Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học giảm mạnh

Nhiều thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học, chọn học nghề để tiết kiệm chi phí. Trong ảnh: Thí sinh đăng ký nhập học tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Ảnh: TRẦN QUỚI

Sau khi Bộ GD-ĐT kéo dài thêm 3 ngày nhằm giúp thí sinh điều chỉnh thông tin hoặc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, đến 17 giờ ngày 23/8, gần 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng thêm và khoảng 75.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Như vậy, cả nước có khoảng 321.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

Cứ ba thí sinh thì một em không nhập nguyện vọng

Theo quy chế tuyển sinh 2022, hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển vào 17 giờ ngày 20/8. Tuy nhiên ngay sau đó, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn kéo dài thời gian đăng ký, chỉnh sửa đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến 17 giờ ngày 23/8. Kết quả có thêm gần 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng và khoảng 75.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Như vậy đến 17 giờ ngày 23/8, cả nước có gần 620.500 thí sinh nhập nguyện vọng trên tổng số 941.759 thí sinh có ý định đăng ký xét tuyển. Như vậy, khoảng 321.000 thí sinh đã quyết định không nhập nguyện vọng xét tuyển đại học lên hệ thống (chiếm 34%). Con số này ít hơn khoảng 174.000 thí sinh so với năm học trước.

Tại Phú Yên, thông tin từ Phòng Quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT), toàn tỉnh có 53 cơ sở giáo dục có thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, với tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển là 10.732. Đến hạn chót đăng ký nguyện vọng xét tuyển lần đầu (17 giờ ngày 20/8) thì 7.480 thí sinh đăng ký. Sau 3 ngày gia hạn điều chỉnh thông tin, nguyện vọng đăng ký xét tuyển con số này không thay đổi. Như vậy, có 3.252 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển (chiếm 30,3%).

Nhiều ý kiến cho rằng có đến 1/3 số thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng không nhập nguyện vọng là điều bất thường.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng con số 321.000 thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống là bình thường. So sánh số liệu của năm 2020 và 2021, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 có giảm nhưng không đáng kể. “Đây là số thí sinh thực sự mong muốn xét tuyển. Những thí sinh có lựa chọn khác hoặc tự thấy không đủ khả năng đỗ đại học đã không đăng ký. Việc này giúp công tác xét tuyển giảm bớt sự lãng phí không cần thiết”, bà Thủy phân tích.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng số thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học giảm vì học phí nhiều trường tăng cao, thí sinh không đủ điều kiện theo học. Hoặc bởi hai năm trước do dịch COVID-19, nhiều thí sinh đã bỏ lỡ cơ hội du học, nhưng năm nay tình hình dịch đã được kiểm soát nên số thí sinh du học sẽ tăng nhiều…

Phân luồng thời gian đóng lệ phí

Đây là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức thanh toán lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, đảm bảo cho thí sinh thực hiện được thành công giao dịch thanh toán trực tuyến, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục và có các biện pháp phù hợp giúp thí sinh trên địa bàn.

Về kỹ thuật, để tránh tắc nghẽn hệ thống, không truy cập được do lưu lượng cùng lúc có quá nhiều người đăng ký, Bộ GD-ĐT thông báo lùi lịch thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến trên hệ thống tuyển sinh 3 ngày so với kế hoạch ban đầu; đồng thời phân luồng thời gian cụ thể. Theo đó, lịch mở chức năng thanh toán theo các tỉnh/thành sẽ điều chỉnh theo từng nhóm tỉnh/thành với khoảng thời gian nhất định, từ ngày 24-31/8. Thí sinh tỉnh Phú Yên sẽ thao tác thanh toán trực tuyến lên hệ thống từ 0 giờ ngày 27/8/2022 đến 17 giờ ngày 29/8/2022.

Lệ phí đăng ký xét tuyển là 20.000 đồng/nguyện vọng và chỉ áp dụng với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Các nguyện vọng đăng ký theo phương thức xét tuyển khác, thí sinh thực hiện theo quy định của trường đại học.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các sở GD-ĐT chuẩn bị phương án sẵn sàng hỗ trợ thanh toán giúp thí sinh, nhất là các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tránh lỡ mất cơ hội xét tuyển.

Thí sinh được lựa chọn một trong 15 kênh thanh toán khác nhau được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia để đóng lệ phí xét tuyển. Trong đó, các kênh ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, SHB, VPBank. Những tổ chức trung gian thanh toán gồm các ngân hàng khác qua VNPT Money, ngân lượng, KeyPay, Payoo, Napas. Thanh toán qua ví điện tử gồm VNPT Money, Momo, Viettel Money. Kênh thanh toán di động có VNPT Mobile Money.

Thí sinh chỉ nộp lệ phí trên hệ thống xét tuyển, không thực hiện trên bất kỳ kênh thanh toán nào khác. Trường hợp phát sinh kênh thanh toán khác Bộ GD-ĐT sẽ có thông báo trên hệ thống xét tuyển và các phương tiện thông tin đại chúng.

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/78/284269/thi-sinh-dang-ky-nguyen-vong-xet-tuyen-dai-hoc-giam-manh.html