôi và bạn đều phải thừa nhận rằng bạn đã tốt lên.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/the-nao-la-tot-hon-614212/