Thị trường Halal 10 nghìn tỷ USD, sao doanh nghiệp Việt bỏ qua?
Nhiều doanh nghiệp Việt chưa biết quy mô thị trường Halal toàn cầu đạt tới 10.000 tỷ USD trước năm 2028, trong khi thị trường AI (trí tuệ nhân tạo) tới trước 2030 chỉ 2.000 tỷ USD; người Hồi giáo sẵn sàng mua giá cao sản phẩm đạt chứng nhận Halal.
“Giấy thông hành” vào thị trường Halal
“Tôi đang trồng cây bạc hà, đã xuất khẩu sang Nhật Bản. Có người bạn lấy tinh dầu bạc hà của tôi xuất sang Trung Đông, bán với giá trên 100 triệu đồng/lít, trong khi tôi bán 1 triệu đồng/lít. Tôi rất muốn tìm hiểu cách nào có thể trực tiếp đưa sản phẩm sang các nước Hồi giáo (thị trường Halal) để tăng doanh thu”, ông Nguyễn Trung Hải, nguyên giảng viên Đại học Nông lâm TPHCM bày tỏ tâm tư tại Hội thảo “Chiến lược kinh doanh thành công với các nước Hồi giáo” do Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp, Đại học Ngoại thương tổ chức mới đây.
Xuất khẩu thành công vào thị trường các nước Hồi giáo nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Quý Linh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm F&G Việt Nam (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm, để vào thị trường Hồi giáo thì buộc phải có chứng nhận Halal. Từ năm 2018-2019, F&G Việt Nam nằm trong số ít doanh nghiệp Việt tiên phong xin cấp giấy chứng nhận Halal - “giấy thông hành” vào thị trường này.
"Halal hồi đó quá mới nên chúng tôi vô cùng bỡ ngỡ. Dù F&G Việt Nam đã sở hữu nhiều loại chứng nhận khác như CE, ISO…, nhưng không thể dùng để đổi ngang. Halal là hệ chứng nhận có rất nhiều tiêu chí riêng biệt. Chúng tôi phải nhờ tư vấn từ các chuyên gia về Halal để rút ngắn thời gian xin giấy chứng nhận", bà Linh nói.
Ở Việt Nam hiện có khá nhiều tổ chức cấp chứng nhận Halal đã được công nhận như HCA (Văn phòng Chứng nhận Halal), HVN (Công ty Halal Việt Nam), HALCERT (Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam)…
Chi phí cấp chứng nhận Halal khoảng 3.000-5.000 USD. Những năm tiếp theo, phí sẽ giảm dần. Trường hợp của F&G Việt Nam, đến năm thứ 5, mức phí còn khoảng 22 triệu đồng.
“Tiêu chuẩn Halal khá dễ thở về mặt chi phí, thấp hơn so với chi phí làm nhiều chứng chỉ khác. Chẳng hạn, chứng chỉ châu Âu trong lĩnh vực thực phẩm rất đắt, lên tới 5.000-7.000 USD, phải cấp lại hàng năm, và hệ thống nhà máy đòi hỏi đầu tư hàng tỷ đồng”, bà Linh nhận định.
Nữ giám đốc F&G Việt Nam lưu ý, hiện số lượng doanh nghiệp Việt vào thị trường Hồi giáo còn nhỏ lẻ nên các tổ chức cấp chứng nhận Halal còn châm chước, một số yếu tố chưa đạt 100% yêu cầu vẫn được cấp chứng nhận. Nhưng tới đây, cần chính quy hóa quy trình làm chứng nhận Halal. Tốt nhất nên theo bộ tiêu chuẩn Halal Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng.
Một số thị trường như châu Âu, Mỹ… năm nay bán được, năm sau có thể mất đơn hàng. Trong khi tính bền vững của thị trường Halal khá cao. F&G Việt Nam cung cấp hàng xuất khẩu sang các nước Hồi giáo từ năm 2018 đến giờ vẫn duy trì lượng người mua ổn định.
