Thu giữ nhiều tang vật các vụ buôn bán động vật hoang dã nhưng chưa 'trùm cuối' nào bị bắt

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), từ nhiều nguồn tin, hiện đã hình thành nên các đường dây tội phạm do người Việt Nam cầm đầu với lực lượng trải rộng cả ở châu Phi và Việt Nam, chuyên thu gom, vận chuyển trái phép hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và các sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm khác về Việt Nam và đưa đi tiêu thụ trong, ngoài nước.

Nội dung trên được nêu trong tọa đàm “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam: Thành tựu và Thách thức” do ENV tổ chức vào sáng ngày 10.5.2022.

Đánh giá tại tọa đàm, Việt Nam vẫn tiếp tục bị đánh giá là một thị trường tiêu thụ ĐVHD lớn, và là địa điểm trung chuyển quan trọng đưa ĐVHD đến các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Số liệu từ cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của ENV cho thấy chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, gần 60 tấn ngà voi và vảy tê tê đã bị phát hiện và thu giữ tại các khu vực cảng biển của Việt Nam.

Dẫu vậy, đến nay vẫn chưa có bất kì đối tượng nào đứng sau những đường dây thu gom, buôn bán, vận chuyển trái phép số lượng rất lớn ĐVHD từ nước ngoài về Việt Nam bị đưa ra xét xử.

Theo ENV, việc điều tra, bắt giữ và xử lý những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD quy mô lớn có yếu tố xuyên quốc gia không hề dễ dàng. Nguyên nhân vì những đối tượng này thường không phải là người trực tiếp thực hiện các thủ tục hải quan, thu gom, đóng gói ĐVHD để đưa vào các container vận chuyển trái phép về Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là việc không thể thực hiện nếu các cơ quan chức năng thực sự quyết tâm và nhận thấy sự cần thiết phải xử lý “tận gốc” vấn đề buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép.

“Việc thu giữ hàng tấn ĐVHD bị buôn bán, vận chuyển trái phép là rất quan trọng. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần nhìn xa hơn là chỉ thu giữ tang vật! Phát hiện, thu giữ tang vật chỉ nên là điểm khởi đầu của một chuyên án xử lý tội phạm về ĐVHD.

Các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực điều tra, xác minh và sử dụng mọi thông tin có thể khai thác từ các vụ thu giữ tang vật ban đầu này để tìm ra những đối tượng cầm đầu, xử lý nghiêm minh các đối tượng này theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ khi những đối tượng cầm đầu bị xử lý, chúng ta mới có thể cho các đối tượng này và những đối tượng khác thấy được rủi ro từ hoạt động buôn bán mang lại lợi nhuận bất chính đặc biệt lớn này.”, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV nói.

Ngà voi, vảy tê tê tịch thu tại khu vực cảng biển.

Ngà voi, vảy tê tê tịch thu tại khu vực cảng biển.

Phân tích cho thấy, trong quá trình điều phối hoạt động mua bán, thanh toán, vận chuyển trái phép ĐVHD, những kẻ phạm tội chắc chắn sẽ để lại dấu vết và bằng chứng dù lớn hay nhỏ.

Các tài khoản được dùng để thanh toán tiền hàng và phí vận chuyển, thông tin liên lạc kết nối các bộ phận khác nhau của đường dây, máy tính cá nhân và điện thoại của một số đối tượng tình nghi đều là các nguồn có thể được xem xét trong quá trình điều tra.

Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật có thể mở rộng ra ngoài các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD nhằm tìm ra cách tốt nhất để điều tra và khởi tố một đối tượng cầm đầu.

Ví dụ như (1) pháp luật về rửa tiền cho phép khởi tố những đối tượng chuyển hoặc rửa tiền thông qua các doanh nghiệp hợp pháp; (2) Pháp luật về trốn thuế cho phép khởi tố những đối tượng có thu nhập đáng kể hoặc tài sản không phản ánh đúng thu nhập chịu thuế và tịch thu tài sản bất hợp pháp của chúng; Hoặc (3) pháp luật về gian lận trong kinh doanh nghiêm cấm các doanh nghiệp hoạt động với mục đích “trá hình” cho hoạt động phạm tội.

Theo ENV, việc tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước khác trong các vụ có tính chất xuyên quốc gia cũng là cơ hội để có thể bắt giữ, xử lý triệt để các đối tượng phạm tội về ĐVHD, nếu không phải tại Việt Nam thì sẽ là tại các quốc gia khác.

Lê Quỳnh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thu-giu-nhieu-tang-vat-cac-vu-buon-ban-dong-vat-hoang-da-nhung-chua-trum-cuoi-nao-bi-bat-34850.html