Thị trường là vấn đề mấu chốt hiện nay
Ngày 6-11, với sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội bắt đầu chương trình phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có thể thấy thị trường là vấn đề mấu chốt trong nền kinh tế hiện nay.
Thị trường có vai trò quyết định tới quá trình sản xuất, đầu ra cho sản phẩm và việc chống gian lận thương mại.
Khắc phục tình trạng được mùa mất giá: Mấu chốt là khâu chế biến, tổ chức thương mại
Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Ngô Thanh Danh (đoàn Đắc Nông), Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đề cập tới tình trạng nông sản Việt Nam liên tục "được mùa rớt giá" và đâu là giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề này.
Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm gần đây, sức sản xuất của nông nghiệp Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất của ngành nông nghiệp là khâu chế biến và tổ chức thương mại. Với tổng diện tích đất canh tác cả nước là 10 triệu héc-ta, Việt Nam đã tạo ra mức sản xuất lương thực 45 triệu tấn, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá… một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng. Như cây hồ tiêu, Việt Nam có khả năng cung cấp tới 350.000 tấn hạt tiêu, chiếm khoảng 60% sản lượng toàn thế giới, nên rơi vào tình trạng dư thừa. “Nếu không cải thiện được khâu chế biến và tổ chức thương mại thì không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Bây giờ bán hàng mới là quan trọng, tổ chức sản xuất không còn là số một", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu sản xuất mà không tốt thì lấy đâu sản phẩm tốt để bán, chế biến. Do đó, theo đại biểu, khâu tổ chức sản xuất phải là khâu gốc để nông nghiệp phát triển bền vững. Đáp lại tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, không coi nhẹ khâu sản xuất, mà hàm ý là cần đẩy mạnh mô hình chuỗi liên kết mới giảm được tình trạng được mùa mất giá. “Nếu hàng hóa không bảo đảm chất lượng thì ai người ta mua. Nhưng sản xuất tốt đến mấy mà coi nhẹ khâu chế biến, chỉ xuất khẩu thô như kiểu thanh long vừa rồi thì không bán được. Cùng với đó, trong điều kiện tổ chức sản xuất hiện nay thì thị trường là khâu khó nhất, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giãi bày.
Không gỡ được “thẻ vàng” sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thủy sản
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) về giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU) với thủy sản của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, ngày 23-10-2017, EU đã rút “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Theo đó, thủy-hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục, như đưa ra các văn bản, quy định theo khuyến nghị của EU. Đây là vấn đề không chỉ phù hợp với EU mà còn có lợi cho Việt Nam khi đưa từ khai thác tự phát sang khai thác bền vững.
Qua hai năm triển khai các biện pháp, Việt Nam được ghi nhận không còn vụ vi phạm hành vi khai thác trái phép nào trên toàn bộ tuyến Thái Bình Dương, các quốc đảo. Tuy nhiên, vi phạm vùng biển phía Nam vẫn còn. Cụ thể, năm 2019 còn tới 113 vụ, gồm hơn 180 ngư dân của 8 tỉnh còn vi phạm. Ngày 6-11, EU cử đoàn sang kiểm tra lần thứ hai đối với Việt Nam. Việt Nam cũng nêu quan điểm rõ ràng, khuyến nghị từ phía EU là trùng với hướng phấn đấu của Việt Nam, để giúp một nghề cá bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị, từng địa phương, doanh nghiệp phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để có thể thu hồi được "thẻ vàng" của EU. Đặc biệt, Bộ trưởng mong muốn bà con ngư dân vì danh dự của Việt Nam, vì quyền lợi lâu dài cũng phải thực hiện đúng quy định, chung tay tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng bền vững.
