Thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả

Là một trong tám địa phương được Bộ Y tế đánh giá áp dụng biện pháp chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất nước, từ ngày 30/9, tỉnh Sóc Trăng đã khẩn trương triển khai áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch theo cơ chế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Thành phố Sóc Trăng sau khi chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Thành phố Sóc Trăng sau khi chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh miền nam, Sóc Trăng là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, số ca mắc Covid-19 tăng vọt. Ngày 19/7, tỉnh nhanh chóng áp dụng giãn cách xã hội theo mức độ cao nhất theo Chỉ thị 16 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Với mong muốn tạo “vùng xanh” cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 quyết định khẩn trương chi viện, tiếp ứng cho các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ, trong đó có Sóc Trăng. Ngày 15/8, tỉnh áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo mức độ nguy cơ, chia thành bốn vùng, tương ứng mức “bình thường mới” cho vùng xanh, “nguy cơ” cho vùng vàng, “nguy cơ cao” là vùng cam và “nguy cơ rất cao” là vùng đỏ. Chỉ sau 10 ngày thực hiện, Sóc Trăng được đánh giá là tỉnh thành công nhất trong 19 tỉnh, thành phố áp dụng biện pháp này. Qua đánh giá của Nhóm phối hợp Tổ công tác của Bộ Y tế, số xã, phường, thị trấn thay đổi mức nguy cơ dịch Covid-19 rất khả quan. Đồng chí Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng nhận định: Sóc Trăng là tỉnh nghèo, nếu kéo dài giãn cách, đời sống kinh tế nhân dân sẽ rất khó khăn, nguy cơ gây bất ổn xã hội. Việc áp dụng biện pháp này tạo điều kiện cho người dân được đi lại và nông dân, doanh nghiệp duy trì chuỗi sản xuất, kinh doanh.

Thành công của công tác phòng, chống Covid-19 đã giúp Sóc Trăng chuyển sang trạng thái “bình thường mới” một cách hiệu quả từ ngày 15/9. Tại các tuyến đường trung tâm TP Sóc Trăng cũng như các huyện, thị xã, các phương tiện giao thông được phép lưu hành trật tự. Chợ truyền thống cũng tiếp tục được hoạt động để phục vụ người dân, thực hiện phân luồng ra, vào chợ bảo đảm an toàn. Các địa phương còn phát phiếu cho người dân đi mua thực phẩm theo ngày để không tụ tập đông; người bán, người mua đều chấp hành nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế… Ông Quách Hải Đăng, tiểu thương tại chợ Sóc Trăng đồng tình với biện pháp phòng, chống dịch của địa phương: “Hằng ngày cán bộ phường thường xuyên nhắc nhở, thông tin tuyên truyền cho mọi người nâng cao ý thức phòng ngừa dịch Covid-19. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho người dân hoạt động kinh doanh, dịch vụ, cho nên tiểu thương chúng tôi chấp hành tốt và hưởng ứng kêu gọi của chính quyền, hỗ trợ người gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19”.

Tại các vùng nông thôn, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, người dân có ý thức chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch ngay cả khi thu hoạch vụ mùa. Nhiều công nhân ở lại các đơn vị sản xuất để phòng, chống dịch trong thời gian dài. Bí thư Đảng ủy xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), Tăng Trung Bảo cho biết, ý thức người dân trong phòng, chống dịch Covid-19 ngày càng nâng lên, thể hiện không chỉ ở việc chấp hành nghiêm các quy định mà còn tự giác vận động gia đình, phum sóc chủ động khai báo y tế, vận động người thân tự giác đi cách ly khi trở về từ vùng có dịch. Nhờ vậy, Tham Đôn sớm được tháo dỡ phong tỏa và trở thành vùng xanh chỉ trong thời gian ngắn.

Sóc Trăng cũng là địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Tỉnh đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho gần 36.000 người lao động, với hơn 2,7 tỷ đồng... Hỗ trợ trực tiếp gần 96 tỷ đồng cho 63.653 người lao động, người điều trị, cách ly y tế và hộ kinh doanh. Tặng gần 3 tấn gạo cho 194.739 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trả lương cho công nhân… Đến thời điểm này, tổng số tiền tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của các cấp trong tỉnh là gần 40 tỷ đồng. Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, các cơ sở tôn giáo còn tổ chức vận động hơn 1.216 tấn gạo; 56.381 phần quà; 26.073 thùng mì; 3.128 chai nước sát khuẩn; 6.820 hộp khẩu trang; 857,964 tấn hàng hóa, thực phẩm thiết yếu các loại; 80.800 hột gà; 143.711 bữa ăn, 850 lốc nước suối... với tổng trị giá hơn 49 tỷ đồng.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến nay, sau 15 ngày áp dụng cơ chế “bình thường mới”, tỉnh đã kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi chuỗi sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp với tình hình của địa phương, tỉnh sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc áp dụng cơ chế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đến nay trong số 1.259 ca nhiễm Covid-19, tỉnh đã điều trị khỏi và cho xuất viện 835 ca; số người chết do các bệnh lý nền là 22 ca, còn đang điều trị 402 ca. Đã có 49 trong số 53 vùng, khu vực cách ly y tế đã kết thúc thời gian cách ly hiệu quả.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Sóc Trăng, sau khi áp dụng cơ chế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hầu hết hoạt động xã hội và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đi lại, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được phép thực hiện trong điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Biện pháp đối với các hoạt động được áp dụng theo bốn cấp tương ứng với quy định vùng từ mầu xanh đến mầu đỏ. Sóc Trăng tăng cường giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, siết chặt các chốt kiểm soát nhằm giữ vững vùng xanh. Tiếp tục nâng cao năng lực y tế, tổ chức tốt các khu cách ly y tế tập trung, lực lượng phản ứng nhanh để thần tốc điều tra, truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm khi có các ổ dịch mới nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng để bảo vệ, mở rộng vùng xanh, giữ vững thành quả phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Tỉnh cũng chú trọng thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin bảo đảm tiến độ, an toàn và đón công dân về địa phương an toàn. Song song đó, triển khai kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình xây dựng cơ bản gắn với yêu cầu phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện các chính sách của Chính phủ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Thu hoạch tôm nước lợ năm 2021 tại huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Thu hoạch tôm nước lợ năm 2021 tại huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

NGUYỄN PHONG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/thich-ung-an-toan-kiem-soat-dich-hieu-qua-667467/