“Các nước Hồi giáo (Halal) chiếm 1/3 dân số thế giới. Người Hồi giáo sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm xanh, sạch, đạt chứng nhận Halal. Thị trường đông dân và giàu như thế, tại sao chúng ta không vào? Trước kia, sản phẩm Việt Nam vào thị trường Hồi giáo phải trả thuế nhập khẩu.
Gần đây, những hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại nhiều ưu đãi thuế, giảm quy trình thủ tục để xuất khẩu được hàng Việt có chứng nhận Halal. Doanh nghiệp Việt hãy tận dụng cơ hội. Đừng ngại rằng tiêu chuẩn Halal khó lắm, đắt tiền lắm. Tiêu chuẩn nào cũng có cái khó và cái dễ riêng. Việt Nam đang đi chậm hơn nhiều quốc gia khác trong việc tiến vào thị trường Halal. Nếu cứ bàn lùi thì càng chậm nữa”, bà Linh nhấn mạnh.
Thông tin thêm về tiêu chuẩn Halal áp dụng với sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người Hồi giáo, bà Nguyễn Thị Thái Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông – Châu Phi, Bộ Ngoại giao cho biết, thế giới có nhiều loại tiêu chuẩn Halal khác nhau, trong đó, 4 tiêu chuẩn uy tín nhất và được áp dụng nhiều nhất gồm: GSO 993:2015 của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh; OIC/SMIIC 1:2019 của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo OIC; HAS 23103:2012 của Indonesia; MS 1500:2019 của Malaysia.
Về quy trình cấp chứng nhận Halal, cơ sở cấp chứng nhận Halal sẽ xem xét đơn, nếu đáp ứng đủ yêu cầu sẽ tiến hành kiểm tra và thực hiện quy trình đánh giá. Chuyên gia đánh giá Halal trực tiếp đến nhà xưởng kiểm tra. Nếu sản phẩm được sản xuất phù hợp với các quy định, doanh nghiệp sẽ được cấp chứng nhận và tiến hành in logo Halal trên sản phẩm.
Sau khi cấp chứng nhận, các chuyên gia đánh giá Halal sẽ giám sát định kỳ hoặc đánh giá đột xuất, nếu doanh nghiệp không đạt yêu cầu có thể bị thu hồi chứng nhận.
“Chứng nhận Halal có thời hạn, vì vậy, doanh nghiệp cần xem xét và hoàn tất thủ tục gia hạn ít nhất 1 tháng trước khi hết hạn”, bà Bình khuyến nghị.
Xây dựng hệ sinh thái Halal để khai thác thị trường chục nghìn tỷ đô
Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông – Châu Phi nêu một loạt số liệu cho thấy tiềm năng lớn của thị trường các nước Hồi giáo. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt hơn 7.000 tỷ USD năm 2024, dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028, trong khi thị trường AI tới trước năm 2030 cũng chỉ đạt khoảng 2.000 tỷ USD. Tổng số người theo đạo Hồi năm 2024 khoảng 2,2 tỷ người, dự kiến tới năm 2030 sẽ đạt 2,8 tỷ người (30% dân số thế giới), tăng gấp đôi tốc độ gia tăng dân số của các tôn giáo khác.
Theo báo cáo của Dinar Standard 2023 về chi tiêu toàn cầu vào các lĩnh vực kinh tế Halal quan trọng, 7 ngành/lĩnh vực có thế mạnh nhất của nền kinh tế Hồi giáo gồm: mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch thân thiện với người Hồi giáo, truyền thông, giải trí Hồi giáo, thời trang, thực phẩm, tài chính.
