Thích ứng với tình hình dịch bệnh

Hôm qua, số ca mắc Covid-19 ở nước ta đạt con số kỷ lục mới với 2.934 ca, trong đó riêng thành phố Hồ Chí Minh có tới 2.229 ca. Trong ngày cũng có 3 trường hợp (2 ở thành phố Hồ Chí Minh và 1 ở Long An) tử vong. Dịch bệnh vẫn đang bùng phát mạnh ở khu vực phía Nam dù nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội.

Trước diễn biến mới này, Bộ Y tế, các địa phương đã nhanh chóng có biện pháp để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh xâm nhập vào khu chế xuất, khu công nghiệp, để khống chế, không cho dịch bệnh lây lan, thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đóng cửa các doanh nghiệp có ca dương tính với Coivd-19 và chỉ được sản xuất kinh doanh trở lại khi đủ điều kiện an toàn và sự cho phép của cơ quan chức năng.

Tỉnh Đồng Nai cũng tạm thời dừng hoạt động của một số doanh nghiệp để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Cùng với Bình Dương, đây là những tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp và có đông công nhân lao động ở khu vực phía Nam. Để dịch bệnh lây lan sẽ rất nguy hiểm và mức độ thiệt hại khó lường hết được.

Đóng cửa một số công ty vào lúc này không chỉ thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, ngân sách địa phương mà còn tăng gánh nặng an sinh bởi lực lượng lao động mất việc làm, trong đó có những công ty lớn có tới mấy chục nghìn công nhân. Nhưng biện pháp cứng rắn này rất cần thiết để bảo vệ hàng nghìn công ty và hàng triệu lao động trong các khu công nghiệp ở khu vực này.

Trong phòng, chống dịch những địa phương có số ca mắc Covid-19 lớn như thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống y tế đã quá tải dù được Bộ Y tế và các địa phương trong cả nước chi viện. Trong khi số ca mắc mới tiếp tục tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại, nếu tiếp tục áp dụng biện pháp cách ly, điều trị như trước hệ thống y tế, các cơ sở cách ly tập trung không thể “gánh” được.

Và nguy hiểm hơn là nếu tập trung đông bệnh nhân và người cách ly tại các cơ sở này, nguy cơ lây nhiễm chéo rất lớn. Tình trạng này đã xảy ra với một số bệnh viện, cơ sở cách ly tập trung ngay từ đầu đợt dịch thứ tư này.

Hơn nữa, ở tình huống xấu hơn, khi số người mắc cứ tiếp tục tăng mạnh thì chúng ta không thể đủ nơi để cách ly và điều trị. Vì vậy phải có sự điều chỉnh biện pháp cách ly, điều trị cho phù hợp với tình hình mới của dịch bệnh.

Hôm qua, Bộ Y tế đã có Văn bản số 5599 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tại văn bản này, Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung liên quan đến thời gian cách ly y tế, thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) và quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19 (F0).

Theo đó, giảm thời gian cách ly từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo.

Đặc biệt cần thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly, bàn giao và theo dõi, giám sát y tế sau cách ly đảm bảo không để lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng

Về thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 cho đối tượng F1 thay thế cho Hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn số 5152.

Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh nghiên cứu triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà; căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương có thể điều chỉnh hướng dẫn cho phù hợp.

Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc triển khai; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện.Sau khi thí điểm, tổ chức đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và xem xét triển khai trên quy mô rộng hơn.

Về quản lý điều trị, để giảm số lượng người bệnh Covid-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh xem xét và chỉ đạo thực hiện một số nội dung.

Với các bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế có thể cho xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày.

Với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng: nếu có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) thì đưa vào cơ sở y tế cách ly và theo dõi, sau 24h làm lại xét nghiệm nếu tiếp tục có tải lượng vi rút thấp (giá trị CT ≥ 30) hoặc kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì cho bệnh nhân xuất viện và thực hiện giám sát y tế như trên.

Đối với người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế và trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày, nếu có tái dương tính thì không cần cách ly điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.

Đây là những nội dung rất mới nên cần thí điểm trước khi triển khai trên diện rộng. Nếu thực hiện tốt nhưng biện pháp này sẽ giảm áp lực rất lớn về cách ly, điều trị cho bệnh nhân và người tiếp xúc. Cuộc chiến với dịch bệnh còn dài, thích ứng nhanh với diễn biến là việc làm cần thiết để khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Xuân Hòa

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/64748/thich-ung-voi-tinh-hinh-dich-benh.html