Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Hội nhập quốc tế là vấn đề chiến lược

Sáng 2/8, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án 'Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế' tổ chức phiên họp lần thứ nhất.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình.

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Tại điểm cầu Ninh Bình, tham dự có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Cách đây 10 năm (ngày 10/4/2013), Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ "hội nhập kinh tế quốc tế" sang "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế" toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…

Thực tiễn triển khai Nghị quyết 22 trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, giống như đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Cụ thể: Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn; chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như tham gia sâu rộng vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên kết thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA..., góp phần củng cố và tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở cho phát triển đất nước.

Với Ninh Bình, sau khi Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành, Ninh Bình đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, ban hành Chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tỉnh đã củng cố, đẩy mạnh và phát triển sâu rộng các mối quan hệ hữu nghị với các đối tác truyền thống như Lào, Campuchia để thường xuyên trao đổi giao lưu về giáo dục, văn hóa, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư thương mại tại các quốc gia có tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư.

Song song với đó, tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng cường kết nối, tham gia vào các chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Nhờ vậy, hoạt động xuất khẩu của tỉnh có bước phát triển mạnh cả về kim ngạch và thị trường với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013-2022 đạt 21,8%/ năm, năm 2022 đạt 3.177,8 triệu USD. Hoạt động nhập khẩu cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Với thế mạnh về phát triển du lịch, thời gian qua, Ninh Bình đã tổ chức nhiều chiến dịch xúc tiến, quảng bá hình ảnh, con người Ninh Bình đến với bạn bè quốc tế. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch, văn hóa mang tầm khu vực và quốc tế như: Đại lễ Phật đản, lễ kỷ niệm 50 Công ước Unesco, Tuần du lịch...

Các tham luận tại cuộc họp tập trung đánh giá các kết quả, cũng như những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai Nghị quyết 22; đề xuất những chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để Ban Chỉ đạo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận Phiên họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm về hội nhập quốc tế. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế, nhìn chung có sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động. Kết quả là vị thế chính trị, tiềm lực của đất nước đang nâng cao, quan hệ quốc tế được mở rộng. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt 732 tỷ đô la. Thương hiệu quốc tế của Việt Nam được nâng lên.

Bên cạnh những thành tựu to lớn mang tính chiến lược, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: tính tích cực chủ động, sáng tạo trong triển khai hội nhập chưa cao; vai trò của Nhà nước trong dẫn dắt "cuộc chơi" này còn bị động, lúng túng; triển khai các thỏa thuận cam kết quốc tế chưa hiệu quả, bị động do thiếu nhiều kinh nghiệm; tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu còn nhiều hạn chế, ...

Trên cơ sở đó, Thủ tướng rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng như: Cần nhận thức sâu sắc hội nhập quốc tế là vấn đề chiến lược, vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Phải phát huy tốt vai trò trung tâm của người dân và doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, làm rõ và giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế.

Nắm chắc bối cảnh quốc tế và nhu cầu trong nước, hóa giải các vấn đề có tính mâu thuẫn, thách thức, phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của đất nước. Tất cả phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo trong quá trình lãnh đạo, điều hành các hoạt động hội nhập, trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, là bệ đỡ cho nhau, có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu kỹ các văn bản, đánh giá toàn diện giá trị của Nghị quyết số 22, những ưu, nhược điểm, các mặt còn tồn tại. Cuối cùng, đưa ra bản tổng kết có chiều sâu, làm cơ sở định hình nhiệm vụ, giải pháp hội nhập quốc tế trong giai đoạn tiếp theo.

Nguyễn Lựu- Anh Tuấn- Anh Tú

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-hoi-nhap-quoc-te-la-van/d202308021415174.htm