Thời gian không quay lại
Đọc bài 'Thời của online' trên Bình Thuận cuối tuần, có một số ý kiến trái chiều. Có bạn đồng tình, có bạn lại cho rằng đã nghỉ để cách ly làm sao có thể tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ dạy - học online cho giáo viên và học sinh, phương tiện đâu có để thực hiện được. Chúng tôi muốn trao đổi để làm rõ thêm một số ý.
Thời gian không quay lại
Cần chủ động - kịp thời
Bài trước, chúng tôi đề xuất việc tập huấn ứng dụng công nghệ dạy - học, ôn tập cho học sinh trong điều kiện không tập trung để thi tốt nghiệp… Cơ sở để đề xuất ở đây là thời gian, giáo viên hoàn toàn rảnh rỗi; về phương tiện, theo chỗ chúng tôi biết, (không nói bậc tiểu học), hiện nay hầu hết giáo viên trung học cơ sở và nhất là giáo viên trung học phổ thông đều có máy vi tính - laptop, hệ thống mạng đã phủ xuống đến các vùng nông thôn. Thuận lợi nữa là họ đều biết sử dụng máy vi tính để tạo lập văn bản, biết truy cập tài liệu trên mạng để soạn bài. Về phía học sinh, các em sử dụng máy vi tính còn thành thạo hơn một số thầy cô, điểm nữa là đa số các em có điện thoại để kết nối. Trường học hiện nay đều có tổ giáo viên tin học, đó là lực lượng trực tiếp giảng dạy cho các cơ sở. Chúng tôi nghĩ đó là điều kiện thuận lợi nhất để tổ chức tập huấn, giáo viên và học sinh ngồi nhà vẫn theo dõi học được. Chỉ cần Bộ Giáo dục – Đào tạo và Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng kế hoạch hợp lý, giao về cho các hiệu trưởng, nhà trường chủ động phân công, lên lịch tập huấn cụ thể, thiết nghĩ không có gì khó khăn. Từ cơ sở bồi dưỡng đó sẽ đào tạo được đội ngũ giáo viên có kỹ năng cần thiết phải có trong thời đại tin học, đặt nền tảng lâu dài cho một nền giáo dục. Đợt tập huấn chia ra từng học phần, mỗi học phần đều có kiểm tra và cấp chứng chỉ công nhận trình độ năng lực. Việc giáo viên ngồi nhà ăn lương, lại được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nghề nghiệp, ai mà không thích. Duy chỉ những đối tượng nào quá chây lười, không còn yêu nghề nữa mới không đồng tình tham gia mà thôi. Xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá chuyên môn của giáo viên.
Tôi thấy đó là việc làm cần thiết, quan trọng và khả thi, hiện tại, Trường THPT Ngô Quyền, huyện đảo Phú Quý, nhờ trước đây hiệu trưởng cho giáo viên tham gia diễn đàn của Microsoft, nên nay dạy qua mạng cho học sinh khá thuận lợi. Sao Bộ Giáo dục - Đào tạo không tranh thủ thời gian này tập trung chỉ đạo, mà cứ chạy theo con Covid-19, ngồi chờ tuần tới, rồi lại do dự tiếp tục chờ tuần tới nữa ra sao, luôn rơi vào thế bị động. Khi phong trào tự phát ở một số cơ sở dạy học sinh qua mạng, lúc đó bộ mới hô hào dạy online cho học sinh, “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Nhưng dạy thế nào trong khi giáo viên và học sinh chưa có kỹ năng dạy - học qua mạng. Vừa rồi, bộ lập ban chỉ đạo đề xuất lấy ý kiến giáo viên cả nước về giảm tải chương trình để ôn thi. Tôi nghĩ đó là cách đối phó nhằm an dân, chứ giản tải chương trình như thế cũng phải tập trung học sinh để ôn thi, dù rút ngắn thời gian, nhưng ít nhất cũng vòng 3 tháng mới mong có hiệu quả, mà con Covid-19 chết tiệt kia biết khi nào nó mới dừng.
Cần hiệu quả
Vấn đề nữa mà các bạn trao đổi về đề nghị bỏ kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT, chỉ thi tuyển sinh vào đại học. Có bạn gọi điện nói, chắc bộ không bỏ đâu, bởi bỏ đi thì mất cả quyền lẫn lợi. Tôi nói việc làm của bộ luôn nhằm vào lợi ích quốc gia, dân tộc, làm gì có chuyện tệ đến mức như thế. Anh bạn cười rồi cúp máy. Cũng có ý kiến cho rằng điều quyết định là xem ở cơ sở có đủ khả năng tự đánh giá để xét tốt nghiệp cho học sinh không? Tôi nghĩ, 3 năm trở lại đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia toàn quốc luôn cao ngất ngưởng, năm: 2017: 97,42%; 2018: 97,57%; 2019: 94,06%(*). Trong đó, nhiều trường đậu 100%. Tỷ lệ tốt nghiệp gần như phổ cập thì việc giao về cho địa phương xét tốt nghiệp có gì phải ngại về chất lượng kiểm tra đánh giá học sinh. Hơn nữa, làm thế, tiết kiệm rất nhiều về thời gian và vật chất. Thử nghĩ xem, việc tổ chức thi từ khâu ra đề, coi thi, đến chấm thi là một quá trình dài tốn kém, bình quân chi phí trên đầu mỗi học sinh từ bộ đến trường, tính ra có cả 1 triệu đồng (như năm 2019, cứ nhân cho hơn 880.000 thí sinh dự thi(**)), sẽ thấy sự tốn kém biết bao. Điều nữa, việc tổ chức thi tuyển sinh, bộ cũng cần nghiên cứu giao toàn bộ cho các trường đại học, từ ra đề đến tuyển chọn. Đừng để rơi vào tình trạng sự việc diễn ra rồi mới đi rút kinh nghiệm.
Võ Nguyên
(*),(**) Nguồn: Báo: Người lao động, Lao động, Vietnam.net