Thiếu tướng Lê Huy Mai và hành trình 'đến sông Hương xứ Huế'

Tháng 6-2018, gia đình Thiếu tướng Lê Huy Mai, (nguyên Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng) và Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 324 tổ chức lễ ra mắt cuốn hồi ký 'Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương xứ Huế'.

Được biết Thiếu tướng Lê Huy Mai bắt đầu hồi tưởng, ghi chép và tập hợp những thông tin, tư liệu để lên ý tưởng về cuốn hồi ký từ năm 2013. “Sau khi nghỉ công tác, được sự động viên của bạn bè, đồng đội, gia đình, tôi mới chính thức quyết định thực hiện cuốn hồi ký này. Mục đích là để ghi nhớ một thời đã đi qua và mong muốn con cháu của tôi ít nhiều biết tới những năm tháng chúng tôi từng chiến đấu, công tác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như giai đoạn sau này”, Thiếu tướng Lê Huy Mai bộc bạch.

Với độ dày gần 600 trang, cuốn hồi ký do Nhà xuất bản Quân đội ấn hành đã phản ánh khá đầy đủ, sinh động hành trình 40 năm quân ngũ của người lính Lê Huy Mai. Nhất là thời gian trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Trị Thiên; trên đất bạn Lào và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc…

 Cuốn hồi ký “Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương xứ Huế” của Thiếu tướng Lê Huy Mai. Ảnh: TUẤN TÚ.

Cuốn hồi ký “Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương xứ Huế” của Thiếu tướng Lê Huy Mai. Ảnh: TUẤN TÚ.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Giao Thủy, Nam Định, năm 1963 chàng trai Lê Huy Mai lên đường nhập ngũ. Ông có đến 15 năm rèn luyện, chiến đấu tại Sư đoàn 324, trong đó có 10 năm trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên. Đây là một chiến trường đầy ác liệt, gian khổ hy sinh nhưng cũng không kém phần vinh quang của người lính. Nơi ấy đã hun đúc, đào luyện nên nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc. Và Sư đoàn 324 (nay thuộc Quân khu 4) là một trong những tập thể anh hùng cùng nhiều chiến thắng vang dội đã ghi vào lịch sử của Quân đội ta.

Trong chiến công chung đó có sự đóng góp của đồng chí Lê Huy Mai. Là người tham gia trực tiếp chiến đấu rất sớm trên chiến trường Trị Thiên, liên tục từ tháng 3-1966 đến tháng 4-1975, từ một chiến sĩ trinh sát, Lê Huy Mai dần trưởng thành, lần lượt giữ các cương vị: Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Trợ lý Trinh sát Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 đến là Trưởng ban Trinh sát - Đặc công Sư đoàn 324… “Đồng chí Lê Huy Mai đã dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập công xuất sắc”-Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, người bạn chiến đấu thân thiết của ông cho biết.

Những chiến công, thành tích tiêu biểu của đồng chí Lê Huy Mai có thể kể đến là: Dũng cảm điều tra nghiên cứu, hiến kế phương án tác chiến vây lấn, tiến công cứ điểm Cồn Tiên - một chiến lũy thép vững chắc trên tuyến hàng rào điện tử McNamara của Mỹ ở nam sông Bến Hải. Trực tiếp chỉ huy đội mở cửa đánh lấn cứ điểm Cồn Tiên, ông đã cùng tổ trinh sát 4 người kiên cường dũng cảm giữ chốt Cồn Hụ - cạnh cứ điểm Cồn Tiên, đánh tan nhiều đợt tiến công của một đại đội thủy quân lục chiến Mỹ trong điều kiện pháo oanh kích vô cùng ác liệt, giữ vững được thế trận bao vây của ta. Tiếp đó là trận chiến đấu bảo vệ hơn 50 thương binh đang điều trị tại Bệnh xá của Trung đoàn 1 ở làng An Hưng (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị); bảo vệ Sở chỉ huy Trung đoàn 1 ở làng Sơn Tùng (xã Phong Nhiêu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên) và tham gia phá vây ở làng Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968…

