Thiên chức làm mẹ
Tấm lòng người mẹ - Kỳ 1
Nhìn “thiên thần” bé nhỏ mới ra đời, người mẹ nở nụ cười tươi, bao nhiêu nỗi vất vả, khó khăn, đau đớn suốt thời gian mang thai và sinh con tan dần. Nhìn thấy con lớn lên, trưởng thành và có cuộc sống ổn định, lúc ấy những vết chai sần trên đôi tay của mẹ, những năm tháng gian truân có cả máu và nước mắt cũng nhạt phai, còn lại đây là niềm hạnh phúc tràn đầy trong người mẹ. Nhiều người sẽ hỏi rằng, động lực nào để người phụ nữ làm mẹ vượt qua những điều đó và nhìn những người phụ nữ sống hết mình vì con, chúng ta sẽ có câu trả lời đó là thiên chức làm mẹ.
“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”
Buồn thương cho câu ca dao “Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Chỉ có những người phụ nữ từng trải mới hiểu thấu hết được hàm ý sự “mồ côi” khi “vượt biển” một mình. Bác sĩ chuyên khoa 1 Dương Thị Hoàng Yến – Trưởng Khoa Khám - Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi tỉnh chia sẻ: “Những sản phụ đến bệnh viện sinh con thường có người thân bên cạnh nhưng khi vào phòng sinh thì chỉ có một mình với y, bác sĩ bệnh viện. Cho nên, trước lúc sản phụ “vượt cạn”, chúng tôi luôn tạo cho sản phụ tâm lý thoải mái, không hoang mang, lo sợ, đây là một trong những yếu tố quyết định thành công của quá trình “vượt cạn”. Tuy nhiên, chúng tôi không thể nào giảm bớt cơn đau cho sản phụ khi chuyển dạ và những đau đớn khi sinh con. Sau khi bé ra đời, sản phụ cũng phải gồng mình chịu đựng cơn đau sau khi sinh”.
Bà mẹ trẻ Tất Huệ Mẫn, ở thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên) hạnh phúc khi thấy con khỏe mạnh, lớn lên từng ngày. Ảnh: Hoài Thương
Ôm đứa con đã hơn 4 tháng tuổi trong lòng, bà mẹ trẻ Tất Huệ Mẫn, ở thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên) cảm thấy cả bầu trời hạnh phúc. Nhưng chị vẫn không quên giây phút lần gặp con đầu tiên. “Do thời gian đầu mang thai, thai yếu, phải nằm ở nhà uống thuốc dưỡng, không được di chuyển nhiều. Khi sinh, em sinh mổ, bé bị nhiễm ối nên bé được đưa vào phòng chăm sóc riêng, nằm tách riêng với mẹ. Có ai tưởng tượng được sự lo lắng của em lúc đó, em đã chịu đựng tất cả đau đớn, khó khăn, chỉ muốn được thấy con mạnh khỏe ra đời. Buồn nhiều, ngày nào em cũng lê từng bước chân yếu ớt để đi thăm con, em ở trên lầu, con ở tầng dưới, nhìn con mà tim em như thắt lại” - chị Mẫn trải lòng.
Với Nguyễn Thị Ngọc, người phụ nữ bị khuyết tật bẩm sinh, ánh sáng trước mắt em chỉ là màu tối khi em mới chào đời. Nên khi hay mình mang thai, em rất lo sợ không biết mình có thể lo được cho con. Ngọc giải bày: “Sau khi sinh xong, quên đau đớn, em hỏi nhanh: “Bác sĩ ơi, con em có dị tật gì không”, khi bác sĩ bảo con em khỏe mạnh, bình thường, thì em mới vỡ òa hạnh phúc. Khi gặp con, em đưa tay sờ khắp người con và cảm thấy ấm lòng. Hai vợ chồng em đều bị mù, nên em sợ con bị di truyền. Biết là sinh con sẽ khó nhọc nhưng em cũng muốn được làm mẹ. Sinh con chỉ là khởi đầu, vì em không thấy đường nên lúc chăm sóc con nhiều cái bất tiện. Trước đó, em cũng nghe đài hướng dẫn cách chăm bé, nhưng khi gặp thực tế thì không như mình tưởng tượng. Buồn thiệt nhiều khi thấy mình vụng về nhưng nghĩ đến con em cũng cố làm cho bằng được”.
Sự hy sinh của người phụ nữ
Nhiều chị em sau khi trải qua sinh nở đều than thở là cơ thể dần yếu đi, mau quên và trong thời kỳ sau sinh, do oằn mình chăm sóc cho con mà không có thời gian nghỉ ngơi nên sức khỏe giảm sút, dễ nhiễm bệnh khi thời tiết thay đổi, thường xuyên đau nhức khắp người… Và không ít chị em phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh. Bác sĩ chuyên khoa 1 Dương Thị Hoàng Yến cho biết: “Những người nhà nếu quan tâm, chia sẻ thì sẽ giúp chị em sau khi sinh giảm bớt mệt mỏi, căng thẳng chăm sóc con. Tuy nhiên, một số gia đình, phụ nữ sinh xong bắt kiêng cữ ăn uống, khiến chị em cơ thể suy nhược, thức khuya, ngủ không đủ giấc, dễ tủi thân, khóc nhiều… dẫn đến trầm cảm. Phụ nữ đi làm sớm, làm công việc nặng nhọc dễ ảnh hưởng đến sức khỏe”. Vẫn còn nhiều điều đến với người mẹ sau sinh, nhưng vì đứa con của mình, người mẹ sẵn sàng đón nhận, miễn sao đứa trẻ lớn khôn mỗi ngày.
Con cái là quan trọng nhất nên có những bà mẹ từ chối điều trị bệnh ung thư khi biết mình đang mang thai để cho con sự sống. Những người mẹ ấy dù chịu đau đớn khắp cơ thể, bất chấp cả mạng sống để nhường lại cuộc đời và những điều tốt đẹp nhất cho con... Những người mẹ ấy đã chiến đấu với căn bệnh quái ác đến hơi thở cuối cùng để ấp ủ ước mơ nho nhỏ, nhìn thấy mặt con trước khi ra đi mãi mãi. Và vẫn còn nhiều câu chuyện kể về những người mẹ, sống chỉ biết vì con, cho con đến hết cuộc đời.
Hoài Thương
(Còn tiếp)
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/thien-chuc-lam-me-35963.html