Thủ tướng đề nghị Quảng Tây tiếp tục tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam vào Trung Quốc
Trong cuộc tiếp ông Lam Thiên Lập, Chủ tịch Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Quảng Tây tiếp tục tạo thuận lợi cho hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Quảng Tây, trong đó có việc thiết lập Trạm kiểm nghiệm, kiểm dịch.
Trong khuôn khổ dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 8 và công tác tại Trung Quốc, ngày 6/11, tại thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lam Thiên Lập, Chủ tịch Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Quảng Tây là địa phương Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian hoạt động cách mạng lâu nhất; Việt Nam và Quảng Tây dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Thủ tướng khẳng định, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các địa phương Việt Nam tăng cường hợp tác với các địa phương Trung Quốc, trong đó có Quảng Tây.
Chủ tịch Quảng Tây Lam Thiên Lập khẳng định Quảng Tây luôn coi trọng việc tăng cường giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với các bộ ngành, địa phương Việt Nam, đóng góp thiết thực cho tổng thể quan hệ hai Đảng, hai nước.
Hai bên đánh giá cao những tiến triển đáng khích lệ quan trọng của quan hệ hợp tác sâu rộng, hiệu quả giữa Việt Nam và Quảng Tây thời gian qua với 5 điểm sáng trên các lĩnh vực giao lưu trao đổi đoàn các cấp, hợp tác kinh tế - thương mại, hợp tác quản lý biên giới trên đất liền, kết nối giao thông, mở mới, nâng cấp cửa khẩu biên giới và giao lưu nhân dân, trong đó Việt Nam 25 năm liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây.
Kỳ vọng quan hệ hợp tác tương xứng hơn nữa với tiềm năng, mức độ quan hệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, trong thời gian tới, hai bên tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao; phát huy tốt Chương trình gặp gỡ đầu Xuân giữa các Bí thư và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa Quảng Tây và các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang; phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu “Năm giao lưu nhân văn Việt - Trung" 2025.
Thủ tướng đề nghị hai bên hợp tác trong triển khai các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Quảng Tây với Việt Nam; làm tốt mô hình thí điểm cửa khẩu thông minh; đề nghị Quảng Tây tiếp tục tạo thuận lợi cho hàng hóa, nhất là nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Quảng Tây, trong đó có việc thiết lập Trạm kiểm nghiệm, kiểm dịch.
Thủ tướng hoan nghênh doanh nghiệp Quảng Tây mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp xanh, năng lượng sạch, phát triển bền vững; sớm triển khai công tác nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới và hợp tác kinh tế số, điện lực, năng lượng sạch.
Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quản lý biên giới; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, quản lý xuất nhập cảnh, phòng chống tội phạm qua biên giới; đẩy mạnh nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới đất liền hai bên đã đạt nhất trí; vận hành an toàn, hiệu quả Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên.
Nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quảng Tây Lam Thiên Lập khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, mở rộng và làm sâu sắc giao lưu hữu nghị với các địa phương Việt Nam, đẩy mạnh kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, nhất là các tuyến đường sắt từ Quảng Tây kết nối với tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hải Phòng.
Chủ tịch Quảng Tây Lam Thiên Lập cũng cho biết, sẽ nhanh chóng triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh và các biện pháp tạo thuận lợi cho thông quan như thiết lập Trạm kiểm nghiệm, kiểm dịch đối với hàng nông sản Việt Nam; phát huy ưu thế đặc biệt của hai bên để qua Quảng Tây kết nối sâu hơn với lục địa Trung Quốc, sang các nước thứ ba; cũng như qua Việt Nam kết nối với các nước ASEAN.
Ông Lam Thiên Lập mong muốn hai bên mở rộng hơn nữa quy mô, nâng cao chất lượng hợp tác thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu suất thông quan với mô hình “cửa khẩu thông minh"; triển khai hợp tác kinh tế số, mua bán điện; tăng cường quản lý biên giới, hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới, góp phần củng cố và đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam đi vào chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho các địa phương và nhân dân hai bên.
Thủ tướng làm việc với tập đoàn sản xuất máy bay Trung Quốc
Chiều 6/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Ngụy Ứng Bưu - Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC). Đây là công ty sản xuất dòng tàu bay C919, mẫu tàu bay thân hẹp đầu tiên được thiết kế và sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc, hứa hẹn sẽ cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của các hãng máy bay nổi tiếng khác.
Tại cuộc tiếp, ông Ngụy Ứng Bưu khẳng định COMAC rất coi trọng thị trường Việt Nam khi kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt ngành hàng không Việt Nam là một động lực của ngành hàng không khu vực; mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam để cụ thể hóa, triển khai nhận thức chung, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao đề xuất hợp tác của COMAC đối với Việt Nam khi đã triển khai đưa máy bay C919 đến Việt Nam trong triển lãm hồi tháng 2; hoan nghênh COMAC tiếp tục khảo sát, nghiên cứu thị trường, thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là nghiên cứu, đánh giá các tàu bay để có thể lựa chọn phù hợp, theo các hình thức linh hoạt, giúp đa dạng đội bay của Việt Nam, thực hiện các chuyến bay đem lại hiệu quả cao.