Thị trường máy nông nghiệp: Khó cạnh tranh do đâu?

Khó cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc là tình cảnh hiện nay của thị trường máy nông nghiệp Việt Nam, do giá thành cao bởi các chính sách bất cập về thuế và việc cho phép nhập khẩu máy móc nông nghiệp qua sử dụng không có qui định thời hạn và tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật…

Sản phẩm máy nông nghiệp sản xuất trong nước.

Sản phẩm máy nông nghiệp sản xuất trong nước.

SẢN PHẨM NGOẠI “KHỐNG CHẾ” 70% THỊ TRƯỜNG

Hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu gần 70% máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan ... Hiện máy móc phục vụ nông nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm gần 30% thị phần thị trường trong nước

Nếu so sánh cùng chủng loại, máy sản xuất trong nước đắt hơn của Trung Quốc từ 20 - 30%.

Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 (có thời hạn cấp hạn mức tín dụng áp dụng đến năm 2020) về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp nhằm khuyến khích người dân sử dụng máy nông nghiệp sản xuất trong nước qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất cơ khí máy nông nghiệp trong nước. (hỗ trợ vốn vay mua máy móc nông nghiệp).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn gặp khó khăn về công nghệ, thị trường, nguồn lực đầu tư cho cơ khí, luyện kim còn thấp nên các thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vẫn chưa tự chủ được. Thêm vào đó là chính sách trong Luật thuế VAT qui định máy móc nông nghiệp không phải là đối tượng của thuế VAT đã khiến giá thành sản phẩm trong nước sản xuất cao hơn sản phẩm nhập khẩu vào thị trường trong nước (do giá thành phải tăng thêm do gánh thuế VAT đầu vào không được hoàn)

Đó là còn chưa kể đến các sản phẩm của Nước ngoài đã qua sử dụng được nhập khẩu vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch và cả nhập lậu.

Ông Lê Việt Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Động Cơ Và Máy Nông Nghiệp Miền Nam (SVEAM) chia sẻ: Sản phẩm của chúng tôi có lợi thế về chất lượng và giao hàng, nhưng lại khó cạnh tranh đối đầu với hàng nhập khẩu phân khúc giá rẻ của Trung Quốc và hàng nhập khẩu đã qua sử dụng của nước ngoài. Giá bán ra của chúng tôi cao hơn so với loại sản phẩm cùng loại nhập khẩu, mà nguyên do một phần là do chính sách thuế VAT hiện nay.

NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH CỦA SẢN PHẨM TRONG NƯỚC

Hiện Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam-CTCP (VEAM) là doanh nghiệp cơ khí, sản xuất máy nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ lớn nhất trong nước, nhưng sản phẩm của doanh nghiệp này vẫn khó cạnh tranh được với sản phẩm của Trung Quốc.

Mặc dù thị trường đã có những tín hiệu khởi sắc nhờ những chính sách hỗ trợ, cùng với đó các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cũng được nhà nước quan tâm, triển khai rộng rãi hơn tại các địa phương, nhưng các sản phẩm máy nông nghiệp vẫn tiếp tục xu hướng sụt giảm trong vài năm gần trở lại đây.

Cụ thể theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của VEAM so với cùng kỳ năm 2021, tình hình tiêu thụ các sản phẩm động cơ giảm 33%, máy kéo giảm 66%, máy xay xát giảm 25%, máy phát điện giảm 50%, bơm nước giảm 42%, máy cắt lúa giảm 59% và hầu hết các sản phẩm đều đạt dưới 50% kế hoạch.

Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, thị trường máy nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng khó cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc, ngoài thuế VAT, một phần khó khăn không nhỏ tác động đến giá thành sản xuất cao bởi các chính sách về giá thuê đất của doanh nghiệp đang được điều chỉnh tăng nhiều lần khiến cho các đơn vị sản xuất trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

“Các doanh nghiệp đang mong chờ từ Chính phủ một chính sách đồng bộ cho lĩnh vực này, bao gồm tăng thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Quốc, miễn giảm tiền thuê đất cho Doanh nghiệp, điều chính chính sách thuế VAT theo hướng đưa mặt hàng máy móc phục vụ ngành nông nghiệp về chịu thuế VAT và áp dụng mức thuế thấp. Đứng trên tổng thể lợi ích nền kinh tế điều này sẽ làm hài hòa lợi ích cũng như hỗ trợ tốt cho nông nghiệp, nông dân”, ông Lê Việt Hùng đề nghị.

Trong khi chính sách thuế chưa thay đổi và để tồn tại, các doanh nghiệp cơ khí sản xuất máy nông nghiệp vẫn đang phải tự tìm hướng đi cho mình. Ông Lê Việt Hùng cho rằng: Việc tìm cách giảm chi phí sản xuất là việc làm thường xuyên như tiết kiệm vật tư, tăng năng suất, tính toán cẩn thận khi đầu tư thiết bị. Tuy nhiên, giảm giá bằng cách giảm chất lượng để tương ứng với sản phẩm nhập giá rẻ là không phù hợp, không khả thi, bởi vì nhiều loại sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn là của các dây chuyền sản xuất có sẵn cách đây vài chục năm. Vì vậy, sản phẩm của chúng tôi vẫn duy trì ở một phân khúc cao hơn, giá cao hơn và tiêu thụ với số lượng ít hơn.

Theo ông Lê Việt Hùng, cần có sân chơi công bằng, sản phẩm sản xuất trong nước không thể cạnh tranh được khi mà thuế nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc vào có thuế VAT bằng 0% dẫn đến các sản phẩm bán ra không phải chịu thuế thì giá đã thấp hơn các sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước (do phải chịu thuế VAT đầu vào sản xuất). Cùng với đó, Trung Quốc có những chính sách ưu đãi thuế xuất khẩu nhất định với các sản phẩm được xuất đi các nước trong khu vực, do vậy các sản phẩm của họ luôn có giá tốt, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giá thành các sản phẩm máy nông nghiệp của Trung Quốc rẻ hơn của Việt Nam sản xuất.

“Về mặt sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực cạnh tranh, hiện chúng tôi hoàn toàn có thể thiết kế những sản phẩm có tính năng kỹ thuật ưu việt hơn phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước hơn các sản phẩm Trung Quốc”, ông Hùng khẳng định.

Các doanh nghiệp trong nước đang tự chủ đổi mới công nghệ, cạnh tranh bằng chất lượng và dịch vụ.

Các doanh nghiệp trong nước đang tự chủ đổi mới công nghệ, cạnh tranh bằng chất lượng và dịch vụ.

Tuấn Sơn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thi-truong-may-nong-nghiep-kho-canh-tranh-do-dau.htm