Thêm cơ chế hỗ trợ HTX giải thể

Việc một số HTX đã và đang dừng hoạt động nhưng chưa thể giải thể vẫn diễn ra ở nhiều địa phương làm ảnh hưởng chung đến chất lượng của khu vực kinh tế tập thể. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến Luật HTX 2023 cần sớm được thực hiện đi liền với việc tháo gỡ một số bất cập trong một số luật liên quan sẽ giảm thiểu tối đa tình trạng HTX 'tồn tại trên giấy'.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến tháng 6/2024, cả nước có 32.688 HTX, tăng 2.263 HTX so với cùng kỳ năm 2023, và có 139 liên hiệp HTX, tăng 9 liên hiệp HTX. Tuy nhiên, cũng trong 6 tháng đầu năm, trên cả nước đã giải thể 100 HTX, 1 liên hiệp HTX.

Muốn giải thể cũng không dễ

Có thể thấy, khó khăn từ nội tại đến bối cảnh thị trường..., nếu HTX không linh hoạt sẽ dễ dẫn đến tình trạng hoạt động cầm chừng, chết yểu và phải giải thể. Thế nhưng, vẫn có không ít HTX dù đã dừng hoạt động nhưng không thể giải thể do vướng mắc trong việc đáp ứng các quy định của pháp luật.

Cụ thể, dù thành viên, lãnh đạo, chính quyền địa phương đều đồng tình giải thể nhưng quá trình thực hiện theo đúng quy định của HTX Thủy sản và dịch vụ tổng hợp Phúc Hưng (Bắc Ninh) vẫn còn rất dai dẳng do vướng các thủ tục về thuế.

Theo quy định, trước khi giải thể, HTX phải hoàn thiện nợ thuế cho cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng hiện nay, HTX không đủ khả năng để đóng thuế nên vẫn trong diện nợ thuế, từ đó không thể giải thể được.

Năm 2023, HTX đã làm việc với cán bộ địa phương, khi đó, chiếu theo Luật HTX năm 2012 và Nghị quyết 94/2019/QH14 thì HTX là đơn vị có tư cách pháp nhân, đồng sở hữu nên Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố sẽ có quyền quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế dưới 5 tỷ đồng. Trong khi số tiền nợ thuế của HTX dưới 10 triệu nhưng phải chờ một thời gian mới được xem xét giải quyết.

Ngoài vấn đề vướng mắc trong nộp phạt, chậm tiền thuế như HTX Phúc Hưng, công tác lưu trữ, bảo quản giấy tờ, con dấu và hồ sơ pháp lý của nhiều HTX chưa khoa học nên bị mất, thất lạc, từ đó không thể hoàn thiện hồ sơ giải thể.

Cần cơ chế phù hợp để giúp HTX giải thể thuận lợi, từ đó thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển (Ảnh minh họa).

Cần cơ chế phù hợp để giúp HTX giải thể thuận lợi, từ đó thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển (Ảnh minh họa).

Theo thống kê của Liên minh HTX Quảng Nam, đến nay vẫn còn 20 HTX rơi vào tình trạng bị mất giấy chứng nhận sử dụng con dấu, thất lạc con dấu, giấy đăng ký HTX, mất sổ sách kế toán... dẫn đến khó khăn trong thực hiện giải thể.

Bên cạnh đó, các quy định giải thể vẫn rất phức tạp, chưa chi tiết khiến việc áp dụng trong thực tiễn giải thể đối với nhiều HTX không thuận lợi.

Cụ thể là nếu HTX chấm dứt hoạt động thì mọi thủ tục giải thể phải áp dụng theo quy định của Luật Phá sản. Tuy nhiên, Luật Phá sản lại không quy định rõ ràng về tiêu chí HTX lâm vào phá sản và chế tài đối với HTX có nghĩa vụ nộp đơn mở thủ tục phá sản nhưng không nộp đơn đúng thời hạn hoặc không đúng nội dung. Chính vì điều này khiến HTX rất dễ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, không được hưởng các quyền lợi khi làm các thủ tục phá sản.

