Thông tin mới vụ hàng trăm hũ tro cốt chất đống, mất di ảnh ở chùa Kỳ Quang 2
Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết xôn xao vụ các hũ tro cốt của người dân gửi tại chùa Kỳ Quang 2 (số 154/4A Lê Hoàng Phái, phường 17, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), bị mất di ảnh hoặc bị xáo trộn...
Tạm ngưng chức trụ trì chùa Kỳ Quang 2
Ngày 5/9, Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam TP Hồ Chí Minh, đã ban hành thông báo tạm ngưng chức trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đối với Hòa thượng Thích Thiện Chiếu.
Theo Ban Thường trực Ban Trị sự GHPG Việt Nam TP Hồ Chí Minh, việc làm rơi rớt hình ảnh, tên tuổi, đảo lộn các hũ tro cốt của người dân gửi vào chùa để thờ cúng là nghiêm trọng. Thông báo tạm ngưng chức trụ trì cũng cho biết, thay cho Hòa thượng Thích Thiện Chiếu là Thượng tọa Thích Quang Thạnh (thế danh Trần Xuân Nhàn) chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động tu học, tín ngưỡng và xã hội tại chùa từ ngày 5/9.
Nhiều người nhận định, việc các hũ tro cốt bị xáo trộn, di ảnh bị rơi rớt, thất lạc về mặt tâm linh sẽ khiến người thân đau buồn. Vì họ đã tin tưởng gửi vào chùa tro cốt của người thân để mong được thường xuyên hương đèn. Nay, trên hũ tro cốt không có hình ảnh, danh tính của người thân, chỗ đặt bị xáo trộn, khi vào chùa sẽ không biết thắp hương, cúng bái hũ tro cốt nào vì không biết có phải mình đang lạy người thân hay không?
Luật sư Phương Văn Thêm - Trưởng Văn phòng Luật sư Phương Gia (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong các ngôi chùa thường phân công vị sư nào đó phụ trách Ban nghi lễ, Ban trị sự. Do đó không thể có chuyện người ngoài vào dọn vệ sinh dẫn đến bong tróc di ảnh, biển tên và xáo trộn vị trí các hũ tro cốt. Bởi lẽ trong thực tế, có rất nhiều gia đình khi gửi tro cốt của người thân của mình vào chùa thường có tình trạng “đặt chỗ”.
Nhiều gia đình gửi tro cốt của người thân vào chùa và đóng tiền 1 lần, trường hợp khác đóng tiền mỗi năm. Do đó, họ thường chọn đặt ở nơi dễ thấy, ở ngoài cùng hoặc ở nơi khuất, nơi cao tùy theo việc cúng dường bằng tiền. Việc cúng dường bằng tiền, phụ thuộc vào tâm của người gửi, nhưng đa phần cái gì cũng có giá của nó, nên việc cúng dường thường nhiều hơn mức quy định, người gửi không tiếc tiền, chỉ mong sao tro cốt người thân được an viên.
Vì vậy có nhiều người, khi tro cốt của người thân đã được đặt trong chùa, ngay từ đầu họ đã mặc định được vị trí để mỗi khi có dịp vào chùa thắp hương cúng bái sẽ mặc nhiên tìm đến vị trí hũ tro cốt mà nhà chùa đặt sau khi tiếp nhận.
Trước đó vào ngày 1/9 (dịp lễ Vu lan), nhiều người đến chùa Kỳ Quang 2 để thắp hương, cúng bái người thân đã khuất và phát hiện nhiều hũ tro cốt bị đặt xáo trộn, bị mất di ảnh, nhiều bức ảnh rơi dưới sàn nhà, mất biển tên.
Sau khi xảy ra sự việc, đại diện chính quyền địa phương đã đến lập biên bản kiểm đếm có 883 hũ tro cốt, trong đó có 302 hũ tro cốt dưới hầm, 581 hũ tro cốt đá trắng (có 108 hũ tro cốt có gắn hình), số còn lại nằm 2 bên, có đánh số thứ tự từ 1 đến 307 và từ 500 đến 773. Biên bản được dán trong khuôn viên chùa để thông báo ngày 17/9, nhà chùa trả các hũ tro cốt về cho những hộ muốn đưa về và giải quyết những việc liên quan.
