Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thu về 339 tỷ đồng

Trong 9 tháng đầu năm 2024, đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp (F1) và các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 3 doanh nghiệp (F2).

Theo số liệu Bộ Tài chính cập nhật về tình hình cổ phần hóa, trong tháng 9/2024, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 và Quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 20/2/2024, nhưng chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Về tình hình thoái vốn, trong 9 tháng đầu năm 2024, thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp (F1) với tổng giá trị phần vốn nhà nước là 145 tỷ đồng, thu về 157 tỷ đồng. Các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 3 doanh nghiệp (F2) với giá trị 40,9 tỷ đồng, thu về 182 tỷ đồng.

Tại báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội mới đây về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh năm 2023 của 671 doanh nghiệp nhà nước. Số này gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ và 198 đơn vị có trên 50% vốn Nhà nước.

Theo đó, 134 doanh nghiệp còn lỗ lũy kế, tổng cộng 115.270 tỷ đồng, tương đương 4,6 tỷ USD (tính theo tỷ giá quy đổi ngày 8/10) tới cuối năm ngoái. Mức lỗ lũy kế này gấp 1,7 lần so với ghi nhận cuối năm 2022 (gần 69.900 tỷ đồng). Các doanh nghiệp lỗ có thể kể đến Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có lãi gần 211.200 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022, tiêu biểu, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) lãi trước thuế gần 56.400 tỷ đồng; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lãi sau thuế 6.329 tỷ; Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn lãi 5.072 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) lãi trước thuế 46.331 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) lãi 2.931 tỷ đồng và Tổng công ty Viễn thông MobiFone (Mobifone) 1.958 tỷ đồng…

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 9 tháng qua, công tác quản lý tài sản công được thắt chặt, đảm bảo tránh thất thoát. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bộ này cũng tiếp tục triển khai Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, trong đó: đã có Công văn thông báo danh sách công chức hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương và địa chỉ tiếp nhận thông tin trong quá trình triển khai kiểm kê tài sản công và công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương về việc hoàn thiện danh mục đơn vị trong phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công.

Tổ chức 3 hội nghị tập huấn cho các Bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Ban hành Quyết định số 2197/QĐ-BTC ngày 20/9/2024 về kế hoạch kiểm tra chuyên đề về lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công năm 2024 của Bộ Tài chính.

Diệu Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thoai-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-thu-ve-339-ty-dong-718815.html