Thiếu GV nhưng nhiều thầy cô khu vực 1 vùng cao lần lượt xin chuyển, nghỉ việc
GV trình độ ĐH, mới ra trường (hệ số lương 2,34), công tác tại xã khu vực I, có tổng thu nhập hơn 7,5 triệu, thấp hơn gần 4 triệu so với xã khu vực III.
Điều động, luân chuyển, biệt phái giáo viên chính là giải pháp được nhiều địa phương triển khai, nhằm giải quyết thực trạng thiếu giáo viên cục bộ ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai còn tồn đọng một số khó khăn, khi nhiều thầy cô “ngại” luân chuyển công tác đến các trường thuộc khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Xã khu vực I (xã bước đầu phát triển) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là xã thuộc đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg và có 1 trong 2 tiêu chí sau: 1- Có tỉ lệ hộ nghèo dưới 10%; 2- Đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới), bởi chính sách ưu đãi, hỗ trợ có phần chênh lệch hơn so với các trường thuộc khu vực II và III cùng trên địa bàn.
“Bài toán” nan giải về thiếu giáo viên
Là địa phương có 138 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, việc thiếu nguồn nhân lực cho giáo dục đặt ra một thách thức lớn cho tỉnh Lào Cai.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, toàn tỉnh có 1.484 cán bộ quản lý, 13.666 giáo viên, 1.585 nhân viên, thiếu 627 biên chế giáo viên so với biên chế được giao (trong đó, 95 giáo viên mầm non, 208 giáo viên tiểu học, 209 giáo viên trung học cơ sở, 115 giáo viên trung học phổ thông), chủ yếu là giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Tin học (390 giáo viên Tiếng Anh; 80 giáo viên Tin học).
Ngoài ra, hiện chưa có giáo viên được đào tạo chính quy đối với những môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm Tin học và Công nghệ cấp tiểu học; Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên cấp trung học cơ sở; Giáo dục Kinh tế và Pháp luật cấp trung học phổ thông [1].
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Văn Tiếp - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) cho biết, hiện, địa phương là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai.
“Về cơ bản, các xã trên địa bàn huyện đều là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ người dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số lên tới 97,8%.
Ngành giáo dục và đào tạo huyện Si Ma Cai đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiều giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn như tiếng Anh và Tin học. Bên cạnh đó, nhiều thầy cô ồ ạt luân chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc, trong khi số lượng tuyển dụng hằng năm quá thấp so với chỉ tiêu. Điều này khiến các trường phải loay hoay trong việc tuyển dụng thêm nhân lực, nhằm đáp ứng công tác giảng dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018” - thầy Tiếp nói.
Thầy Phạm Văn Tiếp cũng chỉ ra, nguyên nhân dẫn tới nghịch lý thiếu giáo viên, nhưng nhiều thầy cô lần lượt xin chuyển vùng, thôi việc... là bởi sự chênh lệch giữa các vùng về thu nhập, chế độ chính sách hỗ trợ.
Cụ thể: “Huyện Si Ma Cai vốn thuộc địa bàn xa xôi và khó khăn, cách trung tâm thành phố Lào Cai tới 100km. Trong khi đó, việc nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành xã khu vực I đã khiến lương của giáo viên giảm mạnh so với khi còn thuộc khu vực II và III.
Chẳng hạn, đối với giáo viên có trình độ đại học, mới ra trường (với hệ số lương 2,34), công tác tại xã khu vực I, có tổng thu nhập hơn 7,5 triệu đồng, thấp hơn gần 4 triệu đồng so với xã khu vực III (trừ 10,5% bảo hiểm, chỉ còn hơn 7,1 triệu đồng). Còn đối với giáo viên mầm non trình độ cao đẳng, mới ra trường, với hệ số lương 2,1 thì tổng thu nhập chưa đầy 6 triệu đồng/tháng, con số này không đủ chi phí thuê nhà, xăng xe, sinh hoạt…”.
Là trường thuộc xã khu vực I trên địa bàn huyện Si Ma Cai, Trường Trung học cơ sở xã Cán Cấu cũng đang gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo công tác giảng dạy, khi đội ngũ giáo viên tại trường còn đang thiếu hụt.
Thầy Lương Xuân Bình - Quyền Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Cán Cấu chia sẻ, toàn trường hiện có 8 lớp học, với 282 học sinh; trong đó, có 120 học sinh bán trú. Dù số chỉ tiêu biên chế được giao là 22, tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, trường chỉ có 14 cán bộ quản lý và giáo viên (trong đó, có 2 giáo viên hợp đồng).
“Nếu tính riêng giáo viên đứng lớp giảng dạy, hiện tại, trường chỉ có 11 thầy cô, thiếu 8 giáo viên dạy các môn như Ngoại ngữ, Tin học, Toán, Ngữ văn, Lịch sử - Địa lý. Với đội ngũ như vậy, chưa đủ để đáp ứng việc giảng dạy các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đây cũng là thách thức rất lớn đặt ra cho nhà trường trong việc sắp xếp, bố trí đội ngũ phù hợp.
Khó khăn hơn nữa, là việc một số giáo viên của nhà trường xin chuyển vùng công tác hoặc xin thôi việc sau một thời gian gắn bó. Lý do bởi, Trường Trung học cơ sở xã Cán Cấu là trường thuộc xã khu vực I, nên lương và phụ cấp cho các nhà giáo còn nhiều hạn chế. Dù vẫn có thầy cô chuyển về trường hay giáo viên hợp đồng, tuy nhiên, số lượng rất ít vì số chuyển đi nhiều hơn số chuyển đến”, thầy Lương Xuân Bình lý giải.
