Thống nhất đề xuất phương án cấm thuốc lá thế hệ mới

Gần đây, bên cạnh thuốc lá truyền thống, trên thị trường xuất hiện các loại thuốc lá thế hệ mới gồm: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và sản phẩm lai giữa 2 loại này. Mặc dù chưa được phép nhập khẩu, bán và quảng cáo nhưng tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới vẫn đáng lo ngại, nhất là ở các khu vực thành thị.

Bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tại hội thảo Công bố tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: “Tất cả các loại thuốc lá đều có hại cho sức khỏe. Việc có thêm các loại thuốc lá mới còn làm gia tăng thêm gánh nặng bệnh tật cho người dân, trầm trọng thêm các vấn đề y tế công cộng”.

Theo đó, nghiên cứu về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của Bộ Y tế cho thấy: Tại gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã ghi nhận 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các triệu chứng: Dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp, và cả đột quỵ não. Số ngày điều trị trung bình từ 1-6 ngày; có 5% số bệnh nhân sau điều trị vẫn để lại di chứng.

Bộ Y tế công bố tác hại đối với sức khỏe của thuốc lá điện tử bao gồm các tác hại cấp tính như: Hút thuốc lá có thể dẫn đến tổn thương phổi cấp, có thể dẫn đến tử vong (EVALI), bị thương và bỏng do nổ pin và cháy thiết bị và ngộ độc do quá liều nicotin và ngộ độc các chất ma túy được pha trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử.

Hút thuốc lá điện tử có thể gây các bệnh về hô hấp, tim mạch, ung thư, bệnh răng miệng; đặc biệt phụ nữ mang thai hút thuốc lá điện tử có thể gây nguy hiểm cho thai nhi (gây hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay những dị tật thính giác và béo phì ở trẻ em, giãn phế quản ở trẻ sơ sinh). Các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến hút thuốc lá điện tử như: Đau đầu, ho, mất ngủ, suy nhược, đau ngực ở người sử dụng là người trẻ tuổi; kích ứng cổ họng, ho, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn; trầm cảm, lo âu, bốc đồng…

Với thuốc lá nung nóng, khói tỏa từ các sản phẩm thuốc này có thành phần rất giống với khói tỏa của thuốc lá điếu, có chứa nhiều chất độc có khả năng gây ra nhiều bệnh như: Hô hấp, tim mạch, ung thư; bệnh về hệ thần kinh, hệ sinh sản, trí não, ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ em, vị thành niên.

Về tác động đến trật tự xã hội, Thượng tá Nguyễn Duy Trung - Phó Trưởng phòng 5, Cục Phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) cảnh báo: “Qua theo dõi của Bộ Công an, những năm gần đây, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử thế hệ mới và thuốc lá điện tử có pha tẩm ma túy trên thế giới và ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp, nhất là trên không gian mạng, các sàn thương mại điện tử. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an cả nước đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 35 vụ; xử lý 24 vụ, 31 đối tượng liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy”.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết: Với những bằng chứng về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đề xuất, trước mắt Quốc hội cần ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán và quảng cáo, khuyến mại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở tất cả các dạng. Trong thời gian tới, các quy định này cần được nghiên cứu luật định khi sửa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Bên cạnh đó, Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ ngành liên ngành và cộng đồng trong tăng cường hiệu lực thực thi quy định cấm. Vận dụng kinh nghiệm thành công và chưa thành công của một số quốc gia trong khu vực và quốc tế trong thực thi quy định ngăn chặn thuốc lá mới, cần thực hiện các biện pháp như: Truyền thông, giáo dục; quy định các biện pháp thực thi nhằm ngăn chặn việc mua bán, cung cấp, nhập lậu và quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác.

Đồng tình với phương án cấm các sản phẩm thuốc lá mới, TS Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng khẳng định: “Trước tình hình số học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng mạnh (từ 2,6% vào năm 2019 đến 8% vào năm 2023); trong khi, việc kiểm tra, giám sát học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong nhà trường, đặc biệt là ở ngoài nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả.

Chúng tôi đồng tình với Bộ Y tế về việc đề xuất Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, không cho phép sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, quảng cáo và lưu hành các sản phẩm thuốc lá mới. Đồng thời, ban hành chính sách phù hợp để quản lý các điểm bán lẻ thuốc lá; có quy định, hướng dẫn chi tiết về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương về quy định cấm buôn bán thuốc lá ngoài cổng trường học; chế tài xử phạt và trách nhiệm xử lý của các đơn vị có liên quan”.

T.Ban

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thong-nhat-de-xuat-phuong-an-cam-thuoc-la-the-he-moi-10293394.html