Thu gom rơm bằng máy đem lại thu nhập cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Sau thời gian thu hoạch lúa, việc vệ sinh đồng ruộng, giải quyết rơm trên đồng là vấn đề được nhiều bà con nông dân quan tâm. Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, tránh những hình thức xử lý rơm gây ảnh hưởng môi trường, hình thức cuốn rơm bằng máy đã được áp dụng ở nhiều nơi, mang lại thu nhập cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Máy cuốn rơm hoạt động trên một cánh đồng ở thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư.

Máy cuốn rơm hoạt động trên một cánh đồng ở thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư.

Rơm rạ là nguồn nguyên liệu quý trong sản xuất nông nghiệp như làm thức ăn nuôi gia súc, sản xuất nấm và che phủ cây trồng…. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do bà con nông dân ít biết tận dụng trong sản xuất nên hầu hết đều tiến hành đốt rơm trên đồng ngay sau khi gặt. Việc đốt rơm trên đồng đã gây ra nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đồng ruộng và lãng phí nguồn nguyên liệu để tái sản xuất nông nghiệp.

Nắm bắt nhu cầu sử dụng rơm, rạ trong trồng trọt, chăn nuôi ngày càng tăng, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, anh Bùi Văn Thảo, thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư đã mạnh dạn đầu tư hơn 700 triệu đồng để thực hiện mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm.

Sau khi triển khai, mô hình bước đầu phát huy hiệu quả tốt về mặt kinh tế và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ gây ra. Trước khi tham gia mô hình, anh Bùi Văn Thảo còn được biết đến là Giám đốc HTX chăn nuôi dê Ninh Bình với số lượng đàn dê trên 3.000 con. Tất bật với chăn nuôi là thế, nhưng khi thấy mô hình kinh tế nào hiệu quả, anh lại tìm tòi, học hỏi để thực hiện.

Dẫn chúng tôi đến cánh đồng lúa ở xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư để tận mắt xem những chiếc máy cuốn rơm hoạt động. Anh Thảo chia sẻ: Máy cuốn rơm hoạt động tốt trên cả nền ruộng khô và ẩm ướt. Cơ chế vận hành máy khá đơn giản, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Sau đó, rơm được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động thành các cuộn to.

Mỗi cuộn rơm hoàn thành trung bình chỉ trong thời gian từ 40 - 45 giây. Công suất thu gom rơm đạt từ 50 - 70 cuộn/giờ (tùy thuộc vào trữ lượng rơm, tính hoạt động liên tục của máy). Được biết, mỗi héc-ta thu được hơn 100 cuộn rơm, mỗi vụ anh Thảo ước đạt 10.000 cuộn rơm. Mỗi cuộn rơm có trọng lượng từ 17 - 20kg/cuộn.

Rơm rạ sau thu gom được vận chuyển và nhập cho các trang trại trong và ngoài tỉnh để làm thức ăn chăn nuôi, hoặc cung ứng cho các hộ làm nấm, làm phân bón, che phủ cho cây trồng,... Anh Thảo còn thuê kho rộng 6.000 m2 để dự trữ số cuộn rơm chờ xuất trong mùa đông sẽ cho giá cao.

Giá bán cuộn rơm tùy theo chất lượng rơm, những loại rơm khô xỉn màu do ảnh hưởng của mưa sẽ bán với giá rẻ để che phủ cây trồng, từ 15.000 - 20.000 đồng/cuộn, rơm khô chất lượng tốt bán giá cao hơn để làm thức ăn cho gia súc với giá 30.000 đồng/cuộn. Trừ chi phí vật tư, nhiên liệu và khấu hao máy, mỗi vụ trung bình anh thu về từ 70 - 80 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, để vận hành máy cuộn rơm, anh còn tạo việc làm cho 6 nhân công với mức thu nhập từ 700.000 - 1.000.000 đồng/ngày.

Máy cuốn rơm có công suất thu gom rơm đạt từ 50 - 70 cuộn/giờ.

Để việc đầu tư máy cuốn rơm có hiệu quả, theo anh Thảo cần lưu ý nắm bắt được thời gian thu hoạch lúa của từng vùng, ưu tiên triển khai cho những vùng trọng điểm sản xuất lúa, có quy mô diện tích lớn, tập trung; vùng nào thu hoạch trước, đến thu rơm trước.

Trong vụ vừa qua, mô hình máy cuộn rơm của anh đã mở rộng địa bàn hoạt động ở khắp các địa phương trong tỉnh và sang các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định... Để tránh tình trạng người dân đốt rơm khi máy chưa kịp thu gom, anh chủ động liên hệ trước với các đầu mối là các hợp tác xã nông nghiệp, các thôn, xóm để tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen đốt rơm rạ có hại cho môi trường.

Anh Bùi Văn Thanh, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh là người vận hành máy cuốn rơm thuê cho biết: "Thay vì đốt bỏ như trước, nay nhờ có việc cuốn rơm mà người nông dân đã đỡ phần xử lý, cải tạo sau thu hoạch. Nên chúng tôi đến cánh đồng nào, thu gom rơm cũng đều được bà con nông dân vui vẻ, nhiệt tình hưởng ứng."

Có thể thấy, ngoài lợi ích kinh tế, việc thu gom rơm còn hạn chế ô nhiễm môi trường, rơm rạ được thu gom để sử dụng trong chăn nuôi, làm nấm, che phủ đất để trồng cây, chế biến phân hữu cơ, giảm lượng rơm phơi trên đường, làm cho đường làng ngõ xóm sạch hơn... Đặc biệt, việc đưa máy cuộn rơm vào sản xuất cũng là hình thức tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Bài, ảnh: Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thu-gom-rom-bang-may-dem-lai-thu-nhap-cao-giam-thieu-o-nhiem/d20211026113020234.htm