Thiếu mặt bằng, dự án cầu Bạch Đằng 2 gặp khó

Sau hơn 5 tháng khởi công, việc thi công dự án cầu Bạch Đằng 2 nối 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đang gặp rất nhiều khó khăn do những vướng mắc về mặt bằng.

Sau hơn 5 tháng khởi công, dự án cầu Bạch Đằng 2 hiện mới thi công được phần đầu cầu phía tỉnh Bình Dương. Ảnh: P.Tùng

Sau hơn 5 tháng khởi công, dự án cầu Bạch Đằng 2 hiện mới thi công được phần đầu cầu phía tỉnh Bình Dương. Ảnh: P.Tùng

* Chưa thể thi công vì chưa tiếp cận được công trường

Ngày 27-12-2021, cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai nối TX.Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) với H.Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) được khởi công xây dựng. Ngay sau lễ khởi công, liên doanh nhà thầu Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 và Công ty CP Đầu tư và xây dựng 492 đã huy động nhân công và các thiết bị đến công trường để phục vụ công tác thi công. Mặc dù vậy, sau hơn 5 tháng khởi công, việc thi công dự án đang diễn ra hết sức ì ạch.

Giám đốc điều hành dự án cầu Bạch Đằng 2 Hoàng Tuân cho biết, ở phía đầu cầu thuộc địa phận TX.Tân Uyên do có sẵn tuyến đường ven sông nên việc thi công tương đối thuận lợi. Nhà thầu đã huy động được các thiết bị, nhân công thi công đóng cọc khoan nhồi các mố trụ cầu.

Dự án cầu Bạch Đằng 2 được xây dựng tại xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Dự án cùng 2 đường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8km; trong đó, phần cầu chính dài khoảng 410m, rộng 17m, quy mô 4 làn xe. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2023. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 420 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Nguồn vốn thực hiện dự án được chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính, các tỉnh tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.

Trong khi đó, ở phía đầu cầu thuộc địa bàn H.Vĩnh Cửu, việc thi công hiện chưa thể thực hiện. Nguyên nhân, hiện mặt bằng dự án vẫn chưa được bàn giao nên nhà thầu không thể tiếp cận được công trường để triển khai thi công.

“Ngay sau lễ khởi công, nhà thầu đã huy động nhân công, thiết bị gồm sà lan, thiết bị cẩu đến thi công. Tuy nhiên, do không có mặt bằng, không tiếp cận được công trường nên chúng tôi buộc phải rút hết nhân công và thiết bị khỏi khu vực dự án” - ông Hoàng Tuân cho biết.

Cũng theo đại diện nhà thầu, tại đầu cầu phía H.Vĩnh Cửu, đơn vị đã thuê đất của người dân dựng lán trại phục vụ các công nhân, đồng thời thi công xây dựng trạm điện để phục vụ thi công dự án. Thế nhưng, do chưa có đường công vụ phục vụ thi công nên lán trại xây dựng xong cũng đang trong tình trạng “đóng cửa để không”.

“Không thi công được nên chúng tôi cũng buộc phải rút hết công nhân về” - ông Hoàng Tuân nói.

* Cần sự phối hợp đồng bộ

Theo hợp đồng đã ký kết, việc thi công dự án cầu Bạch Đằng 2 sẽ hoàn thành trong vòng 15 tháng. Mặc dù vậy, với tiến độ thi công ì ạch như hiện nay, việc hoàn thành đúng tiến độ là rất khó. Bởi theo phía nhà thầu, việc rút ngắn tiến độ là không thể thực hiện được. Tiến độ dự án được xây dựng trước đó đòi hỏi 2 mũi thi công tại 2 đầu cầu phải thực hiện đồng thời và phải hoàn thành trong cùng một thời gian. Tuy nhiên, với việc phần đầu cầu thuộc H.Vĩnh Cửu chưa được thi công thì chắc chắn tiến độ chung toàn dự án sẽ bị chậm.

Đối với đầu cầu Bạch Đằng 2 thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án được giao cho UBND H.Vĩnh Cửu thực hiện.

“Hiện tại đã chậm 5 tháng, mặt bằng thi công được bàn giao chậm ngày nào thì dự án chậm thêm ngày đó. Phía đầu cầu Bình Dương nếu hoàn thành trước cũng phải chờ đầu cầu phía Đồng Nai thi công xong mới có thể hoàn thành toàn bộ dự án” - Giám đốc điều hành dự án cầu Bạch Đằng 2 HOÀNG TUÂN chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Cao Tài cho hay, sở dĩ công tác giải phóng mặt bằng của dự án cầu Bạch Đằng 2 vẫn chưa hoàn thành do đến nay địa phương vẫn chưa nhận được hồ sơ ban đầu từ phía chủ đầu tư để thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Để có thể thực hiện công tác này, địa phương phải nhận được hồ sơ ban đầu tư phía chủ đầu tư. Từ hồ sơ ban đầu, địa phương sẽ thực hiện chồng ghép với bản đồ địa chính để xác định ranh giới, diện tích đất và số lượng hộ dân trong khu vực phạm vi dự án. Bước tiếp theo địa phương mới có thể triển khai tiếp các thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho người dân để giải phóng mặt bằng.

Cũng theo ông Nguyễn Cao Tài, đến nay địa phương cũng mới chỉ được chủ đầu tư bàn giao về chủ trương mà chưa có hồ sơ ban đầu nên chưa thể triển khai các thủ tục tiếp theo. Vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Vĩnh Cửu đã có văn bản gửi chủ đầu tư về việc bàn giao hồ sơ ban đầu của dự án. Hiện nay, chủ đầu tư cũng đã liên hệ với các đơn vị chức năng để thực hiện hoàn thành hồ sơ thu hồi đất, xác định cụ thể ranh giới thu hồi.

Sau khi hồ sơ này được bàn giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Vĩnh Cửu, địa phương mới có thể thực hiện các bước tiếp theo của quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng.

“Bước đầu, chúng tôi cũng đã xác định số lượng hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là không lớn, chỉ khoảng 5 hộ” - ông Nguyễn Cao Tài cho biết thêm.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202206/thieu-mat-bang-du-an-cau-bach-dang-2-gap-kho-3118983/