Khá ngạc nhiên, những nước có nền công nghiệp xuất khẩu thịt bò, cừu, gà Halal lớn nhất thế giới không phải các nước Hồi giáo mà là Brazil, Úc, New Zealand… Những quốc gia có nền du lịch Halal mạnh lại là Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc…
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp, Đại học Ngoại thương hé lộ tin vui với nhiều doanh nghiệp Việt: “Mở được "cánh cửa" vào thị trường Halal đồng nghĩa tiếp cận 1/3 dân số và 1/2 sức mua của thế giới. Trong số gần 70 quốc gia Hồi giáo, nhiều nước không quá khắt khe như ta tưởng, có những thị trường rất dễ tính. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng chấp nhận ngay sản phẩm đã xuất được sang Indonesia. Không nên quá lo ngại chuyện có nhiều tiêu chuẩn Halal ở nhiều nước. Doanh nghiệp Việt hãy chịu khó tìm hiểu đặc trưng văn hóa, con người của từng quốc gia Hồi giáo, biết người biết ta sẽ trăm trận trăm thắng”.
Với góc nhìn của chuyên gia, PGS.TS Lê Phước Minh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi – Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu một số cơ hội lớn để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Halal: 62% dân số theo đạo Hồi ở châu Á; nông sản Việt có nhiều nguyên liệu dễ đạt chuẩn Halal (gạo, cà phê, trà, hải sản, gia vị, đậu, rau và trái cây…); nhiều FTA thế hệ mới chất lượng cao với các thị trường khắt khe (EU, Mỹ, Nhật…) là nền tảng tốt để Việt Nam tiếp cận thị trường Halal…
Những năm gần đây, hầu hết các nước trên thế giới đều có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm Halal. Tại Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh…, lượng người tiêu dùng mua sản phẩm Halal vượt xa lượng dân số người Hồi giáo ở nước đó.
“Không tiếp cận thị trường Halal đồng nghĩa bỏ qua cơ hội vàng trong phát triển. Nếu thị trường Halal mở ra sẽ đem lại cơ hội rất lớn về doanh số và giá cả cho doanh nghiệp Việt”, ông Minh nhận xét.
Tuy nhiên, ông Minh cũng chỉ rõ, trước mắt vẫn còn nhiều thách thức không nhỏ. Chẳng hạn, không nhiều người Việt, doanh nghiệp Việt biết về Halal; quá trình chứng nhận Halal tại Việt Nam vẫn phức tạp và chưa được hài hòa hóa với quốc tế; chi phí cao đối với các doanh nghiệp Việt khi đầu tư dây chuyền sản xuất, thiết bị chuyên dụng, nguồn nguyên liệu an toàn trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Halal; Việt Nam chỉ có khoảng 100.000 người Hồi giáo sinh sống, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, nên doanh nghiệp miền Bắc và miền Trung không có nhân lực đáp ứng chuẩn người Hồi giáo mong muốn…
Để Việt Nam đến năm 2030 có thể xuất hiện trong Top 15-20 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản phẩm Halal, PGS.TS Lê Phước Minh đề xuất một số giải pháp: Triển khai hiệu quả Đề án Quốc gia “Thúc đẩy hợp tác quốc tế phát triển ngành công nghiệp Halal của Việt Nam đến năm 2030”, tập trung đẩy mạnh “ngoại giao kinh tế” với các nước Hồi giáo; thiết lập hệ sinh thái Halal ở Việt Nam, thu hút cả FDI và đầu tư trong nước, thúc đẩy xuất khẩu Halal trong các lĩnh vực thực phẩm, nông sản, mỹ phẩm, du lịch, may mặc, giày dép…; đẩy mạnh chuyển đổi số và thương mại điện tử để xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Halal…
“Hiện chúng ta mới tham gia thị trường Halal theo kiểu du kích nhỏ lẻ. Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc, xây dựng nền tảng vững chắc để đánh trận chính quy”, ông Minh khuyến nghị.
“Nhiều quốc gia Hồi giáo đang xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Halal phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu (ISO, HACCP, FDA, GMC…). Những năm gần đây, số lượng tiêu chuẩn Halal có xu hướng tăng lên và bao gồm nhiều lĩnh vực hơn, tạo rào cản thương mại đáng kể đối với các quốc gia xuất khẩu không phải nước Hồi giáo”, PGS.TS Lê Phước Minh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi – Trung Đông lưu ý.