Thêm 30 cá thể hổ và sư tử ở Vườn thú Mỹ Quỳnh (Long An) chết

Ngày 2-10, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết, từ đầu tháng 8 đến ngày 16-9, tại Vườn thú Mỹ Quỳnh (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có 30 cá thể hổ và sư tử đã chết. Ngành chức năng tỉnh Long An đã tổ chức tiêu hủy các cá thể nói trên theo quy định.

Trong 27 cá thể hổ chết, có 3 cá thể Vườn thú Mỹ Quỳnh mới nhập từ Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (Đồng Nai), 24 cá thể hổ còn lại do vườn thú này nuôi từ trước.

Ngoài ra, tại Vườn thú Mỹ Quỳnh, gần đây có 3 cá thể sư tử cũng chết. Các đơn vị chức năng tỉnh Long An đã lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân khiến hổ, sư tử chết nhiều; đồng thời tổ chức tiêu hủy, khử trùng, tiêu độc khu vực nuôi theo quy định.

Kết quả xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) cho thấy, hổ chết do virus cúm A/H5N1 (trên mẫu bệnh phẩm của loài hổ được lấy mẫu vào ngày 16-8 tại Công ty cổ phần Vườn thú Mỹ Quỳnh).

Trước tình hình trên, ông Huỳnh Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế tỉnh Long An) đề nghị, Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa tăng cường giám sát, theo dõi người tiếp xúc với cá thể hổ chết tại vườn thú, yêu cầu người tiếp xúc khi có triệu chứng sốt cao, ho, khó thở cần thông báo ngay cho y tế địa phương để tiến hành cách ly, lấy mẫu, điều trị và xử lý kịp thời.

 Có 27 cá thể hổ tại Vườn thú Mỹ Quỳnh bị chết

Có 27 cá thể hổ tại Vườn thú Mỹ Quỳnh bị chết

Đối với trường hợp tiếp xúc gần phải theo dõi tình hình sức khỏe 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với cá thể hổ chết.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An theo dõi, cập nhật sức khỏe các thành viên trong đoàn kiểm tra trong vòng 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối. Thông báo cho y tế ngay khi phát hiện có trường hợp sốt, ho, khó thở. Đồng thời, tăng cường truyền thông về nguy cơ dịch bệnh, các biện pháp phòng chống Cúm A/H5N1 trên địa bàn.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An đề nghị, Công ty CP Vườn thú Mỹ Quỳnh không mở cửa cho khách tham quan khu nuôi thú cho đến khi hết dịch bệnh. Tiếp tục theo dõi các cá thể hổ còn lại trong đàn, cách ly con bệnh. Thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng liên tục.

Không nhập, xuất động vật ra vào toàn bộ khu nuôi có hổ, sư tử bệnh chết. Hạn chế cho người tiếp xúc với động vật tại vườn thú. Người chăm sóc phải được trang bị đầy đủ bảo hộ...

Đồng thời, phối hợp Chi cục Thú y Vùng VI, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cung cấp thông tin điều tra dịch tễ, xác định nguồn dịch và các yếu tố nguy cơ.

Riêng đối với động vật có nguồn gốc ngoài tỉnh, khi nhập vào vườn thú phải được kiểm dịch và có giấy Chứng nhận Kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.

Đối với các đơn vị liên quan, tiếp tục theo dõi, quản lý và thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh trên động vật hoang dã cho chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản; phối hợp chặt chẽ cơ quan thú y trong quá trình xử lý dịch bệnh tại vườn thú.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT tỉnh Long An đề nghị UBND huyện Đức Hòa chỉ đạo UBND các xã rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tiêm phòng miễn phí cúm gia cầm đợt 2-2024 trên địa bàn huyện Đức Hòa (đặc biệt xã Tân Mỹ).

Cũng trong sáng cùng ngày, Ban lãnh đạo Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP Biên Hòa) cho biết, đơn vị ghi nhận có 17 con hổ Bengal và 1 cá thể báo chết tại khu du lịch.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/them-30-ca-the-ho-va-su-tu-o-vuon-thu-my-quynh-long-an-chet-post761767.html