Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố phong tỏa eo biển Bosporus, 'cấm cửa' tàu chiến ra vào Biển Đen

Việc phong tỏa cửa ngõ ra vào Biển Đen căn cứ các điều khoản của Công ước Montreux trong tình huống chiến tranh, nhằm ngăn chặn xung đột ở Ukraine leo thang.

Hôm 28/2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara đã cảnh báo tất cả các nước trong cũng như ngoài khu vực Biển Đen, không cho tàu chiến đi qua các hai eo biển Bosporus và Dardanelles, cửa ngõ của biển này.

"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện tất cả các điều khoản của Công ước Montreux một cách minh bạch", Ngoại trưởng Cavusoglu nói.

Trước đó cùng ngày, trong cuộc họp báo sau cuộc họp nội các ở thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, nước này sẽ sử dụng thẩm quyền được trao bởi Công ước Montreux năm 1936 để ngăn chặn sự leo thang của chiến tranh Nga - Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố sẽ sử dụng thẩm quyền được trao bởi Công ước Montreux năm 1936 để ngăn chặn sự leo thang chiến tranh Nga – Ukraine. Ảnh AA.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố sẽ sử dụng thẩm quyền được trao bởi Công ước Montreux năm 1936 để ngăn chặn sự leo thang chiến tranh Nga – Ukraine. Ảnh AA.

Ông Erdogan bày tỏ Thổ Nhĩ Kỳ không thể từ bỏ mối quan hệ với Ukraine và Nga; nhấn mạnh, “rất buồn” về cuộc chiến của Nga đối với nước láng giềng phía nam.

Hôm 24/2, sau khi Nga tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đại sứ của Kyiv tại Ankara, Vasly Bodnar đã chính thức yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển đối với tàu chiến Nga.

Tàu hộ tống Veliky Ustyug của Nga đi qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trên đường từ Biển Đen qua Địa Trung Hải. Ảnh: Yoruk Isık.

Tàu hộ tống Veliky Ustyug của Nga đi qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trên đường từ Biển Đen qua Địa Trung Hải. Ảnh: Yoruk Isık.

Trước yêu cầu của Ukraine, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho biết, các tàu Nga vẫn có thể đi qua eo biển để trở lại căn cứ của họ ở Biển Đen, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa tuyến đường thủy, theo Công ước Montreux.

Theo Công ước Montreux năm 1936, thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát eo biển Bosporus và Dardanelles, nối Địa Trung Hải và Biển Đen. Hiệp ước mang lại cho Ankara quyền điều chỉnh việc di chuyển của các tàu chiến và đóng eo biển đối với các tàu chiến nước ngoài trong tình huống chiến tranh hay nước này bị đe dọa.

Tuyến đường thủy duy nhất ra vào Biển Đen đi qua 2 eo biển do Thổ Nhĩ Kỳ quản lý. Ảnh: GM.

Tuyến đường thủy duy nhất ra vào Biển Đen đi qua 2 eo biển do Thổ Nhĩ Kỳ quản lý. Ảnh: GM.

Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới trên biển với Ukraine, Nga tại Biển Đen và có quan hệ tốt với cả hai.

Ông Erdogan nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại giữa Nga và Ukraine, tuyên bố: "Không bao giờ là quá muộn để tham gia vào các cuộc đàm phán thiện chí và tiến bộ về tất cả các vấn đề một cách hòa bình".

Hạm đội Biển Đen- Hải quân Nga hoạt động ở Biển Đen và Biển Địa Trung Hải kể từ thế kỷ 18. Lực lượng của Hạm đội đóng ở nhiều bến cảng khác nhau ở Biển Đen và Biển Azov, với căn cứ chính tại thành phố cảng Sevastopol. Tàu chiến của Hạm đội được điều động qua lại giữa hai vùng biển qua tuyến hàng hải kết nối duy nhất qua 2 eo biển Bosporus và Dardanelles, do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.

Văn Phong/DS

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/tho-nhi-ky-tuyen-bo-phong-toa-eo-bien-bosporus-cam-cua-tau-chien-ra-vao-bien-den-119188.html