Chiều cùng ngày, tham gia giải trình trong phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã đề cập tới việc phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản. Trong đó, liên quan tới nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” với thủy sản, Phó thủ tướng cho biết, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu sẽ sớm trở lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá, xem xét có gỡ “thẻ vàng” hay không hoặc nâng cấp cảnh báo. Phó thủ tướng đề nghị các đại biểu Quốc hội phối hợp với các địa phương, các bộ, ngành tập trung triển khai những giải pháp, để có thể sớm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. “Nếu "thẻ vàng" không được gỡ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của ngành thủy sản Việt Nam và đời sống người dân”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở miền núi, vùng khó khăn
Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, các đại biểu Phạm Văn Tuân (đoàn Thái Bình), Võ Đình Tín (đoàn Đắc Nông) nhấn mạnh, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê. Tuy nhiên, sự chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng miền còn thể hiện rõ. Điều này cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp với đặc điểm vùng miền.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM qua 10 năm đạt được nhiều thành tựu toàn diện, bứt phá. Đến nay, cả nước có 52,4% số xã (khoảng 4.665 xã) đạt NTM. Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM ở các vùng, miền rất khác nhau. Miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn là khu vực trũng về công tác giáo dục, y tế; thu nhập của người dân, cơ sở hạ tầng vẫn thấp hơn các vùng khác. Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã giao ngành nông nghiệp cùng một số ngành liên quan tham mưu để giai đoạn 2021-2025 sẽ điều chỉnh về mặt chủ trương, nguồn lực và biện pháp chỉ đạo để cố gắng giảm dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, tiến tới đồng đều trong sự phát triển chung của đất nước.
Tham gia giải trình về việc nâng cao chất lượng y tế ở vùng khó khăn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bằng các đề án chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến Trung ương đến tuyến tỉnh, tuyến huyện và gần đây là tuyến xã, thì hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến huyện ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã có thể thực hiện được các kỹ thuật cao, bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên. Về nhân lực, Bộ Y tế đã có đề án chọn các bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá, đưa về các huyện nghèo trên cả nước; đào tạo mô hình bác sĩ gia đình cho các trạm y tế xã, nhưng để cải thiện toàn diện cần có thời gian. Về cơ sở kỹ thuật, bằng việc vay vốn ODA và có sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng gần 2.000 trạm y tế ở các xã khó khăn.
Ngăn chặn tình trạng hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt Nam
Thời gian cuối buổi chiều, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Trả lời chất vấn của đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn) về nguyên nhân và trách nhiệm của bộ trưởng khi tình trạng doanh nghiệp lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu ra nước khác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại được ký kết. Theo đó, hàng hóa của Việt Nam có các lợi thế về thuế quan, thị trường khi xuất khẩu sang những thị trường đối tác. Chính vì vậy, đã xuất hiện tình trạng hàng hóa các nước khác “đội lốt” xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu. Từ năm 2016, Bộ Công Thương, Chính phủ đã nhận thức rõ nguy cơ này khi một số sản phẩm có hiện tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam, như: Sản phẩm nhôm, thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày, gỗ dán, sản phẩm gỗ... Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành; đặc biệt phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chống lại hành vi này. Vừa qua, Chính phủ đã có đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. “Việt Nam không chậm trễ trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới gian lận xuất xứ hàng hóa, không gây ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Thiếu chủ động khi đón làn sóng đầu tư vào điện mặt trời
Đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai), Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) quan tâm tới vấn đề ồ ạt cấp phép dự án điện mặt trời, khiến Quy hoạch Điện VII bị phá vỡ và dẫn tới sự quá tải của hệ thống lưới điện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận khi lập Quy hoạch điện VII vào năm 2017, chưa dự kiến được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời, bởi thời điểm đó, công nghệ cũng như các điều kiện phát triển điện mặt trời chưa phổ biến để tạo đột biến. Liên quan tới việc quá tải hệ thống truyền tải điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, khi Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện thì nguồn lực đầu tư cho các dự án truyền tải điện còn hạn chế. Cùng với sự phát triển quá nhanh của điện mặt trời dẫn tới sự quá tải của hệ thống truyền tải điện, khiến các dự án điện mặt trời không giải tỏa hết công suất. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ, xin bổ sung dự án đường dây, trạm biến áp với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ giải tỏa công suất của các dự án điện mặt trời có thể lên đến 60-70% (hiện tỷ lệ này là 30-40%).
Ngày 7-11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/thi-truong-la-van-de-mau-chot-hien-nay-599253