Thiên chức làm mẹ

'Con đi trường học, mẹ đi trường đời' - Kỳ 2

Nhìn “thiên thần” bé nhỏ mới ra đời, người mẹ nở nụ cười tươi, bao nhiêu nỗi vất vả, khó khăn, đau đớn suốt thời gian mang thai và sinh con tan dần. Nhìn thấy con lớn lên, trưởng thành và có cuộc sống ổn định, lúc ấy những vết chai sần trên đôi tay của mẹ, những năm tháng gian truân có cả máu và nước mắt cũng nhạt phai, còn lại đây là niềm hạnh phúc tràn đầy trong người mẹ. Nhiều người sẽ hỏi rằng, động lực nào để người phụ nữ làm mẹ vượt qua những điều đó và nhìn những người phụ nữ sống hết mình vì con, chúng ta sẽ có câu trả lời đó là thiên chức làm mẹ.

“Thân cò” nặng gánh mưu sinh

Hai tay giữ chặt chiếc xe đẩy cũ kỹ, người phụ nữ ấy dùng hết sức đẩy từ bến chợ đi vài cây số để tìm những góc nhỏ đường phố có nhiều người qua lại để bán từng trái khóm, kiếm chút đồng lời cho con ăn học. Đâu đó có những người phụ nữ sớm hôm giữa chợ đông, với mớ rau, mớ cá, mấy nải chuối, trái cây… quần áo có phần xuề xòa, mong bán hết hàng rồi về nhà nấu cơm cho con ăn… Đó là hình ảnh của những người phụ nữ mưu sinh giữa phố thị hay những khu vực chợ mà chúng ta dễ dàng bắt gặp.

"Thân cò" vất vả mưu sinh, dầm mưa dãi nắng. Ảnh minh họa: Hoài Thương

"Thân cò" vất vả mưu sinh, dầm mưa dãi nắng. Ảnh minh họa: Hoài Thương

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng, ở ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên), vợ chồng chị chia tay nhau, một mình chị nuôi 3 đứa con, với nhiều phụ nữ khác đó là chuyện quá sức. Mỗi ngày nhìn các con đến trường là niềm hạnh phúc của chị. Ngày ngày chị đi làm thuê, giờ lên lớp của con là lúc chị oằn mình với công việc. Vì gia cảnh thiếu thốn, chị phải chắt chiu từng đồng nuôi cả 3 đứa con đến trường, bữa cơm nào chị cũng ăn ít lại, nhường miếng ngon cho các con, để các con có sức học tốt. Không phụ lòng của mẹ, cả 3 người con của chị đều có học lực khá giỏi.

Cả hai vợ chồng em Trần Ngọc Thi đều bị khuyết tật ở mắt, được Hội Người mù tỉnh hỗ trợ cho học nghề xoa bóp và tạo việc làm nên hai em phần nào giảm khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, từ ngày có con nhỏ, cả hai càng chăm chỉ làm việc nhiều hơn, sống tiết kiệm hơn để dành tiền lo cho đứa con nhỏ gửi cho ông bà nội nuôi ở dưới quê. Thi chia sẻ: “Hai đứa em sống thiếu thốn cũng được, tất cả vì con. Giờ mua bộ đồ, ăn uống gì tụi em đắn đo hết sức để tiết kiệm đồng nào hay đồng đó, nhưng nghe con hết sữa, cần món này món kia là em đi mua ngay, sợ con thiếu thốn”.

Tấm lòng của người mẹ là như vậy, lúc nào cũng nhường phần cho con, còn mình ra sao cũng được.

Gia tài của mẹ

Cả tuổi thanh xuân dành hết cho gia đình nhỏ, đứt ruột sinh con, vất vả mưu sinh lo cho con cái, gia tài mà những bà mẹ có được là cuộc sống tốt đẹp của con. Nhiều người phụ nữ khi gặp bạn bè hay than thở, tiếc cho sắc vóc phai tàn nhanh khi có con nhưng khi trò chuyện với con mình lại thấy tự hào vì con ngày càng lớn khôn, trưởng thành.

Mỗi kỳ nghỉ về quê, Nguyễn Bích Thùy, ở xã Tân Long (TX. Ngã Năm) lại được mẹ nấu cho những món ăn ngon. Thùy kể: “Mẹ đã lớn tuổi, hay quên nhưng mẹ không quên được món ăn em thích. Có bữa mẹ đi chợ về trễ, em hỏi, mẹ nói mẹ phải tìm mua món này món kia cho em nên về muộn. Rồi mẹ lại xắn tay vào bếp. Lúc nào em ít về mẹ lại điện trách nhẹ, không nhớ nhà hả con. Có bao giờ mẹ ăn ngon, mặc đẹp để con mình thiếu thốn”. Những cảm xúc, kỷ niệm, câu chuyện về mẹ trong Thùy trào dâng. Và những điều mẹ em dành cho em như chăm chút cho “gia tài” của mình một cách tốt nhất nhưng không mong có ngày “thụ hưởng”.

Có những điều mẹ chưa kể, có những câu chuyện mẹ cố giấu lấy cho mình như thành thói quen giấu đi sở thích, những ước mơ ấp ủ để chiều theo sở thích và thực hiện ước mơ của con. Tâm sự về mẹ mình, Trần Thị Cẩm Tú, ở Phường 2 (TP. Sóc Trăng) chia sẻ: “Mẹ không thích ồn ào nhưng vẫn vui vẻ đi du lịch cùng tôi những nơi nào tôi muốn. Mẹ sống rất tiết kiệm, nhưng không do dự chi tiền cho món hàng thiết yếu tôi cần. Mẹ sống thiếu thốn nhưng lúc nào cũng dành cho tôi đầy đủ. Có những cái ngược lại giữa tôi và mẹ. Nhiều khi hỏi mẹ, tại sao mẹ như thế, mẹ dành cho tôi nụ cười hiền lành và cái hôn nhẹ kèm theo sự im lặng”.

Chu toàn thiên chức của người mẹ là bản năng thiên bẩm đã ăn sâu vào tâm thức của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay, không cần ai ghi công, khen ngợi với sự hy sinh lặng thầm của mình, chỉ cần họ thấy thiên chức của mình đã làm tròn và họ tìm thấy hạnh phúc tuyệt vời của đời mình - chỉ vậy thôi.

Hoài Thương

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/thien-chuc-lam-me-35967.html