Đặc biệt phải kể đến nhiệm vụ ông được giao ngày 27 Tết Mậu Thân 1968 khi đang là Đại đội trưởng Đại đội trinh sát Trung đoàn 1, Sư đoàn 324. Ông kể: “Trung đoàn 1 chúng tôi sẽ phải vượt sông Cửa Việt, băng qua vùng đồng bằng Quảng Trị, Thừa Thiên rồi tiến vào bờ bắc sông Hương, cắt đứt đường vận chuyển thủy của địch từ cảng Thuận An vào Thành phố Huế. Tại cuộc họp ở Trung đoàn bộ, đồng chí Trung đoàn trường Từ Duyệt phổ biến nhiệm vụ và giao cho chúng tôi đảm nhiệm một mũi thọc sâu chiến dịch, các đơn vị được lệnh trở về chủ động ăn Tết sớm. Chậm nhất ngày 30-1-1968 phải hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng xuất phát tiến công. Nhiệm vụ cụ thể của tôi ngoài việc nắm địch thì phải tìm mọi cách liên lạc với các lực lượng địa phương, xác định đường tiến quân của Trung đoàn nhanh nhất, tốt nhất. Đồng thời cử một tổ trinh sát đi trước chuẩn bị phương án cho Trung đoàn vượt sông.

 Đồng chí Lê Huy Mai (ngoài cùng bên phải) và đồng đội ở Sư đoàn 324 những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đồng chí Lê Huy Mai (ngoài cùng bên phải) và đồng đội ở Sư đoàn 324 những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh do nhân vật cung cấp

Chiều 30 Tết, Trung đoàn 1 bí mật hành quân tiếp cận bờ Bắc sông Bến Hải để đêm sẽ vượt sông. Nhưng khi đến phía tây đồn Nhị Hạ ở Gio Linh, pháo và súng cối địch bắn trúng đội hình khiến bộ đội thương vong nhiều. Hành quân tiếp đến cách bắc cầu Lâm Xuân khoảng 200m, đội hình tiếp tục bị ùn lại vì pháo địch bắn chặn. Quan sát thấy cứ 5 phút địch sẽ bắn một loạt pháo và bắn chụm trong bán kính chừng 100m quanh cầu, Lê Huy Mai đã đề xuất với chỉ huy Trung đoàn 1 cho các đơn vị chia thành phân đội nhỏ, khi địch vừa dứt loạt pháo thì nhanh chóng vượt cầu để tránh thương vong. Được cấp trên đồng ý, đại đội trinh sát đi trước "thử nghiệm". Họ đã vượt cầu an toàn và cách vượt cầu này sau đó ngay lập tức được phổ biến cho từng đơn vị. Hai tiếng sau, toàn Trung đoàn 1 đã vượt cầu Lâm Xuân thành công và an toàn. Đơn vị tiếp tục hành quân. Nhưng lại đột ngột gặp pháo địch bắn tới tấp vào đội hình hành quân của Trung đoàn 1. Gần 1.000 người lúc này đang phơi mình trên bãi cát. Trong phút chốc, 50 đồng chí bị thương vong. Tin phía trước chuyền về: “Lạc đường rồi!”. Đại đội trinh sát do Lê Huy Mai chỉ huy nhận được lệnh khẩn trương tổ chức tìm đường đưa bộ đội vào chiếm lĩnh bờ bắc sông Cửa Việt trước khi trời sáng để hạn chế thương vong.

Đại đội trưởng Lê Huy Mai lần nữa nêu ý kiến: “Trong lúc tìm đường, đề nghị cho bộ đội dừng lại tản ra, đào hầm nhanh trên cát ẩn nấp tránh bom bi và mảnh đạn pháo của địch”. Ý kiến đề xuất trên được Trung đoàn trưởng cho chuyển tới các đơn vị và có hiệu quả rất rõ trong phòng tránh bom đạn địch. Ông nhớ lại: “Thời hạn chốt tập kết là 4 giờ 30 thì đến gần 3 giờ sáng, chúng tôi đã tìm được đường. Đó là con đường hành quân đến làng Vinh Quang Hạ và Vinh Quang Thượng ở bắc sông Cửa Việt. Theo trinh sát dẫn đường, các đơn vị nhanh chóng chiếm lĩnh hai làng đúng địa điểm đã định vào rạng sáng ngày mồng 1 Tết. Sau này chúng tôi mới biết, do bị lộ thông tin nên Trung đoàn bị địch pháo kích như vậy. Rất may tổn thất không lớn và chúng tôi vẫn đạt được mục tiêu”.

