Thị trường Hàn Quốc hấp dẫn người lao động

Hàn Quốc là thị trường được lao động Việt Nam ưa thích do có điều kiện làm việc tốt và thu nhập cao. Đây cũng là một trong những thị trường trọng điểm, chất lượng của hoạt động xuất khẩu lao động tại Việt Nam. Phía Hàn Quốc dự kiến sẽ cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài thị thực E-9 vào làm việc trong ngành kinh doanh khách sạn và căn hộ cho thuê... Nếu chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài ở Hàn Quốc được mở rộng và chính thức triển khai, lao động Quảng Trị sẽ có nhiều hơn cơ hội lựa chọn ngành nghề xuất khẩu.

Gia đình anh Hoàng Kim Thủy ở xã Hải Khê, huyện Hải Lăng vui mừng khi các con đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định -Ảnh:T.B

Gia đình anh Hoàng Kim Thủy ở xã Hải Khê, huyện Hải Lăng vui mừng khi các con đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định -Ảnh:T.B

Tháng 8/2023, anh Nguyễn Văn Thân (sinh năm 1991), ở phường Đông Giang, TP. Đông Hà xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Hợp đồng anh Thân ký với một công ty đóng tàu thuộc tập đoàn Hyundai có thời gian 4 năm 10 tháng. Khác với lo lắng ban đầu, đến nay anh Thân hoàn toàn hài lòng với môi trường, công việc của mình ở Hàn Quốc.

Trước đây, học đến lớp 11 thì anh Thân nghỉ học và sau đó lập gia đình, có con sớm. Đến năm 2023, được sự động viên của ba mẹ và người thân, anh Thân tìm hiểu các thông tin về xuất khẩu lao động và mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh theo diện thân nhân người có công để sang Hàn Quốc làm việc. Công việc chính của anh là thợ cơ khí nên phù hợp với sức khỏe, tay nghề vì vốn ở nhà, anh cũng đã thạo nghề này. Với mức lương cơ bản 39 triệu đồng/tháng, anh Thân gửi về trả nợ và lo cho các con ăn học.

Thời điểm sau sự cố Formosa khiến môi trường biển bị ô nhiễm, nhiều ngư dân ở làng Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng rơi vào cảnh thất nghiệp. Thời điểm đó, anh Hoàng Kim Thủy (sinh năm 1995) đã có ý định xuất khẩu lao động nhưng vì gia đình không có tiền nên anh chưa thực hiện được mong muốn của mình.

Không lâu sau, em gái anh tiếp cận được thông tin về nguồn vốn vay xuất khẩu lao động dành cho thân nhân người có công nên đã tư vấn anh Thủy làm hồ sơ vay tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hải Lăng với lãi suất ưu đãi.

Với nguồn vốn vay 100 triệu đồng, cùng với vay mượn người thân, anh Thủy đã thực hiện được ước mơ của mình. Công việc đánh bắt cá ở Hàn Quốc khác rất nhiều so với công việc đánh bắt gần bờ trước đây anh Thủy vẫn thường làm. Tuy vậy, nhờ chăm chỉ và chịu khó học hỏi, anh bắt nhịp với công việc rất nhanh.

Hiện nay, hợp đồng của anh Thủy đã được gia hạn nên anh vẫn tiếp tục công việc ở Hàn Quốc. Năm 2023, em trai anh Thủy là Hoàng Kim Thuyên (sinh năm 1993) cũng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc làm công việc đánh bắt cá với mức lương cơ bản 30 triệu đồng/tháng.

Chị Hoàng Thị Thúy, em gái anh Thủy, cho biết: “Đến nay anh trai tôi trả xong nợ, xây nhà và tiếp tục tích lũy để có vốn sau này trở về quê làm ăn. Cậu út mới sang Hàn Quốc năm ngoái cũng đã ổn định cuộc sống. Nhờ xuất khẩu lao động mà các anh em tôi làm nhà, trả nợ, có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho ba mẹ”.

Thị trường Hàn Quốc ngày càng hấp dẫn lao động ở Việt Nam. Từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số lao động ở Quảng Trị tham dự kỳ thi để sang Hàn Quốc làm việc là 1.503 người, trong đó thi đạt và làm hồ sơ đăng ký dự tuyển là 466 người. Lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc 8 tháng đầu năm là 311 người. Tỉ lệ lao động đăng ký dự thi tăng gấp đôi năm 2023, số lao động thi đạt tăng khoảng 20%.

Trong năm 2024, phía Hàn Quốc tuyển chọn lao động Việt Nam sang làm việc ở các ngành nghề gồm: sản xuất chế tạo (lắp ráp, đo lường và nối); xây dựng (cốt thép, mộc); nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) và ngư nghiệp (nuôi trồng, đánh bắt gần bờ).

Dự kiến số lượng tuyển chọn trong năm 2024 là 15.374 người (trong đó ngành sản xuất chế tạo là 11.246 người; ngành xây dựng 200 người; ngành nông nghiệp 895 người; ngành ngư nghiệp 3.033 người).

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, cuối tháng 12/2023, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc quyết định mở rộng thí điểm, cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài thị thực E-9 vào làm việc trong ngành kinh doanh khách sạn và căn hộ cho thuê. Ngành nghề dự kiến triển khai gồm: nhân viên dọn dẹp vệ sinh và nhân viên phụ bếp.

Khu vực dự kiến thí điểm tuyển dụng tại 4 địa điểm du lịch chủ yếu của Hàn Quốc gồm: Seoul, Busan, Kangwon và Jeju. Như vậy, nếu Hàn Quốc chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam các ngành nghề này thì cơ hội việc làm của người lao động sẽ được mở rộng hơn.

Tuy nhiên, lợi dụng thông tin mở rộng chính sách tiếp nhận của Hàn Quốc, thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức đã quảng cáo, tuyển chọn trái quy định về việc đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành, nghề giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp, nhà hàng, bốc xếp bưu phẩm... theo thị thực E9-5.

Trong khi đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước chưa tiếp nhận và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của bất kỳ doanh nghiệp dịch vụ nào để đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành, nghề trên.

Vì vậy, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị người lao động tìm hiểu kỹ thông tin nếu có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc.

Cụ thể, người lao động cần liên hệ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi cư trú, Trung tâm Lao động ngoài nước, các doanh nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp giấy phép dịch vụ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tránh bị lừa đảo.

Thủy Ba

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thi-truong-han-quoc-hap-dan-nguoi-lao-dong-188439.htm