Thị trường BĐS được gỡ vướng khi Luật Đất đai thông qua
Luật Đất đai sửa đổi đang được gấp rút hoàn thiện và chỉnh lý. Với tính chất quan trọng, dự luật này được kì vọng thông qua càng sớm càng tốt, để tháo gỡ được những nút thắt đang gây khó khăn, cản trở đến sự phát triển của thị trường BĐS. Được biết ngày mai 18/1 là ngày cuối cùng kỳ họp bất thường của Quốc hội lần này. Tất cả đều trông chờ vào việc dự thảo luật sẽ được thông qua.
Hơn 12 triệu lượt tham gia đóng góp ý kiến. Trải qua ba kỳ họp Quốc hội, năm lần có ý kiến chính thức qua các thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay với 16 chương và 260 điều, dự thảo Luật Đất đai được xem là đã hoàn thiện với nhiều nội dung mới. Trong kỳ họp bất thường của Quốc hội lần này, một số nội dung còn đang băn khoăn cũng đã được đưa ra lấy ý kiến. Với khoảng thời gian tiếp thu, chỉnh lý kéo dài trong hai năm đã thấy rõ được tầm quan trọng của dự thảo luật này đối với sự phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho biết: "Luật Đất đai được thông qua sẽ tạo xung lực tích cực cho vấn đề điều chỉnh và hoàn thiện các luật khác cũng như là làm tăng tính thị trường cho các hoạt động kinh tế xã hội và quản lý Nhà nước. Cái thứ ba là góp phần làm ấm và phục hồi nhanh hơn thị trường BĐS trong bối cảnh đang còn trì trệ hiện nay".
Cho đến nay cơ bản dự án luật đã hoàn thiện và thể chế hóa, bao quát được Nghị quyết 18 của Trung ương, bám sát Hiến pháp, cương lĩnh của Đảng, pháp luật hiện hành. Đặc biệt, những nội dung liên quan đến định giá đất, cơ chế thu hồi đất và tạo quỹ đất để phát triển dự án đã thu hút nhiều ý kiến tham luận. Do đây đều là những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và minh bạch của thị trường. Vậy nên các phương án đưa ra cần phải xét đầy đủ các phương diện, đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.
Ông Nguyễn Thế Điệp - phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội cho biết: “Trong thời gian qua thì chúng ta đã có hướng dẫn về việc định giá đất ở các địa phương. Hiện nay khó khăn lớn nhất ở các địa phương đang có sự đùn đẩy trong công tác định giá đất từ ngành này sang ngành khác hoặc không dám quyết định giá cụ thể. Bởi số liệu và tư liệu về giá đất còn nhiều bất cập, chưa đầy đủ, chưa có kho dữ liệu chính xác và giá mua bán hiện nay chưa kiểm soát được. Thậm chí, các đơn vị định giá cũng không dám định giá trong giai đoạn hiện nay”.
Luật Đất đai hiện hành được sửa đổi gần nhất là vào năm 2013. Sau 10 năm đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo dẫn đến việc mập mờ trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện. Hệ quả là quá trình chuyển dịch đất đai để đầu tư phát triển trở nên phức tạp, gây phiền hà cho doanh nghiệp, ách tắc cho thị trường. Từ đó, nhiều dự án không được triển khai, nguồn cung trên thị trường ngày càng khan hiếm và câu chuyện tăng giá, thổi giá bất động sản là không tránh khỏi. Việc thông qua Luật đất đai sửa đổi 2023 được coi như “cơn mưa rào” xuất hiện đúng lúc khi thị trường đang gặp “nắng hạn”.