Thứ trưởng Tài chính Mỹ tiết lộ giới hạn 'hướng dẫn' về giá dầu của Nga
Ngày 6/9, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Adewale Adeyemo đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông rằng, Mỹ bước đầu muốn giới hạn giá dầu thô của Nga ở mức 44 USD/thùng.
Ông Adeyemo nhấn mạnh rằng, 44 USD/thùng là giá chi phí sản xuất dầu thô mà Nga ước tính trước đó, và Mỹ tạm coi đây là giá hướng dẫn sơ bộ.
"Chúng tôi sẽ không đặt mức giá này thấp hơn giá thành sản xuất của Nga. Do đó, mức giá này có thể khuyến khích Nga tiếp tục sản xuất dầu thô, nhưng không cho phép nước này thu lợi nhuận từ hoạt động này", ông Adeyemo nói.
Ông Adeyemo cũng giải thích: "Mục tiêu chính trong chính sách của chúng tôi là giảm thu nhập của họ trong khi vẫn để năng lượng tiếp tục chảy ra khỏi Nga".
Theo trang tin Phượng hoàng của Trung Quốc, con số thực tế về mức trần giá dầu của Nga và nó sẽ được duy trì trong bao lâu, vẫn cần được quyết định sau các cuộc thảo luận nội bộ giữa các nước phương Tây.
Hiệu lực của chính sách không rõ ràng
Tuần trước, các bộ trưởng tài chính của Nhóm 7 nước có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) đã nhất trí về kế hoạch này.
Vào thời điểm đó, Nhà Trắng tuyên bố rằng, điều này sẽ đạt được hai mục tiêu: giảm tài trợ cho hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và ổn định giá dầu quốc tế.
Tuy nhiên, phân tích thị trường chỉ ra rằng, nếu các quốc gia tiêu dùng như Ấn Độ không tham gia "nhóm người mua" này thì rất có thể sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn của kế hoạch.
Hãng tin AP đưa tin rằng, Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Hardeep Singh Puri vào hôm 5/9 đã đưa ra một phản ứng rất mơ hồ rằng: "Trong tương lai gần, phần lớn nguồn cung dầu thô của Ấn Độ sẽ đến từ các nước vùng Vịnh bao gồm Ả Rập Xê Út và Iraq."
Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - ngày 2/9 nói rằng, Nga sẽ không cung cấp dầu cho các nước ủng hộ giới hạn đối với dầu của Nga.
Phó thủ tướng Nga phụ trách lĩnh vực năng lượng Alexandre Novak cùng ngày cũng nhấn mạnh, Nga từ chối cung cấp dầu trong các điều kiện phi thị trường.
Theo trang tin Phượng hoàng, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2, các nước phương Tây đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt đối với Nga, nhưng phản ứng ngược dữ dội do các lệnh trừng phạt gây ra - đặc biệt là giá năng lượng tăng mạnh - đã khiến họ ngày càng lúng túng. Nhiều quốc gia đang đứng trước bờ vực suy thoái và lạm phát đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Ngoài ra, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers cũng nói rằng, vì các giao dịch dầu thường được thực hiện một cách bí mật, ý tưởng về giới hạn giá đối với dầu của Nga là "quá thông minh" và có khả năng sẽ không hiệu quả.