Thể nghiệm - miền 'đất lành' cho nghệ thuật sân khấu

Nỗ lực đưa vào tính thể nghiệm, không ít tác phẩm sân khấu ở nước ta đã tạo được sức hút với khán giả. Khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng ngày càng cao và khó tính, một số vở diễn thoát khỏi cách làm truyền thống được cho là 'mảnh đất lành', hướng đi đầy hứa hẹn để nghệ thuật sân khấu không bị chìm khuất giữa thời đại giải trí bùng nổ.

Mặc dù mới chỉ là buổi diễn tổng duyệt để tham dự Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V – Hà Nội 2019 vào tháng 10, tuy nhiên vở diễn Ngàn năm mây trắng (tác giả PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn NSND Thanh Ngoan và NSƯT Triệu Trung Kiên) tại rạp Kim Mã (Hà Nội) vừa qua không còn một ghế trống. Đây được xem là một điều bất ngờ, bởi Ngàn năm mây trắng là vở diễn mới, chưa được quảng bá rộng rãi. Nhưng việc khán giả ùn ùn kéo đến rạp đã xua đi sự ảm đạm của nhiều vở diễn rất thưa thớt khán giả thời gian qua. Vậy thì Ngàn năm mây trắng có gì mà hút người xem đến thế?

Cảnh trong vở diễn Ngàn năm mây trắng

Cảnh trong vở diễn Ngàn năm mây trắng

Không khó để tìm được câu trả lời nếu ai đã xem các buổi diễn “chào sân” của Ngàn năm mây trắng gần đây. Vở diễn kể về hành trình đi tìm chồng – Trần Khôi của nàng Tô Thị. Trong hành trình ấy, nàng luôn nhận được sự hỗ trợ của Trương Lỗ (em kết nghĩa với Trần Khôi). Nhưng cuối cùng, nàng phát hiện ra sự thật, chính Trương Lỗ là người hãm hại chồng nàng... Cốt truyện vở diễn này được lấy cảm hứng từ các câu chuyện truyền thuyết về Hòn Vọng Phu, về nàng Tô Thị, người đàn bà chung thủy đứng chờ chồng, chờ mãi không thấy chồng về, nàng và con đã hóa thành đá.

Dựa trên truyền thuyết về nàng Tô Thị nhưng Ngàn năm mây trắng đã lý giải ở một góc độ khác đó là người chiến binh có thể hy sinh vì hòn đạn mũi tên của quân thù nhưng cũng có thể chết trong tay người em kết nghĩa của mình. Vì danh lợi, vì dục vọng mà người em đã bị quân thù mua chuộc và tự tay giết chết anh trai. Đặc biệt, trong Ngàn năm mây trắng, khán giả bắt gặp có 4 loại hình nghệ thuật dân gian cùng một lúc: chèo, cải lương, hát xẩm, hát văn Huế được hòa trộn nhuần nhuyễn, tạo sự khác lạ và đầy cảm xúc. Thông qua câu chuyện của nàng Tô Thị, Ngàn năm mây trắng ca ngợi những chiến binh dũng cảm không tiếc máu xương bảo vệ quê hương, đất nước và ca ngợi lòng thủy chung, hiền hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam.

Trước đó không lâu, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã biểu diễn vở cải lương Vì sao lạc xứ (tác giả Nguyễn Toàn Thắng, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên), tạo được tiếng vang và hút khán giả. Vì sao lạc xứ nói về nhân vật lịch sử Hồ Nguyên Trừng (con trai vua Hồ Quý Ly) - người có công phát minh ra súng thần công, được xem là có đóng góp rất sớm cho khoa học Việt Nam vốn không ít người đến nay còn chưa biết tới. Thành công của vở cải lương Vì sao lạc xứ đến từ nhiều yếu tố, đặc biệt là những nỗ lực của đạo diễn và họa sĩ thiết kế trong dàn dựng bối cảnh sân khấu, nhất là trong những phần chuyển cảnh. Cách chuyển cảnh bằng âm nhạc, những lớp diễn xen kẽ và cách cấu trúc nhiều tầng không gian phía sau sân khấu giúp quá trình thưởng thức gần như không bị ngắt quãng, bảo đảm tiết tấu nhanh của vở diễn và cảm xúc liền mạch của khán giả. Chính những ưu điểm mang tính thể nghiệm này nên Vì sao lạc xứ trở nên cuốn hút, từ đó cung cấp thêm những mảnh ghép thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Nguyên Trừng cũng như những biến cố lịch sử ở thời đại nhân vật dưới góc nhìn của những người làm nghệ thuật.

Bên cạnh đó, cũng cần nhắc tới vở cải lương thể nghiệm Nhật thực (Nhà hát thể nghiệm Thế giới trẻ thực hiện) gần đây, chuyển thể từ kịch bản Diễn kịch một mình của soạn giả Lê Duy Hạnh, do nghệ sĩ Lê Nguyên Đạt làm đạo diễn công diễn tại Rạp Công nhân TP.Hồ Chí Minh. Vở diễn bắt đầu với khoảnh khắc nhật thực. Mặt trời tượng trưng cho ánh sáng, cho chân lý cũng có lúc bị áng mây phủ che mờ. Trong khoảnh khắc u u minh minh đó, người nghệ sĩ bỗng ngưng lại mà nhìn vào bản thân, nhìn lại khát vọng cho con đường nghệ thuật của mình, nghẹn ngào nuối tiếc: “Nếu như sân khấu cải lương không còn nữa, thì người nghệ sĩ họ sẽ làm gì? Họ sẽ đi đâu và về đâu?”.

Tuy nhiên, Nhật thực được đánh giá cao bởi đạo diễn Nguyên Đạt cho biết sự thể nghiệm mới lạ. Vở cải lương này mang đến một tác phẩm đậm chất đương đại, phù hợp thị hiếu và cảm nhận của khán giả trẻ với hình thức biểu diễn tác động mạnh đến thị giác và phần âm nhạc được phối hiện đại. Các bản cải lương được phối theo phong cách rock, world music nhưng không tạo sự khó chịu bởi có những bài bản, tiếng mộc của đờn kìm vang lên trên nền nhạc giao hưởng nhẹ nhàng, nghe lạ nhưng rất hài hòa. Các bài bản cải lương được xử lý 1, 2 câu phù hợp trong mỗi trường đoạn để tạo điểm nhấn, tránh sự lê thê.

Do đó, trong vở cải lương Nhật thực, khán giả được thưởng thức sự hòa trộn giữa âm nhạc cổ truyền dân tộc và âm nhạc hiện đại Phương Tây, để rồi từ đó các nghệ sĩ kéo người xem về phía mình bằng một cách nhìn mới lạ và đặc biệt người trẻ cũng có thể nghe cải lương. Và điều này đã được chứng minh khi các suất diễn Nhật thực đều kín khán giả. Đó thật sự là một niềm hạnh phúc đối với các nghệ sĩ làm nghề, với nghệ thuật sân khấu trong thời đại giải trí 4.0.

Hoàng Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/the-nghiem-mien-dat-lanh-cho-nghe-thuat-san-khau-92203.html