Thời khóa biểu mỗi nơi một kiểu, học sinh chuyển trường sẽ ra sao?
Tại hội nghị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 9/1, đại diện các địa phương bày tỏ băn khoăn về những tình huống trong tổ chức dạy học.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ các trường trên địa bàn, đặc biệt là khối THCS đang rất băn khoăn trong việc việc bố trí thời khóa biểu sao cho hợp lý trong điều kiện dạy học tích hợp liên môn ở Chương trình phổ thông mới.
Cùng đó, trên góc độ người quản lý, ông Giang cũng lo ngại về bài toán cần giải: Trong khi ngành phải thực hiện tinh giản biên chế thì sắp xếp lại đội ngũ giáo viên ra sao để không thừa cũng không thiếu khi thực hiện dạy tích hợp liên môn.
Giải đáp về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), cho hay việc dạy tích hợp chủ yếu sẽ ở các môn mới trong chương trình. “Có 2 môn được mọi người quan tâm nhiều là môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS. Môn Lịch sử và Địa lý có mạch kiến thức Lịch sử riêng, Địa lý riêng, trong đó mỗi lớp sẽ có một chuyên đề tích hợp (kiến thức liên môn) khoảng từ 6-10 tiết. Như vậy, môn Lịch sử và Địa lý có số tiết học tương đương với môn Lịch sử và môn Địa lý hiện nay. Do đó, cơ cấu giáo viên sẽ không có gì thay đổi. Việc phân công cũng tương đối dễ dàng bởi giáo viên môn nào sẽ phụ trách môn đấy trong một thời lượng liên tục, có thể trong một kỳ hoặc nửa kỳ".
"Thực chất chương trình hiện nay dạy môn Lịch sử và môn Địa lý tách biệt nhưng cũng đã có một số kiến thức liên môn rồi. Giáo viên Lịch sử khi dạy vẫn phải có những liên hệ với những kiến thức Địa lý và ngược lại”, ông Thành phân tích thêm.
Do đó, theo ông Thành, việc phân công, bố trí giảng dạy cho chương trình phổ thông mới sẽ không có gì khó khăn.
“Đối với môn Khoa học tự nhiên, trước đây là kiến thức riêng của 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học thì hiện nay được thiết kế thành một môn tích hợp.
Tính toán số lượng tiết học hiện nay, môn Vật lý có 5 tiết/ tuần, môn Hóa học có 4 tiết/ tuần, môn Sinh học có 8 tiết/ tuần cho cả bốn khối lớp THCS. Tỉ lệ ấy tương đương với tỉ lệ các mạch kiến thức của môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được thiết kế trong môn Khoa học tự nhiên tới đây.
Lượng kiến thức tương đồng chương trình hiện tại nên với mỗi nhà trường, mỗi tổ bộ môn, số lượng giáo viên cơ bản đáp ứng được, không có sự xáo trộn về cơ cấu giáo viên”.
Trước những lo lắng về việc sắp xếp thời khóa biểu, ông Thành cho hay: “Giáo viên hiện nay đang giảng dạy các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học riêng, thực chất cũng rất nhiều người đã được đào tạo 2 môn, nhưng đang giảng dạy một bộ môn nhất định. Trong cơ cấu một nhà trường có khoảng 32 lớp, mỗi khối có 8 lớp cần khoảng 3 giáo viên Vật lý, 2 giáo viên Hóa học và 4 giáo viên Sinh học. Theo đó, việc phân công, bố trí thực hiện theo thời khóa biểu môn Khoa học tự nhiên là hoàn toàn khả thi”.
Theo ông Thành, chương trình mới chỉ quy định số tiết/ năm, chứ không quy định số tiết/ tuần như các chương trình trước đây. Điều này cho phép các trường chủ động trong việc sắp xếp thời khóa biểu dạy các môn học.
“Đối với các mạch chủ đề của từng lớp đều được phân rõ ràng, tỉ lệ bao nhiêu phần trăm cho từng môn. Như vậy, việc sắp xếp thời khóa biểu theo các yêu cầu, điều kiện của nhà trường sẽ được linh hoạt. Ví dụ trong một năm học có 2 học kỳ, chu kỳ thời khóa biểu hiện nay chúng ta đang sắp xếp là theo tuần, nhưng chu kỳ này đã không còn là xu thế hiện đại trên thế giới nữa. Chúng ta phải sắp xếp theo chu kỳ khác, ví dụ chu kỳ theo nửa kỳ. Vì vậy, trong vòng nửa kỳ đó, có thể thực hiện hết một mạch kiến thức môn Hóa, nửa kỳ tiếp theo sẽ đi hết mạch kiến thức môn Sinh, nửa kỳ tiếp theo nữa sẽ đi hết mạch kiến thức của môn Vật lý. Với cách sắp xếp như thế, các nhà trường sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế để bố trí thời khóa biểu một cách phù hợp”.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra, có ý kiến cho rằng việc các nhà trường được giao quyền tự chủ về chương trình, dẫn đến học sinh của các trường sẽ có kiến thức lệch nhau ở từng thời điểm. Học sinh này được học cái này, học sinh khác thì chưa.
“Vậy khi triển khai chương trình mới, những học sinh có nhu cầu chuyển trường trong giai đoạn chưa kết thúc năm học thì xử lý những trường hợp này như thế nào?”, đại diện Sở GD-ĐT Bà Rịa- Vũng Tàu đặt câu hỏi.
Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay khi thiết kế một chương trình, kể cả theo điều lệ chương trình hiện nay thì học sinh muốn chuyển trường phải vào thời điểm kết thúc học kỳ I hoặc cuối năm.
“Không phải học sinh muốn chuyển bất kỳ lúc nào cũng được mà phải chuyển vào hết học kỳ I hoặc cuối năm học. Nếu như chuyển vào cuối năm học không có vấn đề gì phải lo cả vì chương trình khung đã quy định số tiết dạy trong một năm. Do đó, dù trường đó có sắp xếp theo chương trình giáo dục của nhà trường, phần này trước, phần kia sau, thì hết một năm cũng phải hoàn thành chương trình. Các học sinh chuyển trường sẽ thực hiện theo đúng điều lệ.
Đối với những học sinh đã học được nửa kỳ nhưng do điều kiện của gia đình công tác mà phải chuyển, khi đến cơ sở mới các em cũng phải đảm bảo điều kiện đầu vào. Đây là những trường hợp cá biệt. Nếu như trường mới đã tổ chức dạy học phần mà các em chưa được học thì học sinh phải bổ sung phần đó để đáp ứng yêu cầu khi vào chương trình của trường mới”, ông Thành giải thích.