Thi vào lớp 10: Sao cho không còn điểm thấp đỗ, điểm cao trượt

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tại một số địa phương vẫn xảy ra nghịch lý: HS dù điểm cao nhưng vẫn trượt công lập, trong khi điểm thấp hơn lại đỗ...

Thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 năm 2024, tại Hà Nội. Ảnh: ITN

Thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 năm 2024, tại Hà Nội. Ảnh: ITN

Đâu là nguyên nhân và cách nào để khắc phục tình trạng này?

Nguyên nhân từ đâu?

Nghịch lý “điểm thấp đỗ, điểm cao trượt” được cô Vũ Anh Tú - Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội) phân tích từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo đó, về khách quan, thực trạng này chủ yếu xảy ra ở các quận nội thành, đông thí sinh, ít trường THPT công lập. Học sinh điểm cao vẫn trượt phản ánh số thí sinh tập trung đăng ký đông vào các trường công lập tốp đầu, chủ yếu khoảng 10 trường.

Thí sinh được đăng ký 3 nguyện vọng dẫn đến nhiều em cố chọn lựa các trường đông, vượt quá năng lực. Còn thí sinh điểm thấp đỗ chủ yếu do xác định đúng trường, khả năng học tập nên việc phân hóa nguyện vọng đăng ký có xu hướng rõ ràng. Về chủ quan, vẫn có hiện tượng học sinh đăng ký năm sau tránh trường lấy điểm cao năm trước, dồn nguyện vọng vào trường có điểm chuẩn thấp dẫn đến việc đẩy điểm kỳ tuyển sinh năm sau lên cao.

Cho rằng, việc này không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục, cô Vũ Anh Tú cho rằng, trên thực tế, nhiều thí sinh trường công lập ngoại thành có đầu vào thấp vẫn đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học. Trường tư thục dù có sự phân hóa trong điểm tuyển sinh đầu vào so với trường công nhưng kết quả đầu ra đạt hiệu quả cao hơn rõ rệt. Điều này cho thấy, nếu nhà trường có nền nếp dạy và học, đầu tư và hỗ trợ quản lý giảng dạy tốt sẽ đồng hành với học sinh trong học tập và định hướng nghề nghiệp.

Từ thực tiễn, thầy Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho rằng, với quy trình thi và chọn nguyện vọng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hiện nay, nếu học sinh không biết lượng sức mình, đặt nguyện vọng không phù hợp, chưa có phương án dự phòng, thì điểm ở mức cao vẫn có thể trượt. Ngược lại, học sinh biết sức mình, có tham khảo thông tin các năm trước, đặt nguyện vọng vừa sức thì điểm thấp vẫn có thể đỗ.

Với thầy Giang Ngọc Ảnh - Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy, Thái Bình), hiện tượng học sinh thi vào lớp 10 đạt điểm cao nhưng vẫn trượt có nguyên nhân từ việc thí sinh tập trung đăng ký nguyện vọng vào một trường (do dân số đông, thường ở đô thị, khu công nghiệp…).

Trong khi đó, số lượng chỉ tiêu được sở GD&ĐT phê duyệt ít hơn nhu cầu. Cũng có thể đây là trường THPT nhiều thầy cô dạy giỏi, truyền thống dạy học và cơ sở vật chất tốt, thuận lợi giao thông… nên có sức hút với học sinh. Ngược lại, thí sinh điểm thấp vẫn đỗ thường bởi các em đặt nguyện vọng vào trường ít học sinh giỏi đăng ký và số lượng chỉ tiêu được duyệt cao so với nhu cầu.

 Học sinh lớp 9A3, Trường THCS & THPT Phenikaa trong giờ học ôn thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTCC

Học sinh lớp 9A3, Trường THCS & THPT Phenikaa trong giờ học ôn thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Ảnh: NTCC

Sát sao tư vấn, cẩn trọng chọn nguyện vọng

Nếu vẫn giữ quy trình thi và đăng ký nguyện vọng như hiện nay, theo thầy Trần Nam Dũng, các trường cần có công tác tư vấn thi và đặt nguyện vọng kỹ, cẩn thận hơn; có số liệu điểm chuẩn các năm để đối sánh, kiểm tra chất lượng, thi thử để biết sức học sinh.

Về phía trò cần nghe tư vấn cẩn thận và luôn có phương án dự phòng phù hợp. Có thể nghiên cứu phương án cho phép học sinh đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm thi. Cách này khó thực hiện, nếu muốn làm nhanh có thể phải dùng phương án trực tuyến. “Dù thế nào thì đặt nguyện vọng cũng là bài toán học sinh phải tập trung để đưa ra quyết định phù hợp và có phương án dự phòng”, thầy Trần Nam Dũng nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ giải pháp, cô Vũ Anh Tú cho rằng, trước hết, cần công khai thống kê dữ liệu thí sinh dự thi theo khu vực để phụ huynh cập nhật, từ đó có cái nhìn tổng quan. Đồng thời hỗ trợ việc phân luồng cho khối giáo dục ngoài công lập, thống kê chất lượng giáo dục của khối này trên các kênh thông tin của sở GD&ĐT, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần giảm bớt áp lực lên khối công lập.

Thầy Giang Ngọc Ảnh đề xuất giải pháp bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường THPT có số lượng đăng ký đông, điểm chuẩn cao; song song với việc tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung phòng học, giáo viên và các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu khi tăng chỉ tiêu. Tạm thời giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường có ít học sinh đăng ký, điểm chuẩn thấp cho năm tiếp theo.

Những trường này cần nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường cơ sở vật chất để thu hút nhiều giáo viên giỏi đến dạy, học sinh đến học tập. Quan tâm xây dựng các tuyến đường giao thông thuận lợi để cả người dạy, người học đến trường thuận lợi. Cùng đó, công tác tư vấn của gia đình, thầy cô, nhà trường vô cùng quan trọng, giúp học sinh đăng ký được nguyện vọng vào trường phù hợp.

Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thi tuyển sinh đầu vào. Thông thường, học sinh điểm thi cao hơn sẽ có khả năng học tốt hơn, nhưng quy trình và quy định đặt ra thì phải tuân thủ. Dù sao số học sinh điểm cao mà vẫn rớt chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nên không ảnh hưởng quá lớn. - Thầy Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TPHCM.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thi-vao-lop-10-sao-cho-khong-con-diem-thap-do-diem-cao-truot-post690930.html