Thu hút nguồn lực phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Phú Thọ định hướng tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, thu hút phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với logistics và hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư dịch vụ logisics.
Ngày 26/3/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, thành phố Việt Trì, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ, Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cùng các Sở, ngành và các địa phương của tỉnh Phú Thọ; đại diện các hiệp hội trong lĩnh vực logistics, doanh nghiệp dịch vụ logistics, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài tỉnh Phú Thọ…
Hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày l6 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; Kế hoạch số 292/KH-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2024 của UBND tỉnh Phú Thọ phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Qua đó thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics, đặc biệt là 02 Trung tâm logistics cấp tỉnh và 01 trung tâm logistics cấp Vùng được quy hoạch tại tỉnh Phú Thọ.
Nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dịch vụ logistics
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cho biết, theo Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, trong đó ưu tiên hình thành và phát triển 02 Trung tâm Logistics cấp tỉnh tại huyện Lâm Thao và Hạ Hòa; 01 trung tâm Logistics cấp vùng tại thị xã Phú Thọ.
Để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển cho những năm tiếp theo và xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế của Vùng Trung du miền núi phía Bắc, trong thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, thu hút phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với logistics và hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời cải thiện mạnh mẽ và nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị, đặc biệt là đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh. Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí, thời gian và tiện ích thông quan cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
"Quyết tâm xây dựng Phú Thọ tiếp tục là "điểm đến hấp dẫn" thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước, đặc biệt quan tâm đến thu hút đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ logistics", ông Nguyễn Việt Dũng cho biết.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, với nhiều tiềm năng, lợi thế, Phú Thọ hội tụ nhiều điều kiện riêng có để đầu tư phát triển dịch vụ logistics, tham gia vào từng khâu của quá trình lưu thông hàng hóa; phát triển trở thành một cực tăng trưởng của Vùng động lực tiềm năng Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ, trung tâm kết nối giao thương kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.
Thực tế trong những năm gần đây, dịch vụ logistics ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, hoạt động logistics tại Phú Thọ thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế lớn như: chưa có Trung tâm logistics tương xứng với vị trí địa kinh tế - giao thông; kết nối chưa hiệu quả giữa các vùng sản xuất và chế biến, xuất khẩu hàng hóa khiến chi phí logistics tăng, thời gian vận chuyển bị kéo dài….
"Hiến kế" để Phú Thọ trở thành điểm đến đầu tư, phát triển dịch vụ logistics hấp dẫn
Để phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế thúc đẩy dịch vụ logistics đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào sự phát triển chung của tỉnh, ông Nguyễn Anh Sơn đề nghị Phú Thọ đẩy mạnh triển khai Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, chú trọng các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội, đồng thời ưu tiên ngân sách để làm “vốn mồi”, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các Trung tâm logistics áp dụng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí logistics.
Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường hợp tác logistics với các địa phương trên các tuyến hành lang kinh tế. Tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế, kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực, phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng và thị trường, không gian cho dịch vụ logistics phát triển. Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong logistics ở cả lĩnh vực quản lý và kinh doanh dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh...
Bên cạnh đó, Phú Thọ cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao tại chỗ; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng trên các tuyến vận tải biển quốc tế... hiện nay có xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Điều này mang lại lợi ích cho lĩnh vực dịch vụ logistics của Việt Nam, đặc biệt tại khu vực các tỉnh phía Bắc trong đó có Phú Thọ. Do đó Phú Thọ đang có nhiều thuận lợi để đầu tư phát triển dịch vụ logistics nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất và nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và quốc tế.
“Việc Phú Thọ chuyển mình vươn lên mạnh mẽ từ vị trí thứ 9 từ dưới lên thành vị trí thứ 9 từ trên xuống theo quy mô xuất khẩu hàng hóa trong các tỉnh, thành phố cả nước phần nào cho thấy điều đó”, ông Hải nhấn mạnh.
Gợi ý một số giải pháp để Phú Thọ phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, ông Trần Thanh Hải khuyến nghị Tỉnh cần tập trung thu hút đầu tư vào 3 trung tâm logistics đang được quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung nguồn lực địa phương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics, phát triển thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ; tăng cường liên kết vùng, kết nối hợp tác với các địa phương dọc hành lang kinh tế Lào Cai - Quảng Ninh.
Tại Hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ và giới thiệu Quy hoạch chung tỉnh Phú giai đoạn 2023-2030 tầm nhìn đến năm 2050; đại diện Sở Công Thương Phú Thọ thông tin về thực trạng hạ tầng và quy hoạch hạ tầng logistics, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ thông tin về thực trạng và quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Phú Thọ.
Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics và các sở, ngành, các trường, doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ cũng đã thảo luận, trao đổi về nhu cầu tìm hiểu, hợp tác đầu tư phát triển và đề xuất các giải pháp liên kết nguồn lực, phát huy tiềm năng dịch vụ logistics của tỉnh Phú Thọ...
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Bộ Công Thương, các hiệp hội, doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận và gợi ý nhiều giải pháp để tỉnh Phú Thọ phát triển dịch vụ logistics.
"Thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Phú Thọ; cam kết đồng hành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình tìm hiểu cơ hội và xúc tiến triển khai đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn...", ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành của tỉnh tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, chuyên gia tại Hội nghị, tập trung triển khai các phần việc liên quan tại Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025...
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã tham gia khảo sát thực địa khu vực quy hoạch logistics trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Cảng cạn ICD Hải Linh tại xã Sông Lô, Việt Trì; khu vực quy hoạch trung tâm logistics cấp tỉnh tại xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao; khu vực quy hoạch trung tâm logistics cấp vùng tại xã Hiền Quang, huyện Tam Nông.