Thiếu nước sinh hoạt ở vùng cao Quảng Nam
Nắng nóng tiếp tục kéo dài, nhiều hộ dân ở huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nhiều tháng nay. Nhiều xã vùng biên bà con phải đi hàng cây số chở từng can nước về sử dụng.
Chẳng phải bây giờ mà nhiều năm nay, cứ đến mùa nắng nóng người dân thôn Pring, xã Chà vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam lại đứng ngồi không yên vì thiếu nước sạch sinh hoạt. Nhiều nhà góp tiền làm giếng đào, giếng đóng nhưng đa phần bị nhiễm phèn, có mùi tanh không sử dụng được.
Anh Pơ Loong Ngà, ở thôn Pring, xã Chà Vàl cho biết: Nơi đây cách trung tâm xã hơn 4 cây số, đường dây dẫn nước sinh hoạt không đến được vì địa hình núi cao, trắc trở. Người dân quanh năm dùng nước tự chảy từ các khe suối.
“Đến tháng 6 và tháng 7 là giếng cạn. Bà con khổ lắm, khó khăn nhất là không có nước để dùng nên phải ra khe suối xa chở nước về tiết kiệm nấu nướng và tắm giặt. Mong muốn Nhà nước quan tâm dẫn nước về tận thôn, bản cho dân đỡ khổ. Mùa hè nước cạn khô, giếng đào xuống sâu mà vẫn cạn. Nước phèn nhiều, đục, không sạch, uống vào nhiều lúc đau bụng”- anh Pơ Loong Ngà nói.
Chị A Lăng Thị Lý ở thôn Pring, xã Chà Vàl cho biết, bà con trong thôn phải mua từng bình nước về ăn uống. Còn tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày phải dùng nước giếng đóng nhưng hiện nay nước cũng cạn kiệt: “Nhà tôi không có nước nên phải qua hàng xóm xin nước giếng dùng, mưa xuống nước đục, có mùi nên không dám uống, tắm giặt thôi. Tôi đi mua nước bình lọc về uống. Mong muốn có nước sạch để cho người dân ở trong bản dùng. Nếu có mưa thì người dân có nước uống, còn không mưa thì bà con phải vào khe lấy nước tắm và uống”.
Ông Tơ Đên Sơn, Chủ tịch UBND xã Chà Vàl, huyện miền núi Nam Giang cho hay nhiều thôn ở xa khu vực trung tâm xã nên việc dẫn nguồn nước về rất khó khăn: “Có thôn, công trình nước đã đầu tư trước đây rồi nhưng hiện nay đã xuống cấp. Nếu trời không mưa chắc chắn thiếu nước, khoảng 200 hộ thiếu nước. Trước đây, họ tự đào giếng, khoan giếng nhưng chỗ có nước chỗ không, nước lại bị đục không sạch. Có một số điểm công trình cấp nước xuống cấp, lượng nước không đảm bảo. Nhà dân ở cao quá nên nguồn nước không lên được. Mong muốn của bà con là tiếp tục đầu tư công trình nước sạch”.
Từ năm 2016 đến nay, huyện Nam Giang đã triển khai đầu tư xây dựng 18 công trình nước sạch sinh hoạt, với tổng kinh phí 53 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, của huyện và các nguồn vốn lồng ghép khác. Nhiều công trình đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ dân có nguồn nước sạch để sử dụng, đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, một số công trình phát huy không hiệu quả. Nguyên nhân là công tác quản lý sau đầu tư còn hạn chế, một số tổ tự quản hoạt động không hiệu quả, lại thêm bão lũ ảnh hưởng làm hư hỏng một số hạng mục công trình.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: “Địa bàn huyện Nam Giang thị trấn Thạnh Mỹ có nhà máy nước đáp ứng khoảng gần 70% người sử dụng nước. Các xã vùng sâu, vùng xa một số hộ gia đình có điều kiện tổ chức xây dựng hệ thống công trình nước sạch đảm bảo nguồn nước sử dụng cho gia đình mình. Số nguồn vốn tài trợ của dự án phi chính phủ trên địa bàn huyên cơ bản đáp ứng khoảng 90% nước hợp vệ sinh cho người dân còn lại 10% người dân sống tập trung phân tán nên việc kéo nước sạch về cho người dân sử dụng còn nhiều khó khăn, khó đáp ứng kinh phí để tự sửa chữa đem nước về cho gia đình. Mong muốn có nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ vì nguồn ngân sách của huyện thì có hạn”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thieu-nuoc-sinh-hoat-o-vung-cao-quang-nam-post1034110.vov