Theo dõi thêm nhiều biến thể COVID-19 đáng quan tâm

Ngày 1/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, B.1.621 (còn gọi là biến thể Mu).

Xuất hiện thêm nhiều biến thể COVID-19 đáng quan tâm

Biến thể này được WHO phân loại là "biến thể đáng quan tâm" bởi chứa các đột biến có khả năng kháng vaccine.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu di truyền học Israel thông báo đang theo dõi biến thể coronavirus mới, C.1.2, mang những thay đổi làm tăng khả năng lây truyền và khả năng né tránh của virus đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể người ở một mức độ nào đó.

Những biến thể "đáng quan tâm"

Biến thể B.1.62 (Mu) bùng phát ở Colombia hồi tháng 1 đầu năm nay, trong khi C.1.2 đã xuất hiện trên khắp Nam Phi cũng như ở 7 quốc gia khác ở châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương. WHO cho biết biến thể Mu đã có mặt tại 34 quốc gia song chiếm chưa đến 0,1% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, ở Colombia, tỷ lệ này là 39%.

Biến thể B.1.621, còn gọi là biến thể Mu, đã được WHO phân loại là "biến thể đáng quan tâm". Biến thể B.1.62 mang một số đột biến, đặc biệt là E484K, N501Y và D614G, có liên quan đến việc giảm khả năng bảo vệ của miễn dịch. Do đó, theo WHO, cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về biến thể này.

Còn biến thể C.1.2 được phát hiện trong suốt đợt lây nhiễm thứ ba ở Nam Phi vào tháng 5/2021 và hiện đã được phát hiện ở 7 quốc gia châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Đại Dương. Bà Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của WHO, lưu ý rằng rất ít người được chẩn đoán nhiễm bệnh thuộc biến thể C.1.2.

"Cho đến nay, có khoảng 100 chuỗi C.1.2 được báo cáo trên toàn cầu, các báo cáo sớm nhất từ tháng 5/2021 ở Nam Phi." – bà Kerkhove cho biết. Tuy nhiên, bà Kerkhove khẳng định: "Việc giám sát và đánh giá các biến thể đang diễn ra và cực kỳ quan trọng để hiểu được sự phát triển của loại virus này và các chiến lược thích ứng khi cần thiết".

Đáng chú ý, C.1.2 xem là "đột biến nhiều nhất cho tới nay", lây nhiễm mạnh hơn đồng thời có thể né vaccine.

Cần những nghiên cứu thêm

Tất cả các virus, gồm cả virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đều biến đổi theo thời gian và hầu hết các đột biến không ảnh hưởng hoặc chỉ ảnh hưởng rất ít đến các đặc tính của virus.

Do đó, có nhiều biến thể virus hơn không đồng nghĩa là sẽ nguy hiểm hơn - một số đột biến có thể làm suy yếu virus.

Tuy nhiên, một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của bệnh, khả năng kháng vaccine và thuốc điều trị.

Các nhà khoa học cho rằng, cần phải nghiên cứu thêm để đánh giá tác động của những đột biến trên.

Hiện WHO phân loại 4 biến thể virus SARS-CoV-2 ở mức "đáng lo ngại", trong đó có biến thể Alpha xuất hiện ở 193 quốc gia, vùng lãnh thổ và biến thể Delta xuất hiện ở 170 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Một vấn đề quan trọng hiện nay là các loại vaccine hiện tại ngăn chặn được các ca bệnh nặng nhưng lại không ngăn chặn được sự lây nhiễm – nhà khoa học chuyên ngành vaccine Gregory Poland thuộc Bệnh viện Mayo (Mỹ) nhận định.

Để đánh bại virus SARS-CoV-2, nhà khoa học Poland cho rằng cần có một thế hệ vaccine mới có thể ngăn chặn cả sự lây nhiễm.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//theo-doi-them-nhieu-bien-the-covid-19-dang-quan-tam-169210901135731878.htm