Thị trường lao động Nhật Bản: Ưu tiên nhân lực có kỹ năng

Cùng với sự thăng hoa trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ở lĩnh vực thương mại, đầu tư… còn có hợp tác lao động, tính đến nay, Việt Nam đã cử trên 200 nghìn thực tập sinh sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản.

Kể từ tháng 4/2019, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập tư cách lưu trú mới là “kỹ năng đặc định” dành cho người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động tại Nhật Bản do tình trạng già hóa dân số. Ngày 1/7/2019, lãnh đạo cao cấp hai nước Việt Nam – Nhật Bản đã hoàn thành đàm phán và công bố Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) - khung pháp lý cơ bản triển khai chương trình “kỹ năng đặc định”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khác hoàn toàn với hình thức tu nghiệp sinh (thực tập sinh) của chương trình thực tập kỹ năng trước đây và chương trình vừa đi học vừa đi làm thêm, cơ chế “kỹ năng đặc định” nhằm tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài có chuyên môn, kỹ năng nhất định có khả năng làm việc ngay; và chỉ tập trung vào 14 ngành nghề thiếu hụt lao động tại Nhật Bản. Người lao động khi làm việc ở Nhật Bản sẽ được hưởng chính sách đãi ngộ tương đương với lao động người Nhật Bản trở lên. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho biết như vậy tại Hội thảo cung cấp thông tin về tư cách lưu trú mới “kỹ năng đặc định” cho người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở Nhật Bản vừa diễn ra mới đây.

Thông qua hội thảo, Đại sứ Nhật Bản vừa mong muốn nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của phía Việt Nam để các bạn trẻ Việt Nam có nguyện vọng đến Nhật Bản với tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định” sẽ có thêm những hiểu biết sâu sắc hơn về chương trình này trước khi tới Nhật Bản, họ không còn phải chi trả những khoản phí bất hợp lý, để không phải chịu gánh nặng nợ nần, để sau khi tới Nhật họ không phải làm việc trong môi trường không tương xứng…

Cùng với sự thăng hoa trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ở lĩnh vực thương mại, đầu tư… còn có hợp tác lao động, tính đến nay, Việt Nam đã cử trên 200 nghìn thực tập sinh sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản.

Riêng năm 2018, tổng số thực tập sinh Việt Nam được phái cử sang Nhật Bản đạt gần 70 nghìn người, chiếm hơn 50% số lượng thực tập sinh nước ngoài đưa vào Nhật Bản, Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu trong số 15 nước có lượng lớn thực tập sinh sang Nhật Bản, với tổng số trên 160 nghìn thực tập sinh. Rất đáng tiếc là Việt Nam lại đang chiếm vị trí số 1 về vụ tội phạm và số thực tập sinh bỏ trốn ở Nhật Bản.

Trong bối cảnh đó, hiện còn tồn tại những tổ chức môi giới và cơ quan phái cử kém chất lượng, những trường tiếng Nhật Bản và doanh nghiệp Nhật Bản kém chất lượng, biến các bạn trẻ Việt Nam đang ấp ủ ước mơ tới Nhật Bản thành những miếng mồi béo bở khiến họ phải mang theo gánh nặng nợ nần với số tiền lớn khi tới Nhật Bản.

Vì vậy, với sự hỗ trợ của Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Bộ phận quản lý cư trú, Ban hỗ trợ quản lý cư trú, Tổng cục Quản lý cư trú và xuất nhập cảnh Nhật Bản khi triển khai thực hiện MOC, sẽ góp phần giảm các hiện tượng trên, ông Phạm Viết Hương - Cục Quản lý lao động ngoài nước bày tỏ.

Về phía Việt Nam, nhằm triển khai thỏa thuận mới một cách có hiệu quả, Bộ LĐ-TB&XH có kế hoạch xây dựng đồng bộ các phương án triển khai gồm có phương án thông tin tuyên truyền sâu rộng để người lao động quan tâm có thể tiếp cận thông tin về chương trình cũng như hiểu được chính sách pháp luật của hai nước liên quan đến chương trình lao động kỹ năng đặc định; Lựa chọn các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đưa lao động kỹ năng đặc định sang làm việc tại Nhật Bản; Phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam và Nhật Bản để kiên quyết loại bỏ các đối tượng trung gian môi giới, du học trá hình... đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trái phép; Phối hợp với phía Nhật Bản tổ chức tốt các kỳ thi kiểm tra kỹ năng nghề và ngoại ngữ...

Nguyễn Hoa

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thi-truong-lao-dong-nhat-ban-uu-tien-nhan-luc-co-ky-nang-90440.html