Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Thái Bình

Ngày 8-5, trong chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm huyện Tiền Hải (26/3/1962 - 26/3/2022); Lễ khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Trong 60 năm qua, những tình cảm sâu nặng, những chỉ bảo ân tình và mong muốn của Bác Hồ đã khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Tiền Hải, trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Hải đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng và trong công cuộc đổi mới của đất nước.

Để thể hiện tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu và tri ân công ơn to lớn của Người, năm 1994, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ngay trên mảnh đất Bác Hồ từng đứng nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Nam Cường; đến năm 2015, Khu lưu niệm được công nhận là Di tích cấp quốc gia.

Trải qua thời gian, Khu lưu niệm đã xuống cấp. Năm 2021, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Trung ương và tỉnh, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được tu bổ, tôn tạo, mở rộng trên khuôn viên diện tích 1,27ha, được quy hoạch, xây dựng tổng thể với nhiều hạng mục, tạo sự hài hòa, đồng bộ về kiến trúc, cảnh quan; vừa tôn nghiêm, ấm cúng, vừa mộc mạc, giản dị. Tổng kinh phí tu bổ, tôn tạo Khu lưu niệm hàng chục tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành đúng dịp Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Người, mãi mãi là biểu tượng cao đẹp, thể hiện lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu; là niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiền Hải mãi mãi gìn giữ Di tích quốc gia đặc biệt quý giá này để muôn đời hướng về, học tập nghiên cứu, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của Người; đồng thời giáo dục tư tưởng nhân văn, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho lớp lớp thế hệ mai sau.

Sau khi tiến hành nghi thức khánh thành công trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã dâng hương tưởng niệm Bác Hồ và trồng cây tại Khu lưu niệm. Ghi sổ vàng lưu niệm tại Khu lưu niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Tiền Hải phát huy tốt nhất những thành quả đã đạt được, tiếp tục đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân để xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh, nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, khảo sát một số dự án, công trình lớn trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Cùng đi có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Thủ tướng và đoàn công tác đã khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế (KKT) Thái Bình, ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Thủ tướng cũng nghe báo cáo về phương án quy hoạch giao thông tỉnh Thái Bình tới năm 2030, phương án lấn biển; khảo sát Khu công nghiệp Liên Hà Thái thuộc KKT này.

Thủ tướng cho biết Trung ương rất quan tâm tới việc phát triển KKT Thái Bình và qua chuyến công tác, khảo sát này nhằm "lắng nghe hơi thở cuộc sống", tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm, bài học rút ra. Đây là KKT rất quan trọng với Thái Bình, tỉnh đất hẹp người đông, đưa tỉnh phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển.

Thủ tướng gợi ý, trước đây, tiền nhân đã khai phá huyện Tiền Hải của tỉnh Thái Bình. Đến nay, KKT Thái Bình mới chủ yếu phát triển trên đất liền, cần phát triển theo hướng khai thác không gian biển. Kinh nghiệm là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phải đi trước, phải phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống chính trị, người dân và nhà đầu tư để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; an sinh phải đi đầu; hạ tầng phải đồng bộ.

Thủ tướng nhấn mạnh, muốn phát triển được KKT này cần xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, liên thông, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước và hạ tầng xã hội như nhà ở công nhân, hạ tầng môi trường. Phân tích kỹ hơn về yêu cầu phát triển hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh dồn lực nguồn vốn đầu tư công để hoàn thiện hạ tầng kết nối KKT, trước hết là dự án đường ven biển để kết nối càng sớm càng tốt với sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện của TP. Hải Phòng.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương; gợi ý về các phương án triển khai xây dựng KKT, trong đó đó có mô hình đầu tư công - quản trị tư. Quản trị công là xây dựng thể chế, quy hoạch, chiến lược, xây dựng hạ tầng tới chân hàng rào KKT…, còn quản trị tư là giao cho nhà đầu tư lớn vận hành, kêu gọi, thúc đẩy các nhà đầu tư khác. Nhiều tỉnh đã làm tốt mô hình này.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Bình cần xác định người dân phải được hưởng lợi từ KKT chứ không phải bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống của người dân đã nhường mặt bằng cho dự án tại nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước…

Theo Báo Nhân Dân điện tử

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-tham-va-lam-viec-tai-thai-binh-300746-97.html