Thị trường cà phê hạt, bột Trung Quốc hấp dẫn doanh nghiệp Việt
Có sức tăng trưởng mạnh, biên lợi nhuận cao, phân khúc cà phê hạt, bột tại thị trường Trung Quốc đang hấp dẫn doanh nghiệp Việt.
Thị trường mục tiêu của nhiều doanh nghiệp
Ông Dương Khánh Toàn - Giám đốc kinh doanh quốc tế và xuất nhập khẩu, Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang cho hay: Thị trường cà phê Trung Quốc 10 năm qua tăng trưởng tới trên 10 lần, trong đó cả hai phân khúc cà phê hòa tan và hạt, bột đều tăng. Tuy nhiên biên lợi nhuận của cà phê hòa tan giảm dần, trong khi đó lại tăng cao ở khân khúc hạt, bột.
Nguyên do, cà phê hòa tan tiêu thụ lớn ở phân khúc phổ thông tại các thành phố cấp dưới, người tiêu dùng ở các thành phố lõi vẫn ưa chuộng cà phê hạt, bột. Trong tương lai tiềm năng của phân khúc thị trường cà phê hạt, bột Trung Quốc sẽ tăng rất nhanh, là mảnh đất màu mỡ để khai thác, quan trọng là doanh nghiệp tìm được mô hình thâm nhập phù hợp.
Ông Dương Khánh Toàn cũng cho hay: Thời gian tới, doanh nghiệp dự kiến tiến hành marketing sản phẩm, mở văn phòng đại diện, có nhân viên giới thiệu, xây dựng thương hiệu cà phê Mê Trang tại thị trường tỉ dân này. Doanh nghiệp cũng đã có bước chuẩn bị cho định hướng mở rộng xuất khẩu khi vừa phát triển mảng ODM cho cà phê, đạt một số chứng chỉ cần thiết như Halal, FDA…
Đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Trung Quốc, cà phê Trung Nguyên đã thu hái được những thành công đáng kể. Ông Wilson Li Wuqiang - Đại diện Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên tại Thượng Hải, cho hay: Ban đầu, Trung Nguyên chủ yếu tiêu thụ cà phê qua các kênh đầu mối ở biên giới và sản phẩm cà phê hòa tan 3 trong 1. Hiện, căn cứ theo nhu cầu khách hàng, Trung Nguyên có thêm sản phẩm cà phê đen, cà phê rang xay.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 10 của Việt Nam. Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải Quan, 2 tháng đầu năm 2023 Việt Nam xuất khẩu trên 8,617 triệu USD mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc.
Với quy mô dân số lớn, thuận lợi về giao thông, đặc biệt đầu năm 2023 Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa lại thị trường, doanh nghiệp Việt Nam đang nhanh chóng triển khai các hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, từ đầu năm tới nay Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tổ chức giới thiệu về các hội chợ chuyên ngành lớn tại Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam. “Bộ Công Thương tập trung cao độ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhằm khai thác bền vững thị trường”, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay.
Đa dạng kênh tiêu thụ
Là thị trường rất lớn và đa dạng phân khúc tiêu dùng, do vậy doanh nghiệp trong nước được khuyến cáo cần áp dụng nhiều cách tiêu thụ khác nhau. Nêu trường hợp cụ thể của cà phê Trung Nguyên, ông Wilson Li Wuqiang thông tin: Tại Thượng Hải, cà phê Trung Nguyên không chỉ được bán ở những kênh phân phối lớn mà còn được chia gói nhỏ bán tại các cửa hàng mini, cửa hàng tạp hóa, bán lẻ với mục tiêu tiếp cận nhiều nhất người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng được khuyến cáo là kênh tiếp cận thị trường Trung Quốc hiệu quả. Không chỉ xuất khẩu, thương mại điện tử còn là kênh marketing, xúc tiến thương mại tiết kiệm và sức lan tỏa tốt. Với cà phê Mê Trang, ông Dương Khánh Toàn cho hay: Khách hàng thương mại điện tử mang lại cho doanh nghiệp không phải là thị trường lớn, yêu cầu cao mà là thị trường nhỏ, mới nổi phù hợp với năng lực cung ứng và đáp ứng của doanh nghiệp. Đây cũng đồng thời được cà phê Mê Trang xác định là kênh tiêu thụ chính trong tương lai.
Để hỗ trợ doanh nghiệp hiện thực hóa được định hướng xuất khẩu, lãnh đạo Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang cũng đề xuất: Chính phủ xây dựng và đưa các chính sách ưu đãi tín dụng thiết thực hơn để doanh nghiệp có thể khai thác và tận dụng lợi thế đẩy mạnh sản xuất.
Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc chủ yếu là cà phê Robusta, tuy nhiên cũng có một số sản phẩm cà phê Arabica đang được tiêu thụ, chứng tỏ sản phẩm này đã có thị phần nhưng chưa đa dạng các dòng sản phẩm. “Chúng tôi rất mong doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu, định hướng kế hoạch phát triển sản phẩm cà phê Arabica chất lượng cao để có cơ hội hợp tác đưa sản phẩm cà phê cao cấp hơn vào thị trường Trung Quốc” - ông Tôn Chính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê TP. Trùng Khánh, kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Giao dịch cà phê Trùng Khánh bày tỏ.
Với mặt hàng cà phê nhập khẩu, Trung Quốc không có yêu cầu đặc thù với bao bì đóng gói sản phẩm, không có yêu cầu đặc biệt ngoài chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, đối với cà phê Việt Nam xuất khẩu sang nước thứ 3 từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý và đáp ứng yêu cầu của nước thứ 3.