Tăng sức "đề kháng" cho HTX

Giải thể dứt điểm các HTX không còn hoạt động là chủ trương của Chính phủ nhằm giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển hiệu quả, bền vững. Dù vậy, theo báo cáo từ các địa phương, đến nay, chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, cả nước vẫn còn khoảng gần 1.200 HTX ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể, hoặc chuyển đổi sang loại hình sản xuất, kinh doanh khác.

Trước những khó khăn trong giải thể HTX ngừng hoạt động, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam với vai trò bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các HTX đã phối hợp với các ngành chức năng, địa phương để tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn HTX chuyển đổi, cơ cấu lại đối với HTX ngừng hoạt động, hoạt động kém hiệu quả, bị phá sản theo Luật Phá sản năm 2014.

Theo các nhà chuyên môn, để giải thể HTX thuận lợi cần có biện pháp, cơ chế xóa nợ thuế với một số HTX còn tồn đọng một cách nhanh chóng, ngắn gọn hơn. Hiện nay, theo quy định pháp luật, các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp phải trên 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng HTX không có khả năng thu hồi thì mới được xóa nợ. Điều này càng khiến tình trạng HTX khó giải thể, tồn tại trên giấy kéo dài dai dẳng.

Bên cạnh đó, việc giải thể HTX đang chịu sự ràng buộc bởi một số luật liên quan như Luật Phá sản, Luật Quản lý thuế..., trong khi các quy định trong luật vẫn được đánh giá là phức tạp và chưa được rõ ràng.

Ngay như tại Điều 28 Luật Phá sản 2014 có yêu cầu HTX khi nộp hồ sơ phá sản phải có báo cáo tài chính trong 3 năm gần nhất. Nếu HTX thành lập trên 3 năm thì phải kèm theo báo cáo tài chính trong suốt quá trình hoạt động. Nhưng theo đại diện các HTX, Luật chưa quy định rõ HTX nộp báo cáo tài chính nhưng báo cáo này có phải kiểm toán hay không. Vì thực chất hiện nay, chỉ HTX quy mô lớn và các liên hiệp HTX mới có đủ khả năng thực hiện kiểm toán.

Do đó, ngoài việc hỗ trợ của các cơ quan quản lý trong việc hướng dẫn, hỗ trợ HTX trong hoàn thiện hồ sơ, quy định thì các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động giải thể HTX cũng cần được bổ sung, cụ thể để phù hợp với năng lực, thực tế hoạt động của mô hình HTX.

Khi đó, việc kết hợp Luật HTX 2023 với việc cắt giảm, đơn giản hóa những thủ tục giải thể HTX từ Luật HTX 2012 được coi là sẽ giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX giải quyết được tình trạng HTX khó giải thể như hiện nay. Khu vực kinh tế tập thể sẽ không bị níu kéo bởi những “áp lực vô hình”. Bởi sự tồn tại của các HTX yếu kém, ngưng hoạt động nhưng chưa giải thể thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến đóng góp, chất lượng chung của khu vực kinh tế tập thể, làm người dân, cơ quan quản lý có cái nhìn không thiện cảm, chưa đúng về mô hình HTX.

Đặc biệt, hiện nay, trong khu vực kinh tế tập thể, HTX, số HTX nông nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cao hơn so với HTX ở lĩnh vực khác. Điều này cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp được nhiều HTX quan tâm nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động. Do vậy, để tránh tình trạng ngừng hoạt động, phải giải thể, cần có những chính sách phù hợp, thiết thực để các HTX trong lĩnh vực này nâng cao năng lực, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Như trong việc hỗ trợ vốn, cần có riêng chương trình, chính sách vay vốn cho khu vực kinh tế tập thể với chế tài, quy định phù hợp sẽ giúp các HTX thuận lợi hơn trong nâng cao cả về chất và lượng. Điều này cũng giúp tăng khả năng tiếp cận vốn của các HTX thay vì chỉ có khoảng 10% số HTX được tiếp cận vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, và có đến 80% số HTX được khảo sát từ Liên minh HTX Việt Nam trả lời là phải vay vốn từ thị trường "tín dụng đen" với lãi suất cao.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/them-co-che-ho-tro-htx-giai-the-1100927.html