Thị trường chứng khoán vẫn chứng kiến áp lực xả hàng

Kết thúc phiên chiều 11/10, áp lực bán tăng ở nhiều mã; đa số các cổ phiếu trụ cột giảm mạnh, trong đó có nhiều cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bất động sản giảm sàn khiến thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục 'lao dốc'.

Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định: Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm.

Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định: Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm.

Theo đó, chỉ số VN-Index cuối phiên chiều 11/10 giảm mạnh 36,28 điểm, xuống 1.006,2 điểm. Chỉ số VN30 giảm hơn 37 điểm, xuống 1.001,68 điểm. Áp lực bán dữ dội vẫn khiến chỉ số rơi lại vùng điểm hồi tháng 11/2020, tức rơi về đáy 2 năm. Toàn sàn HoSE có 435 mã giảm, trong đó có đến 147 mã giảm sàn. Phía ngược lại, chỉ có 46 mã tăng và 37 mã đứng giá.

HNX-Index diễn biến tương tự với áp lực bán tăng dần về cuối ngày, với mức rơi thẳng đứng 11,07 (-4,82%) còn 218,78 điểm. UPCoM-Index giảm 2,73% về 77,95 điểm.

Bốn cổ phiếu ngân hàng trong nhóm VN30 giảm hết biên độ cho phép gồm: Techcombank, MBBank, Sacombank, TPBank; cổ phiếu chứng khoán SSI cũng giảm sàn; Vincom Retail cũng giảm hết biên độ cho phép. Nhiều mã ngân hàng khác cũng rơi về sắc xanh lơ như: STB, MBB, TCB, SHB, LPB hoặc các cổ phiếu ACB, OCB cũng sát giá sàn. Trong nhóm VN30, mã cổ phiếu duy nhất giữ được sắc xanh là GAS...

Thanh khoản toàn thị trường vẫn ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chỉ đạt hơn 14.600 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với phiên đầu tuần.

Trước đó, trong phiên sáng ngày 11/10, hàng trăm cổ phiếu đã bị lao dốc, giảm giá ngay khi mở cửa phiên giao dịch. Sắc đỏ bao phủ trên toàn bộ các sàn chứng khoán chính. Trước diễn biến bất lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các cổ phiếu nhóm bất động sản bị nhà đầu tư bán ra mạnh, trong đó phải kể đến VHM (Vinhomes), NVL (Novaland), VIC (Vingroup)...

Trong bối cảnh giảm điểm hiện tại, đội ngũ phân tích của chứng khoán Rồng Việt cho biết: Nhà đầu tư tạm thời vẫn nên thận trọng và tránh mua đuổi; đồng thời cần quan sát tín hiệu hỗ trợ hiện tại có được xác nhận trong thời gian tới hay không để đánh giá lại trạng thái của thị trường.

Đề cập về thị trường chứng khoán (TTCK) “lao dốc” thời gian qua, ông Phạm Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết: Trong tháng 9/2022, TTCK đã ghi nhận mức giảm khoảng 12% so với tháng 8/2022 và bước sang đầu tháng 10/2022, thị trường lại tiếp tục giảm cả về điểm số lẫn thanh khoản.

“Các nhà đầu tư đang lo ngại trước những thông tin kém lạc quan về tình hình vĩ mô trên toàn thế giới. Các ngân hàng Trung ương tăng lãi suất khiến cho triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm hơn; tình hình căng thẳng địa chính trị cũng góp phần làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán. Đối với tình hình trong nước, động thái tăng lãi suất điều hành cùng với đó là hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng qua đã tác động mạnh lên TTCK”, ông Phạm Văn Tuấn cho biết.

Theo dữ liệu của Fiinpro - Hệ thống cơ sở dữ liệu tài chính của Nhật Bản, mức P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) trượt 12 tháng của thị trường đã rơi về vùng khoảng 11,5 lần - đây là mức định giá thấp chỉ sau giai đoạn đáy dịch bệnh COVID-19 (10,9 lần) và giai đoạn năm 2008 (8,9 lần).

Với mức định giá trên, đại diện PHS cho rằng: TTCK đang cho thấy sức hấp dẫn đáng kể và cơ hội đầu tư đã xuất hiện ở nhiều nhóm ngành. Do đó, trong trường hợp rủi ro về mức trung tính, dòng tiền có thể quay trở lại và tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên do thanh khoản đang có phần bị hạn chế, dòng tiền lớn có thể chưa ngay lập tức tham gia trở lại thị trường.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đang duy trì hết sức ổn định với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4% trong khi tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 7%. Mặc dù tiền đồng có mất giá khoảng 5% so với USD nhưng vẫn đang là đồng tiền có diễn biến lạc quan nhất nếu so với các quốc gia khác hiện đã mất giá khoảng 10% - 20%. Dựa vào những yếu tố vĩ mô đó cùng với tăng trưởng lợi nhuận ở nhiều doanh nghiệp vẫn được duy trì, TTCK vẫn được một số chuyên gia tài chính kỳ vọng, có cơ hội hồi phục trở lại.

Số tài khoản mở mới tiếp tục giảm mạnh trong tháng 9/2022

Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 102.244 tài khoản chứng khoán trong tháng 9/2022, giảm 34% so với tháng trước. Nhà đầu tư trong nước đã mở mới 102.244 tài khoản chứng khoán trong tháng 9/2022, giảm 34% so với tháng trước và chỉ bằng 1/5 so với giai đoạn bùng nổ hồi tháng 5-6 năm nay. Đây là lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội thấp nhất kể từ tháng 7/2021 và là tháng thứ 3 liên tiếp sụt giảm mạnh.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/thi-truong-chung-khoan-van-chung-kien-ap-luc-xa-hang-20221011145452463.htm