Thêm nguồn lực phát triển chăn nuôi đại gia súc

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX; với tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Mường Tè đưa ra định hướng chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại liên kết nhóm hộ với doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững đến người dân. Từ đó, đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành động lực để phát triển kinh tế.

Chúng tôi đến bản Phiêng Kham (xã Bum Nưa) để “mục sở thị” hiệu quả của Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được Phòng Lao động Thương binh - Xã hội (LĐ,TB-XH) triển khai thực hiện vào cuối năm 2023. Theo đó, dân bản được dự án hỗ trợ bò sinh sản và hệ thống chuồng trại chăn nuôi theo đúng mô hình tổ chức chăn nuôi tập trung liên kết nhóm hộ. Đến nay, sau gần 1 năm chăm sóc theo đúng kỹ thuật được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, đàn bò phát triển tốt, đem lại niềm vui lớn cho bà con.
Anh Pờ Văn Sang - Phó Trưởng bản Phiêng Kham chia sẻ: Bản có 55 hộ với trên 200 nhân khẩu dân tộc Thái. Vừa qua, 36 hộ của bản tham gia dự án nuôi bò sinh sản. Bà con được hỗ trợ giống, kinh phí làm chuồng trại chăn nuôi tập trung và cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn bò. Nhờ đó, sau gần 1 năm, đàn bò của dự án sinh sản được hơn 20 con. Dân bản rất vui và cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với những chính sách thiết thực. Nhờ có nguồn lực từ dự án, bà con nắm bắt được kỹ thuật và tổ chức chăn nuôi rất tốt. Chúng tôi đã huy động bà con trồng cỏ voi tại các khu đất nông nhàn, bờ suối, bờ ao để chủ động thức ăn cho bò. Việc phát triển chăn nuôi bò sinh sản đang được dân bản xác định là hướng phát triển kinh tế bền vững.
Chủ động phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình liên kết nhóm hộ của dân bản Phiêng Kham là kết quả của những nỗ lực triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của huyện Mường Tè, trong đó cơ quan thường trực là Phòng LĐ,TB-XH. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiển - Phó trưởng Phòng LĐ,TB-XH cho biết: Theo phân bổ ngân sách giai đoạn 2021 - 2025, Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được phân bổ nguồn vốn trên 10 tỷ đồng, dự kiến triển khai 17 dự án. Phòng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn khảo sát để thực hiện dự án.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Tè kiểm tra thực tế dự án nuôi bò tại bản Phiêng Kham (xã Bum Nưa).

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Tè kiểm tra thực tế dự án nuôi bò tại bản Phiêng Kham (xã Bum Nưa).

Trên cơ sở các bước triển khai dự án, đa số các hộ đều đề nghị được thực hiện phát triển chăn nuôi đại gia súc, Phòng LĐ,TB-XH đã tham mưu với UBND huyện triển khai phê duyệt Dự án 2 theo đúng nhu cầu thực tế của người dân là hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình liên kết nhóm hộ. Để các dự án được triển khai hiệu quả, phòng thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tổ chức lựa chọn giống bò địa phương phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; đến tận bản cầm tay, chỉ việc để người dân nâng cao kỹ năng chăn nuôi. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án và kết quả triển khai thực hiện.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Tè lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu đó, huyện Mường Tè đưa ra các định hướng phát triển kinh tế và tận dụng những lợi thế, trong đó phát triển chăn nuôi đại gia súc là điều kiện để nhân dân thực hiện thắng lợi nghị quyết.
Đồng chí Đao Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Trên địa bàn huyện nhiều xã có điều kiện phù hợp với việc hình thành các điểm chăn nuôi đại gia súc tập trung như: Tà Tổng, Mường Tè, Bum Nưa, Mù Cả, Tá Bạ, Pa Ủ, Nậm Khao… Để phát huy thế mạnh của địa phương, huyện vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó có thể khẳng định, Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững là nguồn lực lớn để hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển chăn nuôi đại gia súc”.
Từ nhu cầu thực tế của người dân thuộc diện được thụ hưởng chính sách, UBND huyện Mường Tè chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch bãi chăn thả gia súc và vùng trồng cỏ; triển khai các chính sách hỗ trợ theo đúng quy định, đối tượng. Đến nay, huyện Mường Tè triển khai thực hiện 8 dự án hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc với trên 250 con giống; hỗ trợ xây dựng mới 8 chuồng trại, trồng mới trên 5ha cỏ voi. Nhờ đó, tỷ lệ tăng trưởng đàn gia súc năm 2024 có thể đạt trên 6%. Điều này góp phần để huyện thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch trong công tác giảm nghèo như: tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 4%/năm; giảm nghèo bình quân đạt 6,5%/năm.

Hà Dũng

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/th%C3%AAm-ngu%E1%BB%93n-l%E1%BB%B1c-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-ch%C4%83n-nu%C3%B4i-%C4%91%E1%BA%A1i-gia-s%C3%BAc