 Đồng chí Lê Huy Mai (hàng đứng, ngoài cùng bên phải) trong một lần về thăm gia đình. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đồng chí Lê Huy Mai (hàng đứng, ngoài cùng bên phải) trong một lần về thăm gia đình. Ảnh do nhân vật cung cấp

Từ ấn tượng ban đầu là sự gần gũi, cởi mở, sau này chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với Thiếu tướng nhiều hơn. Dù trong các chuyến công tác, trở lại chiến trường xưa hay nhà riêng ở quận Hà Đông (Hà Nội) thì vợ ông-cô giáo Nguyễn Thị Bình luôn có mặt đồng hành, hỗ trợ ông từ việc nhỏ nhất. Bà bảo, tuổi trẻ của hai người là tháng ngày biền biệt xa cách. Vì vậy, giờ đây là khoảng thời gian đồng hành của họ khi trở về vui thú điền viên và con cháu đều đã yên bề gia thất.

Hai người vốn là hàng xóm cách nhau “giậu mồng tơi xanh rờn” nên tuổi thơ gắn bó không rời. Trưởng thành, đi bộ đội, mỗi lần về phép chàng thanh niên Lê Huy Mai lại nhìn qua hàng rào nhìn sang nhà hàng xóm lòng thầm nhủ chiến tranh kết thúc, nếu Bình chưa yêu ai sẽ ngỏ lời cầu hôn. Nhưng thật không ngờ, điều mong ước ấy lại đến sớm hơn dự định.

 Thiếu tướng Lê Huy Mai và vợ cùng đọc cuốn hồi ký. Ảnh: SONG THANH

Thiếu tướng Lê Huy Mai và vợ cùng đọc cuốn hồi ký. Ảnh: SONG THANH

Cuối tháng 7-1973, Chủ nhiệm Trinh sát-Đặc công Sư đoàn 324 Lê Huy Mai lại được ra Thủ đô Hà Nội dự Hội nghị tổng kết công tác quân báo-trinh sát toàn quân nên ông tranh thủ về thăm nhà. Dịp ấy, cô giáo Bình đang nghỉ hè, vẫn hồn nhiên, xinh tươi, và dành tình cảm đặc biệt với Huy Mai. Cha mẹ hai bên hình như cũng đoán biết tình ý của các con nên đã tạo điều kiện cho đôi trẻ gặp nhau.

“Chẳng biết đời lính trận sẽ đi về đâu, nên đắn đo mãi tôi mới quyết định ngỏ lời xin cưới Bình. Dù tương lai chắc chắn sẽ phải chịu những thiệt thòi nhưng em đã bỏ qua tất cả mà đồng ý khiến tôi vô cùng phấn chấn. Ngay khi Bình đồng ý, chúng tôi đã thưa chuyện và được cha mẹ hai bên hoàn toàn ủng hộ. Mừng cho chúng tôi, Thượng tá Lê Văn Dánh-Phó chính ủy Sư đoàn 324 đang tập huấn tại Học viện Quân sự cấp cao đã cùng với bạn bè trong lớp tập huấn mua giúp tôi bánh kẹo, thuốc lá để tiếp khách trong tiệc cưới. Sau đám cưới tôi phải chuẩn bị trở lại đơn vị nên không thể cùng vợ vào Thanh Hóa lo đám cưới cho em tôi. Thậm chí em chẳng kịp về tiễn chồng lên đường vào lại chiến trường. Mấy chục năm nên duyên, ngày xa cách nhiều hơn ngày gần gũi. Tôi luôn cảm ơn em đã lặng thầm chăm lo mọi việc trong nhà để tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ của một người lính Bộ đội Cụ Hồ”-Thiếu tướng Lê Huy Mai tâm sự.

Mời các đồng chí và các bạn vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các bài liên quan.

SONG THANH-BẢO LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thieu-tuong-le-huy-mai-va-hanh-trinh-den-song-huong-xu-hue-733391