Thêm những 'mạch nguồn' chống dịch

Hơn 3 tháng qua, Báo Hànôịmới nhận được rất nhiều thư, bài viết, bài thơ của bạn đọc ở nhiều tỉnh, thành phố bày tỏ, gửi gắm niềm tin, động viên nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước cùng nhau vượt qua 'trận chiến' đầy khó khăn, nguy hiểm chống 'giặc Covid-19'. Những bài thơ như một 'mạch nguồn' khắc họa chân thực cuộc sống, tình yêu thương, sự hy sinh của biết bao người đang ngày đêm nỗ lực phòng, chống dịch, qua đó thắp lên niềm tin, tiếp thêm sức mạnh chiến thắng dịch bệnh.

Lực lượng dân quân tự vệ quận Hoàng Mai giúp đỡ công dân hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp về với gia đình. Ảnh: Nam Nguyễn

Đồng lòng quyết tâm “đánh giặc”

Không “ồn ào” như những bài thơ được chia sẻ chóng mặt trên các trang mạng xã hội, không mượt mà câu chữ như những vần thơ với đề tài lãng mạn được đăng tải trên các mặt báo..., các bài thơ về đề tài chống dịch là những lát cắt dung dị mà chân thực, được viết bởi những bậc cao niên, những người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng vẫn đau đáu một tình yêu với quê hương, đất nước, đồng bào...

Khi dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát, bạn đọc Bùi Xuân Lưỡng (thôn Trung Tiến, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ) lập tức có những vần thơ để nhắc nhở người dân về sự nguy hiểm của đại dịch, đồng thời chia sẻ cách phòng, chống dịch theo quy định bằng cách dễ nhớ, dễ hiểu nhất: “Ngày nay dịch phát tứ tung/Covid-19 vô cùng hiểm nguy/Toàn dân triệt để thực thi/Những điều quy định nhớ ghi trong lòng... Cách ly ta ở tại nhà/Chớ đi tụ tập hai - ba chục người/Gặp nhau hạn chế nói cười/Cách xa hai mét mọi người thực thi... Dù đi đi ở mọi nơi/Khẩu trang đeo miệng không rời bản thân...”. Cùng chung nỗi lo về tình trạng lây lan dịch bệnh qua tiếp xúc xã hội, tác giả Trần Tô Chiêm ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) lại đề cập đến sự tuân thủ nghiêm túc những hướng dẫn của ngành Y tế: “Lau nhà dọn sạch lối đi/Lau cửa, bàn ghế, những gì dùng chung/Chú ý vật dụng chuyên dùng/Không để vi rút nhiễm vùng miệng, tay/Nhà nhà ghi nhớ hằng ngày/Nhắc nhở con cháu chung tay giữ gìn…”.

Tuy nhiên, đã có thời điểm, tưởng như sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng “đổ sông đổ bể” do sự thiếu trung thực trong khai báo y tế, sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân. Về vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Xuân Hỷ, ở tổ 9, thị trấn Đông Anh lại nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng thấm thía: “Có thể nào em lại tự quay lưng/Trốn tránh cách ly, coi thường pháp chế/Em ơi em, xin đừng vô cảm thế/Với dân ta: Cháu nhỏ cũng anh hùng!/Có lẽ nào em lại tự quay lưng/Khi ý Đảng, lòng dân kết thành sức mạnh/Khi nhà nhà là pháo đài kiêu hãnh/Khi người người là chiến sĩ kiên trung...”.

Khi chứng kiến những ổ dịch bùng phát tại hai đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng chính bạn đọc Trần Tô Chiêm trăn trở với nỗi lo dịch sẽ bùng phát trong cộng đồng. Ông viết như căn dặn chính mình và mọi người: “Không để dịch bệnh triền miên/Lây lan bùng phát khắp miền Bắc, Nam/Đây là cuộc chiến gian nan/Chính phủ chỉ đạo phải làm mạnh tay/Người bệnh phải cách ly ngay/Quản lý chặt chẽ đêm ngày chăm lo...”. Tiếp đó là những ngày cả nước thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch lây lan trong cộng đồng. Trong khó khăn, một lần nữa tinh thần quyết tâm, truyền thống đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân lại trỗi dậy mạnh mẽ: “Quyết cùng cả nước chung tay/Đánh tan Covid một ngày không xa/Dịch tan ta lại hát ca...”.

Toàn dân vững một niềm tin

Để bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân, ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch bệnh, Đảng, Nhà nước đã có quan điểm nhất quán là: Công tác phòng, chống dịch Covid-19 là một nhiệm vụ chính trị cấp bách, quan trọng hàng đầu; “chống dịch như chống giặc”; quan tâm, chăm lo đến mọi người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần đó thể hiện rõ nét nhất qua những chuyến bay vào giữa “tâm dịch” đón đồng bào về nước, qua những hỗ trợ kịp thời cả vật chất lẫn tinh thần để “giải cứu” những người lao động, du học sinh “mắc kẹt” lại tại sân bay nước bạn...

Những hình ảnh này đã được khắc họa bằng vần thơ của ông Nguyễn Xuân Hỷ, đảng viên 50 năm tuổi Đảng, tròn 80 năm tuổi đời, ở thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh): “Em trở về từ quê người, đất khách/Tổ quốc, mẹ hiền giang rộng vòng tay/Hạt cơm thơm, bao nghĩa nặng, tình đầy...”. Và trong mọi hoàn cảnh, trước mọi thử thách..., nhân dân luôn nhất mực đồng lòng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, giữ tâm thế bình tĩnh, tự tin đối phó với “giặc” dịch: Không hoang mang, không ngại ngùng/Bình tĩnh xử lý, khoanh vùng dân cư/Nghi bệnh không thể chần chừ/Chủ động khai báo, không từ một ai... Thực hiện theo báo, theo đài/Không nghe đồn thổi tin bài vu vơ... Chính quyền cùng với nhân dân/Thực hiện quyết liệt, dịch dần sẽ qua/Đem lại hạnh phúc muôn nhà...”.

Trước sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch, cựu chiến binh Đoàn Minh Chức (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) không chỉ một lòng ủng hộ, mà còn bày tỏ niềm tự hào, sự thấu hiểu và lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước với mỗi người dân đất Việt: “Nếu mà dịch cứ lan ra/Nhân dân bình tĩnh chẳng gì phải lo/Yêu cầu tự giác khai cho/Nghi mình nhiễm dịch xin vào cách ly/Ơn Đảng, Chính phủ chăm lo/Hy sinh kinh tế để dân an toàn...”.

Thay mặt cho rất nhiều độc giả trung thành của Báo Hànôịmới, ông Nguyễn Xuân Hỷ bày tỏ: “Bằng những vần thơ, chúng tôi muốn khơi dậy ý thức cộng đồng, kêu gọi sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân trong giai đoạn khó khăn của đất nước”. Và thay lời kết, xin trích những câu thơ thấm đẫm tinh thần lạc quan và niềm tin chắc thắng trong bài “Truyền thống Việt Nam” của tác giả Trần Hồng Hải (huyện Giao Thủy, Nam Định): “Toàn dân vững một niềm tin/Quyết tâm đánh bại và kiềm chế cao/Khắp nơi, thành một phong trào/Giặc vi rút, đến giặc nào cũng tan”.

Bảo Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/964914/them-nhung-mach-nguon-chong-dich