Thị trường lao động, việc làm khởi sắc

Mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song thị trường lao động, việc làm trong những tháng đầu năm 2021 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Có được kết quả này là nhờ các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục; đồng thời cơ quan chức năng từng bước triển khai các 'kịch bản' mới để giữ việc làm đang có, tạo việc làm mới, giúp người lao động ổn định đời sống.

Doanh nghiệp phỏng vấn ứng viên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số 215 Trung Kính (quận Cầu Giấy).

Những tín hiệu tích cực

Chị Nguyễn Kiều Trang (tổ dân phố 6, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) cho biết, tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị khách sạn - nhà hàng vào tháng 8-2020, nhưng chị không tìm được việc làm đúng ngành được đào tạo, do lĩnh vực này bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Sau thời gian dài nỗ lực tìm việc, đầu tháng 3-2021, chị Trang đã có được công việc như mong muốn.

Theo ước tính, trong quý I-2021, Hà Nội có 30.000-40.000 lao động đã tiếp cận được cơ hội việc làm mới. Tín hiệu tích cực của thị trường lao động, việc làm cũng thể hiện rõ qua số lượng lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm, số công việc chờ người lao động tăng.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Tạ Văn Thảo thông tin: “Từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng, hệ thống sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố ghi nhận 4.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm sâu so với năm 2020 (7.000 người nộp hồ sơ/tháng). Cũng tại hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội, trung tâm đã tiếp nhận hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 3.000 vị trí việc làm mới, với mức thu nhập 5-25 triệu đồng/người/tháng”.

Thông thường, tình trạng người lao động “nhảy việc”, bỏ việc diễn ra nhiều vào quý I hằng năm, nhưng năm nay ít xảy ra. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) Phan Thanh Hải, nhân sự ít biến động là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Không riêng thành phố Hà Nội, thị trường lao động, việc làm đang khởi sắc trên địa bàn cả nước. Cụ thể, tại tỉnh Hà Nam, nhu cầu tuyển dụng lao động đang lớn hơn nguồn cung. Tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, như: Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh…, người lao động cũng dễ tìm được việc làm hơn so với năm 2020.

Quý I-2021, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) hoạt động ổn định, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Triển khai linh hoạt các giải pháp

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, thị trường việc làm dần khởi sắc là nhờ những giải pháp được triển khai linh hoạt nhằm ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đến lĩnh vực lao động, việc làm. Tại Hà Nội, để giải quyết việc làm mới cho ít nhất 160.000 lao động trong năm 2021, các cơ quan chức năng đã bám sát hai giải pháp, đó là: Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Theo đó, các đơn vị, địa phương đổi mới hoạt động của hệ thống trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm; ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích thị trường lao động. Từ đó, đưa ra dự báo chính xác về nhu cầu sử dụng lao động theo từng ngành, nghề, lĩnh vực, làm căn cứ để tổ chức đào tạo nghề cho phù hợp. Về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, Hà Nội tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề; tiếp cận với các chính sách ưu đãi nhằm duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, hạn chế tình trạng người lao động bị thất nghiệp. Về phía người lao động, những người có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm, nếu đủ điều kiện sẽ được ưu tiên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi…

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, việc triển khai các giải pháp phù hợp với tình hình mới thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng tích cực giúp huyện giải quyết việc làm mới cho 1.000 lao động trong 3 tháng đầu năm. Huyện đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho ít nhất 5.100 lao động trong năm nay.

Cách làm của thành phố Hà Nội cũng được nhiều tỉnh, thành phố triển khai nhằm tăng tính hấp dẫn của thị trường lao động, việc làm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,5%, chưa đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp.

Để thúc đẩy thị trường lao động, việc làm phát triển cả về chất và lượng, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng bổ sung nguồn lực để đào tạo, đào tạo lại, nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, nhất là với lao động thất nghiệp hoặc có nguy cơ bị mất việc làm… Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Bộ đã đề xuất Chính phủ trích 6.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại cho nhóm lao động trong doanh nghiệp có nguy cơ bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với nhóm lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định nâng mức hỗ trợ tối đa cho người tham gia học nghề từ 3 triệu đồng/người/khóa đào tạo ở thời điểm hiện nay, lên mức 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo…

Minh Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/994343/thi-truong-lao-dong-viec-lam-khoi-sac