“Đối với tâm linh, hiện nay không có quy định nào, nhưng trên thực tế khi mồ mả, hài cốt, tro cốt bị xâm phạm sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề nhân thân gia đình người ta. Trong vụ này chưa rõ có các hũ tro cốt có vỡ hay không. Nếu không vỡ thì khắc phục và chỉ vi phạm hành chính. Nếu vỡ hũ tro cốt xáo trộn với tro cốt khác, hoặc đưa tro cốt ra ngoài, cần phải tìm hiểu động cơ nào đưa ra ngoài? Vì thực tế có nhiều trường hợp do gửi tro cốt người thân trong chùa đã lâu năm nhưng quên, hoặc ở xa chùa, không có tiền nên không cúng dường thì bị đưa ra ngoài để nhường vị trí đặt hũ tro cốt của người khác”, luật sư Thêm nói.
Pháp luật quy định thế nào đối với tro cốt?
Vậy việc hũ tro cốt bị xáo trộn (hoặc bị mất), di ảnh và danh tính bị mất khi đã được gửi vào chùa, pháp luật xử lý ra sao? Theo luật sư Phương Văn Thêm, trường hợp hũ bị vỡ, tro cốt không còn lúc này có dấu hiệu yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại điều 319 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, tại điểm a và b khoản 2 Điều 319 nêu: “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa”
Tuy nhiên theo Tiến sĩ, luật sư Đào Kim Lân - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Thuận Phát (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), trong vụ việc nêu trên có 2 vấn đề khác nhau.
Thứ nhất, tro cốt có được xem là dạng hài cốt, mồ mả hay không? Vì hài cốt là phần xương còn lại sau khi cả thân xác đã tiêu hủy, còn đã gọi là tro tất nhiên không còn là cốt, là vật đã tiêu hủy hoàn toàn, có thể rải đi, vì nó không còn còn là một thực thể nữa.
Thứ hai, hư hỏng, hủy hoại, mất mát hay rớt cái biển tên, di ảnh cũng cần xác định kỹ. Rớt biển tên không có vấn đề gì, chỉ là tắc trách trong việc bảo quản, hành vi này chỉ xử lý hành chính. Nhưng khi nào làm hư, bể hoặc mất hoàn toàn lúc này mới có vấn đề.
“Trong vụ này, hoàn toàn không liên quan gì đến điều 319 Bộ luật Hình sự 2015, vì điểm a, b khoản 2 là hình thức tăng nặng nếu khoản 1 của điều này xảy ra. Vấn đề cốt lõi ở đây là phạm trù đạo đức. Lý do thật sự của việc các hũ tro cốt bị xáo trộn, bị thất lạc di ảnh, mất biển tên? Theo các thông tin trên báo thể hiện chỉ là nhà chùa đưa về đặt ở hầm, để tạm di dời hay sửa chữa gì đó như lời vị Hòa thượng Thích Thiện Chiếu.
Cũng theo lời Hòa thượng cho rằng có thể có ai đó phá hoại, nhưng ai phá, phá để làm gì? Thường thì những việc nhà chùa, kể cả bảo trì, chăm sóc hũ tro cốt hay quét dọn, bài trí…, sẽ do phật tử khắp nơi đến làm công đức.
Chưa nói việc xây dựng và di dời do các thợ xây phụ trách. Do đó cần xem xét tường tận trách nhiệm những người này, vì trong Tết Nguyên đán, một số người dân đã không được vào chùa để thắp nhang cúng bái người thân với lý do phòng, chống dịch Covid-19. Tất nhiên, trách nhiệm chính trong vụ việc này thuộc về nhà chùa và trụ trì”, Tiến sĩ, luật sư Đào Kim Lân phân tích.
Cũng theo Tiến sĩ, luật sư Đào Kim Lân, đối với cúng dường có 3 khoản: Cúng lúc mới gửi tro cốt; Phí bảo quản, nhang đèn hàng năm (khoản này hầu như chùa nào cũng có); Cúng dường tùy hỉ bằng cách cho vào hòm công đức. Tuy nhiên khoản thứ nhất, thứ ba thường không rõ ràng, còn khoản thứ hai là bắt buộc và có biên lai hợp lệ, thậm chí ai nợ cũng được nhắc.
Điều 319 về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.