Theo thầy Bình, trước đây, vào năm 2019, Trường Trung học cơ sở xã Cán Cấu có tổng số 22 cán bộ và giáo viên, nhưng đến hiện tại, chỉ còn 14 người. Sau khi chuyển từ khu vực III lên khu vực I vào tháng 6/2021, trường phải đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng đội ngũ giảng dạy, có tuyển thêm được nhưng cũng rất ít. Năm 2023, trường tuyển được 1 giáo viên; năm 2024; trường tiếp nhận thêm 2 giáo viên hợp đồng chuyển đến.
Bên cạnh đó, việc chuyển từ khu vực III lên khu vực I cũng dẫn tới việc, trường không còn là trường phổ thông dân tộc bán trú như trước đây, điều này ảnh hưởng ít nhiều tới mức ưu đãi của các thầy cô. Bởi, căn cứ vào khoản 1 Điều 5 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, quy định: về phụ cấp ưu đãi, giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú sẽ được hưởng phụ cấp 50% mức lương hiện hưởng và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Ghép lớp, tăng giờ dạy, có thêm chính sách thu hút giáo viên vùng khó
Thiếu giáo viên cục bộ, nhiều trường phổ thông vùng cao tại tỉnh Lào Cai đã xây dựng giải pháp trước mắt như ghép lớp, tăng giờ dạy của giáo viên hay huy động sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các trường trên cùng một địa bàn xã, huyện.
Thầy Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) cho biết trong những năm qua, nhằm khắc phục khó khăn, đảm bảo công tác dạy và học địa phương đã bố trí đội ngũ giáo viên dạy tăng thêm giờ.
“Với những lớp học có sĩ số học sinh không quá đông, nhà trường sẽ tổ chức ghép lớp, để đảm bảo toàn bộ học sinh được học tất cả các môn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Huyện Mường Khương cũng đã huy động 100% học sinh từ lớp 3 trở lên từ các điểm trường lẻ về học tại điểm trường chính, để đảm bảo tăng số lượng học sinh trong một lớp và giảm số lớp.
Mỗi năm, địa phương chỉ thực hiện điều động số ít giáo viên giữa các trường trong huyện, nhằm đáp ứng đủ số lượng thầy cô đứng lớp ở tất cả các bộ môn. Đồng thời, cũng hết sức tạo điều kiện cho giáo viên trong việc điều động, luân chuyển, đảm bảo trường được điều động đến không quá xa nhà, giúp các thầy cô yên tâm công tác”, thầy Vinh chia sẻ.
Được biết, hiện tại, huyện Mường Khương thiếu hơn 50 giáo viên biên chế, đặc biệt đối với các môn như Toán, Văn hay Ngoại ngữ. Nhiều trường phổ thông trên địa bàn mặc dù được giao chỉ tiêu biên chế, song, vẫn chưa tuyển được, một phần do chưa có nguồn tuyển.
Về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai, thầy Phạm Văn Tiếp cũng chia sẻ thêm: “Những năm gần đây, phòng đã kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, nhằm xây dựng cơ chế tuyển dụng hiệu quả hơn.
Hiện tại, tỉnh Lào Cai cũng đang triển khai chính sách thu hút giáo viên có trình độ Ngoại ngữ và Tin học về giảng dạy ở khu vực.
Theo Nghị quyết 11/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai quy định về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025, giáo viên 2 bộ môn Ngoại ngữ và Tin học, khi đến công tác tại địa phương sẽ nhận hỗ trợ 50 triệu đồng.
Ngoài ra, hằng năm tỉnh Lào Cai cũng gửi giáo viên Ngoại ngữ và Tin học đi đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn lực cho địa phương".
Thầy Tiếp cũng nhấn mạnh, trước đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai đã từng đề xuất, đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung đối tượng “Nhà giáo công tác tại các trường học thuộc xã khu vực I (xã đã hoàn thành nông thôn mới) thuộc huyện nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi” tiếp tục được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp lâu năm, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng (theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).
Đối với Trường Trung học cơ sở xã Cán Cấu, thầy Lương Xuân Bình cho biết, để giải quyết những khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhà trường đã và đang thực hiện một số giải pháp. Cụ thể: “Thứ nhất, đối với môn tiếng Anh, là môn học chưa có giáo viên giảng dạy, nhà trường đã làm tờ trình, tham mưu với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai để tăng cường dạy các tiết tiếng Anh. Có thể thực hiện phương án lớp học ghép để giảng dạy hoặc dạy học kết nối, dạy học trực tuyến.
Thứ hai, những năm gần đây, nhà trường đã đề xuất ý kiến lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về công tác tăng cường các giáo viên các trường khác đến dạy tại Trường Trung học cơ sở xã Cán Cấu trên tinh thần trường giúp trường”.
Đề xuất ý kiến nhằm “giải bài toán” thiếu giáo viên, thầy Lương Xuân Bình cũng cho rằng, nên xem xét để các thầy cô dạy tại trường vùng cao thuộc khu vực I có thể tiếp tục được hưởng sự hỗ trợ theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP và Văn bản hợp nhất 27/VBHN-BGDĐT ngày 23/12/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hợp nhất Nghị định về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Thầy Bình cũng bày tỏ thêm: ”Cần đẩy nhanh việc hoàn thành nông thôn mới cho các vùng thuộc khu vực III. Bên cạnh đó, đối với các trường phổ thông khu vực I thuộc vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, có thể xem xét để cho phép chuyển đổi thành trường phổ thông dân tộc bán trú, điều này nhằm đảm bảo cho các em học sinh được ở bán trú và hưởng các chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baolaocai.vn/giai-bai-toan-thieu-giao-vien-post389537.html