Thi đua 'Dân vận khéo' ở Văn Bàn

Phong trào thi đua 'Dân vận khéo' ở huyện Văn Bàn thời gian qua được triển khai sâu rộng, hiệu quả với nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động.

Những ngày đầu năm 2020, chúng tôi đến xã Hòa Mạc (Văn Bàn) đúng thời điểm người dân đang tấp nập thu hoạch vụ đông xuân. Tại khu vực sản xuất thôn Thái Hòa, chúng tôi gặp anh Lương Thanh Hương, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Văn Bàn và anh Ngô Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Hòa Mạc đang tham quan mô hình mới để đánh giá tình hình sản xuất. Anh Ngô Quang Trung cho biết: Năm nay, xã Hòa Mạc triển khai mô hình trồng khoai lang Nhật phủ ni lông với gần 2 ha, bắt đầu trồng từ cuối tháng 9 năm 2019. Đây là kỹ thuật mới và lần đầu tiên thực hiện tại huyện Văn Bàn, bước đầu cho thấy hiệu quả.

Thu hoạch khoai lang Nhật ở Hòa Mạc.

Thu hoạch khoai lang Nhật ở Hòa Mạc.

Khá bỡ ngỡ với cách làm mới nhưng được sự động viên, tuyên truyền, hướng dẫn của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, chị Lê Thị Nhung và 10 hộ khác đã đồng ý tham gia mô hình trồng khoai lang Nhật. Chị Nhung cho biết: Ban đầu, chúng tôi rất lo lắng vì kỹ thuật này mới. Nhiều người bảo việc trồng khoai trên đất như trước đây khá hiệu quả, vì vậy khi thực hiện cách làm mới, mọi người rất băn khoăn. Được sự động viên và hướng dẫn của chính quyền xã và cán bộ kỹ thuật, các hộ tham gia đã biết cách trồng và chăm sóc cây khoai lang Nhật.

Sau hơn 3 tháng trồng, cây khoai lang Nhật đã cho thu hoạch. Nhìn những củ khoai to chắc, đồng đều, mọi người rất phấn khởi. Chị Lương Thị Hạnh, một hộ tham gia mô hình cho biết: Xã đã ký liên kết với doanh nghiệp nên toàn bộ củ và cả dây khoai đều được thu mua với giá cao. Sang năm, các hộ tham gia sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng.

Theo ước tính của Chủ tịch UBND xã Hòa Mạc, năng suất ước tính của cây trồng này đạt hơn 40 tấn/ha, cao gấp đôi giống khoai lang thường.

Vận động người dân sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nét nổi bật trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Văn Bàn thời gian qua. Với mục tiêu sản xuất hiệu quả, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân, các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã tập trung vận động người dân phát huy nội lực, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất - kinh doanh và làm giàu chính đáng. Nhờ đó, trong những năm trở lại đây, Văn Bàn đã xuất hiện nhiều nhóm mô hình sản xuất hiệu quả, tiêu biểu như mô hình trồng quế, mỡ tại thôn Thẩm Pha, xã Sơn Thủy; mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng tại thôn Khe Dài, xã Tân Thượng; mô hình trồng gấc của cựu chiến binh tại xã Võ Lao; nuôi tằm xã Liêm Phú; tổ liên kết trồng cây gai xanh AP1 tại Sơn Thủy, Tân Thượng, Hòa Mạc…

Đối với công tác dân vận khéo nói chung, anh Lương Thanh Hương, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Văn Bàn cho biết: Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hằng năm, Ban Dân vận Huyện ủy Văn Bàn đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các mô hình bám sát thực tế địa phương, ngày càng phong phú, đa dạng, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Năm 2019, huyện Văn Bàn thực hiện được 50 mô hình “Dân vận khéo” về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị.

Thi đua “Dân vận khéo” trở thành điểm tựa để hỗ trợ người dân còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Toàn huyện đã giúp các hộ làm mới 808 nhà tiêu hợp vệ sinh, 440 chuồng nuôi gia súc; đào 1.280 hố rác và giúp 26 hội viên phụ nữ thực hiện mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”. Để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, huyện Văn Bàn cũng nhân rộng những mô hình “Dân vận khéo” trong hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể còn huy động hơn 4,5 tỷ đồng tặng quà, hỗ trợ làm nhà ở, tạo sinh kế cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều mô hình tương trợ được nhân rộng, qua đó phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng. Các mô hình góp phần nâng cao tính chủ động, tích cực thi đua lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và phát huy vai trò làm chủ của người dân.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng đi sâu vào cuộc sống. Từ các mô hình, trên địa bàn huyện Văn Bàn đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình thể hiện sự năng động, sáng tạo trong công tác vận động, giải quyết những vấn đề bức xúc từ cơ sở, tích cực chăm lo đời sống nhân dân. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, từ đó tập hợp, đoàn kết cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Hữu Huỳnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/thi-dua-dan-van-kheo-o-van-ban-z1n20200311162918372.htm