Thị trường chứng khoán 'ảm đạm'
Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán liên tục có nhiều biến động. Thị trường có nhiều phiên giảm điểm. Giai đoạn này sẽ có nhiều rủi ro hơn nên nhà đầu tư cần thận trọng hơn, quản trị rủi ro tốt hơn và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.
Khi thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm, các kênh đầu tư tài chính khác cũng có nhiều biến động, nhà đầu tư cần tham khảo kỹ thị trường thông qua các công cụ phân tích, tư vấn từ các chuyên gia.
* Nhiều phiên sụt giảm
Theo nhiều chuyên gia, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong thời gian qua chịu tác động bởi nhiều yếu tố cộng hưởng từ sự bất ổn chính trị thế giới, đặc biệt là những diễn biến mới nhất tại khu vực Trung Đông bên cạnh sự “không chắc chắn” trong “cuộc chiến” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với lãi suất để ổn định nền kinh tế Mỹ đã tác động tới thị trường chứng khoán toàn cầu, chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Bùi Quốc Phong nhận định, đối với thị trường chứng khoán trong nước, việc sụt giảm mạnh trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu tháng 10-2023, trở lại đây đã chứng kiến nhiều phiên giảm điểm mạnh của VN-Index và gần như “xóa tan” thành quả từ đầu năm 2023 đến nay. Trong đó, các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (hay gọi là Bluechips) như: Vingroup, Masan, MWG, nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, xây dựng… đều có pha giảm điểm và tác động rõ rệt lên chỉ số VN-Index.
Theo nhiều nhà đầu tư chứng khoán, triển vọng thị trường còn nhiều bỏ ngỏ nên vẫn sẽ ưu tiên dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư những loại cổ phiếu đã chiết khấu về vùng giá hợp lý, chọn những cổ phiếu có lợi thế về ngành như: ngân hàng, dầu khí, phân bón… nhằm đạt được hiệu quả, hoặc ít nhất là có thể bảo toàn tài khoản nếu có xảy ra biến động.
Tương tự, ThS Nguyễn Doãn Đạt, Giám đốc Trung tâm Khách hàng cao cấp Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam - chi nhánh TP.HCM phân tích, sau khi tạo đáy vào tháng 11 năm ngoái, thị trường chứng khoán đã có nhịp hồi phục mạnh kéo dài hơn 8 tháng và đạt đỉnh ở 1.250 điểm. Tuy nhiên, ngay sau 2 nhịp hồi phục nhưng không vượt qua được mức 1.250 điểm, thị trường đã nhanh chóng điều chỉnh trở lại và đánh mất đi hầu như thành quả tăng điểm của năm 2023, với điểm số đang giao dịch gần mốc 1.000 điểm.
Các chuyên gia cho rằng, trong năm 2023, nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng đều gặp rất nhiều khó khăn, từ việc lãi suất neo cao, khó khăn về đơn hàng, kết quả kinh doanh sụt giảm, trong khi chi phí kinh doanh tăng mạnh, dẫn tới lợi nhuận đa phần đều giảm, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan tới bất động sản, bán lẻ, xuất khẩu… Điều này cũng đã tác động vào thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Doãn Đạt chia sẻ thêm, trong một xu hướng của thị trường, thông thường các mã beta cao (beta là hệ số đo lường biến động tương quan với thị trường, beta càng cao thì rủi ro càng cao, tức là mức độ biến động theo thị trường càng lớn) sẽ có biến động lớn nhất. Các mã beta cao bao gồm chứng khoán, bất động sản…
Vì vậy, theo ông Đạt, giai đoạn vừa qua, cổ phiếu thuộc nhóm này có mức độ giảm điểm mạnh nhất, hầu như đều giảm 30-40% từ vùng đỉnh. Nhóm bất động sản, vật liệu xây dựng vẫn là các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do thị trường bất động sản nhìn chung vẫn đang trong trạng thái “ảm đạm” nên sau khi có nhịp hồi phục khá mạnh nhờ các chính sách hỗ trợ xử lý trái phiếu từ Chính phủ, thì nhóm này đã điều chỉnh mạnh trở lại, so với vùng đỉnh thì giá cổ phiếu đang chiết khấu 30-40%.
* Chờ đợi thời cơ
Ông Bùi Quốc Phong chia sẻ thêm, lịch sử cho thấy sau bất cứ “cơn bão” nào thì thị trường cũng sẽ sớm tìm lại điểm cân bằng và quay trở lại xu hướng tăng trưởng. Xét về tính chu kỳ của thị trường, cuối năm luôn là thời điểm có những chuyển biến tích cực ở các nhóm ngành mang tính dẫn dắt như: ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ - tiêu dùng... Với những nhà đầu tư có nền tảng và đã trải qua nhiều chu kỳ thăng trầm tăng giảm của thị trường thì sẽ sớm nhận thấy cơ hội trong những thời điểm này để có sự chuẩn bị đón đầu con sóng tăng trưởng cuối năm.
“Việt Nam vẫn đang là một trong những điểm sáng kinh tế trong khu vực với tính ổn định cao về mặt chính trị - kinh tế trong bối cảnh bất ổn toàn cầu hiện nay, nên xét về trung và dài hạn thì trung và dài hạn vẫn luôn là kênh đầu tư hiệu quả nhất và luôn đi trước chuyển biến của nền kinh tế ít nhất từ 3-6 tháng. Do đó, để lựa chọn cho mình một danh mục đầu tư phù hợp và hiệu quả cho giai đoạn cuối năm, nhà đầu tư có thể tham khảo tư vấn từ các chuyên gia về chứng khoán” - ông Phong nhận định.
Ông Nguyễn Doãn Đạt tư vấn, đối với các nhà đầu tư có thời gian bám “bảng điện”, thích giao dịch ngắn hạn trên thị trường thì với việc giảm điểm mạnh như hiện tại, nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch ngắn ở các cổ phiếu có beta cao như đề cập ở trên. Đối với các nhà đầu tư ít kinh nghiệm, không có thời gian bám “bảng điện” của thị trường thì nên quan sát, chờ thị trường tạo đáy, sau đó có thể vào giao dịch được; tuy không mua được giá đáy, nhưng rủi ro sẽ ít hơn.
“Đối với những nhà đầu tư dài hạn thì việc sụt giảm mạnh ở giai đoạn này lại là cơ hội lớn cho nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn ở giai đoạn 2025-2027 với nhiều triển vọng về phát triển kinh tế ở Việt Nam, thị trường chứng khoán trong nước có thể được nâng hạng” - ông Đạt chia sẻ thêm.
Anh Thành Tuấn (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Với những nhà đầu tư cá nhân như tôi, đặc biệt là những người mới gia nhập thị trường, cần cẩn trọng đánh giá các nhóm ngành, quan sát đa chiều cả thông tin tích cực lẫn tiêu cực để tránh tình trạng hoang mang, lo sợ rồi “bán đổ bán tháo”. Điều quan trọng hơn hết là quản lý rủi ro tốt, đánh giá thị trường qua các yếu tố cơ bản vì không phải cổ phiếu nào cũng chịu tác động và có rủi ro như nhau”.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/thi-truong-chung-khoan-am-dam-4b34e2a/