Thiếu lực!

Đó là từ tương đối chính xác để mô tả diễn biến thị trường chứng khoán một vài tuần vừa qua, khi không một nhóm cổ phiếu nào hút được dòng tiền, kể cả VHM với thương vụ VHM370 nổi tiếng, hay MSN với tin con gái chủ tịch sắp mua thêm 10 triệu đơn vị…

Theo nhiều nhà quan sát, sự thiếu lực này là dễ hiểu khi các thị trường vàng, bất động sản sôi động đã hút một lượng tiền lớn của nhà đầu tư cá nhân, chứng khoán khó sinh lời khi đa phần các mã trong tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” đã khiến nhà đầu tư cá nhân hoặc rời bỏ hoặc đứng ngoài, hay chỉ còn giao dịch với tần suất không lớn.

Nhin rộng ra thị trường tài chính - tiền tệ, không như dự đoán của nhiều chuyên gia phân tích rằng khi Fed hạ lãi suất, tỷ giá, giá vàng sẽ hạ nhiệt, trái lại 2 biến số này tăng mạnh thời gian gần đây. Giá vàng từ mức 2.350 USD/ounce hồi tháng 8 đã vọt lên gần 2.750 USD/ounce vào cuối tuần trước. Những tổ chức hàng đầu như Bank of America dự báo giá vàng sẽ phá kỷ lục 3.000 USD/ounce, còn Societe Generale, ngân hàng lớn của Pháp thì đã dự báo giá vàng đạt 2.800 USD/ounce từ giữa tháng 9. Ngay từ tháng 9, họ đã phân bổ 100% rổ hàng hóa cho kim loại vàng.

Bank of America thậm chí còn đưa ra khuyến nghị các nhà đầu tư - bao gồm các ngân hàng trung ương - nên chuyển sang vàng như một hình thức bảo vệ tài sản chống lại lạm phát dai dẳng và sự mất giá của nợ do in tiền giấy và vay nợ của chính phủ gia tăng liên tục.

Vàng tăng không ngừng nghỉ, tỷ giá cũng dâng cao trở lại, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD) đã lên tới 104 trong tuần qua.

Những diễn biến như vậy, ngay lập tức tác động tới thị trường tiền tệ trong nước. Giá USD bán ra tại tất cả ngân hàng trong những phiên cuối tuần trước đều tăng lên mức kịch trần, tức là vào vùng 25.500 đồng/USD. Tỷ giá trở lại về vùng Ngân hàng Nhà nước bán ra và động thái phát hành tín phiếu ngay sau đó cho thấy mức độ quan tâm của Ngân hàng Nhà nước dành cho tỷ giá đang là ưu tiên hàng đầu.

Trong thời gian tới, câu chuyện về tỷ giá có lẽ vẫn là biến số cần được tính toán và quản trị rủi ro.

Fed có thể sẽ kéo dài thời gian hạ lãi suất hơn so với kỳ vọng, khiến chỉ số DXY tăng cao gây áp lực lên tỷ giá của các thị trường mới nổi. Thêm tác động cộng hưởng khi số liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy ổn định hơn rất nhiều đang tiếp thêm sức mạnh cho đồng USD.

Với thị trường trong nước, nhu cầu mua USD nhằm thanh toán các nghĩa vụ nợ, cũng như gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu của doanh nghiệp thường tăng mạnh vào cuối năm. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục hút bớt tiền cũng kiềm giữ cho tỷ giá không tăng quá mạnh.

Có thể thấy, dòng tiền đầu tư chứng khoán từ đa số các dòng chảy đều đã bị “rút củi đáy nồi”. Tiền tổ chức đến từ các doanh nghiệp phân bổ cho đầu tư tài chính cũng thận trọng bởi quý III vừa qua cho thấy, phần lớn doanh nghiệp trong đó có cả các công ty chứng khoán chịu lỗ từ danh mục tự doanh.

Qua phân tích sâu khối công ty chứng khoán và bức tranh tài chính của khối doanh nghiệp được cho là “nhạy tin” trong chuyên mục Tiêu điểm số báo này, bạn đọc phần nào nắm bắt được diễn biến chưa mấy thuận lợi của thị trường, từ đó có thêm dữ liệu hoạch định phương án đầu tư trong quý cuối năm.

Về trung dài hạn, xu hướng tăng chưa bị bẻ gãy nhưng ngắn hạn, dữ liệu ghi nhận từ thị trường cho thấy vào thời điểm Ngân hàng Nhà nước hút ròng thì thị trường chứng khoán khó lên. Do vậy, dù không phải là trọng số nhưng việc Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần đây có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường trong ngắn hạn.

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thieu-luc-post356761.html